Gia Lai chủ động phòng-chống hạn vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15-30%; lượng dòng chảy trên các sông, suối cũng thấp hơn trung bình nhiều năm 10-35%. Do đó, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động chống hạn cho vụ Đông Xuân.
Nạo vét kênh mương thủy lợi Ayun Hạ (huyện Phú Thiện). Ảnh: N.D
Nạo vét kênh mương thủy lợi Ayun Hạ (huyện Phú Thiện). Ảnh: N.D
Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã gieo trồng 64.762 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020, đạt 92% kế hoạch. Trong đó, lúa nước đạt 100,6%, bắp lai đạt 85,8%, đậu các loại đạt 123,2%, thuốc lá đạt 155%, mì đạt 108%... Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới cuối vụ, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Tại cánh đồng Đak Klăn (xã Kdang, huyện Đak Đoa), ngay sau Tết Nguyên đán, người dân đã đồng loạt ra đồng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để đưa nước về phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân và đảm bảo nước tưới cho cây cà phê. Ông Đinh Guyn-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang-cho biết: “Hàng năm, sau Tết Nguyên đán, xã tổ chức xuống đồng nhằm tạo cho bà con nông dân khí thế thi đua lao động sản xuất. Đồng thời, đảm bảo nước cho sản xuất, hạn chế thiếu nước ở cuối vụ, giảm sự tranh chấp nguồn nước giữa cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày”.
Nông dân huyện Đak Đoa khơi thông dòng chảy kênh mương. Ảnh: L.N
Nông dân huyện Đak Đoa (Gia Lai) khơi thông dòng chảy kênh mương. Ảnh: L.N
Cũng liên quan đến công tác phòng-chống hạn trên địa bàn, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: “Để chủ động phòng-chống hạn cho cây trồng vụ Đông Xuân, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguồn nước hợp lý giữa cây lúa nước và cây công nghiệp dài ngày. Đặc biệt, đối với những chân ruộng thường xuyên bị hạn, chúng tôi đã khoanh vùng và tuyệt đối không cho bà con sản xuất để tránh thiệt hại”.
Tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, các địa phương cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng-chống hạn ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2019-2020. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Vụ Đông Xuân trước có gần 500 ha cây trồng bị hạn. Vì vậy, ngay từ khi triển khai vụ Đông Xuân 2019-2020, Phòng đã gửi thông báo cụ thể về tình hình thời tiết và đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn từ 20 ngày đối với cây lúa nước. Đến nay, cây lúa đã ở giai đoạn đẻ nhánh”. Cũng theo ông Tình, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn hán, chuẩn bị máy bơm để nếu ở khu vực nào xảy ra thiếu nước sẽ chủ động triển khai bơm nước cứu lúa. Đặc biệt, huyện khuyến cáo người dân không sản xuất hoặc chuyển đổi cây trồng tại những khu vực có khả năng thiếu nước cuối vụ. Đồng thời, huyện chỉ đạo trạm thủy nông, các xã triển khai phân lịch tưới nước cụ thể, áp dụng phương thức tưới luân phiên.    
 Cán bộ nông nghiệp huyện Đak Đoa kiểm tra kênh dẫn nước Djrông (xã A Dơk). Ảnh: L.N
Cán bộ nông nghiệp huyện Đak Đoa kiểm tra kênh dẫn nước Djrông (xã A Dơk). Ảnh: L.N
Còn tại huyện Krông Pa, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân gieo trồng sớm hơn khoảng 20 ngày so với cùng kỳ năm trước; tranh thủ nguồn nước tự nhiên và nguồn nước hồ để sản xuất; chủ động thông báo với người dân về việc giảm sức tưới tại hồ Ia Hdreh. Hiện nay, nguồn nước hồ này chỉ đảm bảo tưới khoảng 300 ha lúa nước và tưới hỗ trợ 40 ha cây công nghiệp (giảm hơn so với thiết kế khoảng 160 ha) nên huyện đã khuyến cáo người dân giảm diện tích lúa nước và chuyển đổi sang trồng bắp, đậu; ưu tiên sản xuất ở những khu vực gần hồ. Hiện tại, đập thủy lợi buôn Ma Giai (xã Đất Bằng) không có nước. Do đó, huyện khuyến cáo người dân không sản xuất ngay từ đầu vụ khoảng 30 ha. “Ngay từ đầu vụ và sau Tết Nguyên đán, huyện đã phát động nhân dân tổ chức xuống đồng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tưới nước tiết kiệm… Nhờ xuống giống sớm nên một số cây trồng vụ Đông Xuân đã cho thu hoạch như đậu, thuốc lá, dưa hấu...”-ông Duyên cho biết thêm.
Toàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi (113 hồ chứa, 189 đập dâng và 42 trạm bơm) với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 54.944 ha cây trồng các loại gồm khoảng 31.167 ha lúa, 23.777 ha rau màu và cây công nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: “Trước diễn biến của thời tiết, các ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị đầy đủ phương án, thiết bị và sẵn sàng ứng phó khi hạn hán xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Các địa phương chủ động sử dụng kinh phí và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn”.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.