Người mua chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu gạo khác đang chào giá rẻ hơn. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 485-490 USD/tấn sau khi vững vàng ở mức 490-495 USD/tấn trong bốn tuần qua.
Dây chuyền chế biến, đóng gói gạo thành phẩm tại nhà máy chế biến lương thực Long An (thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu ở Việt Nam giảm do người mua chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu gạo khác đang chào giá rẻ hơn.
Trong khi đó, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/6, dẫn đầu là giá ngô.
Thị trường nông sản Mỹ
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 tăng 20,75 xu Mỹ (3,13%) lên 6,8275 USD/bushel.
Trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 11,5 xu Mỹ (1,7%) lên 6,8775 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 7/2021 34,5 xu Mỹ (2,23%) lên 15,8375 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho biết giá nông sản giao kỳ hạn tại sàn giao dịch CBOT tăng vọt do tình trạng nắng nóng đáng lo ngại và khô hạn ở miền Trung nước Mỹ dự kiến kéo dài đến giữa tháng Sáu cũng như nhu cầu tốt hơn dự kiến.
Nếu dự báo thời tiết về khả năng nắng nóng và khô hạn của vùng đồng bằng phía Bắc và khu vực Trung Tây nước Mỹ được giữ nguyên vào cuối tuần, rủi ro của thị trường nông sản vẫn sẽ gia tăng.
Ước tính vụ thu hoạch ngô của Brazil tiếp tục giảm trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi với một số thông tin về đợt thu hoạch sớm ở vùng Mato Grosso, cho thấy năng suất giảm hơn 35%. AgResource đã hạ dự báo tổng sản lượng ngô Brazil niên vụ hiện tại xuống còn 89,7 triệu tấn.
Báo cáo về doanh số xuất khẩu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy Trung Quốc đã không hủy bất kỳ đơn đặt hàng ngô nào của Mỹ vào tuần trước.
Trên thực tế, Trung Quốc đã bổ sung thêm 158.500 tấn ngô vào đơn đặt mua cũ của mình, đưa tổng số ngô mà nước này nhập khẩu của Mỹ lên mức cao kỷ lục là 14,7 triệu tấn.
Trong tuần kết thúc vào ngày 27/5, Mỹ đã bán được 20,9 triệu bushel ngô và 700.000 bushel đậu tương, với lượng lúa mỳ bị hủy đơn là 1,2 triệu bushel trong niên vụ 2020/21.
Khi mối quan tâm của thị trường về thời tiết miền Trung nước Mỹ ngày càng tăng, AgResource vẫn lạc quan về giá nông sản kỳ hạn.
Thị trường gạo châu Á
Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu ở Việt Nam giảm do người mua chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu gạo khác đang chào giá rẻ hơn, trong khi khu vực trồng lúa lớn nhất Việt Nam phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 485-490 USD/tấn sau khi vững vàng ở mức 490-495 USD/tấn trong bốn tuần qua. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2021 có thể giảm 11,3% so với một năm trước đó.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã không đổi trong tuần thứ hai liên tiếp, đứng ở mức 382-388 USD/tấn. Nước láng giềng Bangladesh đã nhập khẩu khoảng 700.000 tấn gạo từ Ấn Độ trong sáu tháng qua, so với mức dự kiến 1,5 triệu tấn.
Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống còn 457-468/tấn từ mức 457-485/tấn vào tuần trước.
Các nhà xuất khẩu cũng gặp khó khăn do chi phí vận chuyển cao. Các thương nhân cho biết giá nhiên liệu cao dẫn đến giá cước vận chuyển đắt hơn, đồng thời gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu trong việc đảm bảo các tàu container vận chuyển hàng hóa của họ.
Các nhà giao dịch cho biết nhu cầu gạo ở nước ngoài vẫn ở mức thấp do giá cao, trong khi nguồn cung dự kiến tăng trong nửa cuối năm 2021 có thể làm giá gạo giảm so với mức hiện tại.
Giá càphê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/6, giá càphê Robusta trên sàn ICE-London đảo chiều đi lên.
Giá Robusta giao tháng 7/2021 tăng 23 USD, lên 1.612 USD/tấn và giá kỳ hạn giao tháng 9/2021 tăng 22 USD, lên 1.638 USD/tấn, với khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.
Thu hoạch càphê. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 7/2021 tại thị trường New York đạt mức 161,65 US xu/pound (1 pound = 0,454 kg), tăng 2,57% (tương đương 4,05 xu).
Đại dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ càphê toàn cầu giảm. Trong khi đó, cước vận tải biển tăng cao khiến xuất khẩu cà phê của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, gặp khó khăn.
Niên vụ càphê 2020-2021 chỉ còn 4 tháng xuất khẩu, nhưng ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan mặt hàng này. Trong khi đó, mùa mưa đã bắt đầu, người dân cần tiền mặt để trang trải chi phí cho vụ mùa mới.
Giá càphê đảo chiều hồi phục trên cả hai sàn kỳ hạn sau khi nhà đầu tư đã mạnh tay thanh lý và chốt lời ngắn hạn ở phiên trước đó, trong khi các yếu tố cơ bản hầu như vẫn chưa có gì mới.
Báo cáo Thương mại tháng Tư của Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO) đã điều chỉnh giảm dư thừa toàn cầu trong niên vụ càphê 2020/2021 xuống 2,019 triệu bao từ ước tính dư thừa trước đó là 3,286 triệu bao.
Trong khi đó, ICO lại dự báo rằng tiêu thụ càphê toàn cầu có thể lên tới 167.564 triệu bao so với 166,346 triệu bao. Thông tin này đã giúp hỗ trợ giá cà phê phiên cuối tuần.
Giới quan sát quan ngại rằng, thị trường càphê thế giới sẽ đứng trước nhiều thách thức trong thời gian tới, khi dự báo Brazil sẽ có một mùa đông khô hạn, khiến cây càphê khó hồi phục sau thu hoạch, ảnh hưởng xấu đến sản lượng vụ mùa năm tới.
Theo ước tính, xuất khẩu càphê của Việt Nam tháng 5/2021 đạt 135.000 tấn, trị giá 248 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và tăng 0,7% về giá trị so với tháng 4/2021, so với tháng 5/2020 tăng 3,7% về lượng và tăng 12,6% về giá trị.
Tính chung năm tháng đầu năm 2021, xuất khẩu càphê của Việt Nam ước đạt 720.000 tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)