Giá chanh dây tăng cao, người trồng phấn khởi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Quả chanh dây đang được thu mua với giá 21-45 ngàn đồng/kg loại lớn và 12-15 ngàn đồng/kg loại nhỏ. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay, giúp người trồng có nguồn thu nhập khá.
Tháng 8-2021, ông Bùi Huy Toàn (làng Ia Tong, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) trồng 300 cây chanh dây. Đến nay, vườn cây cho thu bói được hơn 3 tấn quả. Giá chanh tăng cao và duy trì ổn định ở mức 12-15 ngàn đồng/kg (chanh múc), chanh đẹp xuất khẩu có giá dao động trong khoảng 40-45 ngàn đồng/kg nên gia đình ông có nguồn thu hơn 50 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Toàn cho hay: “Hiện vườn cây còn 3 đợt thu hoạch rộ nữa. Nếu giá ổn định như hiện nay thì gia đình lãi gần 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cà phê. Hiện tại, tôi không phải lo đầu ra vì các đại lý sẵn sàng thu mua, thương lái cũng tìm đến tận vườn”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Vượng (thôn 6C, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) chia sẻ: Gia đình trồng 1,5 ha chanh dây trên diện tích hồ tiêu chết. Những năm trước, giá chanh múc cao nhất cũng chỉ 5-7 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, giá tăng lên 12-15 ngàn đồng/kg giúp tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã có nguồn thu nhập cao hơn.
Vườn chanh dây của người dân xã Ia Pếch (huyện Ia Grai). Ảnh: Nguyễn Diệp
Chanh dây tăng giá ổn định trong thời gian dài tạo sự yên tâm phát triển sản xuất cho nông dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Những năm gần đây, từ nguồn hỗ trợ và kết nối của huyện, Hợp tác xã Thành Đạt (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã liên kết với Công ty cổ phần chanh leo Nafood cung cấp cây giống cho các thành viên và nông dân trồng khoảng 50-60 ha chanh dây. Công ty cũng thu mua sản phẩm cho bà con. Nhờ đó, người dân và các thành viên Hợp tác xã có nguồn thu nhập ổn định. Ông Trần Công Khuyến-Giám đốc Hợp tác xã Thành Đạt-cho hay: “Từ năm ngoái đến nay, giá chanh dây trên thị trường liên tục tăng cao giúp nhiều hộ lãi lớn. Cá biệt có hộ thu nhập 15-16 triệu đồng/ngày. Hiện nay, người dân đang thuê đất mở rộng diện tích trồng chanh dây để phát triển kinh tế gia đình”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Vương-Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty cổ phần chanh leo Nafood) thì thông tin: Từ năm 2021 đến nay, giá chanh dây trên thị trường liên tục tăng cao, chanh múc dao động trong khoảng 12-15 ngàn đồng/kg. Còn xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 21 ngàn đồng/kg, sang châu Âu khoảng 45 ngàn đồng/kg nên người dân có nguồn thu nhập khá ổn định. Trong năm 2021, chúng tôi đã thu mua khoảng 45.000 tấn chanh dây trên địa bàn Tây Nguyên, riêng Gia Lai đạt khoảng 20.000 tấn, trở thành vùng nguyên liệu chủ lực của Công ty. Dự kiến diện tích chanh dây của Công ty sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Hiện nay, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã và các đại lý phân phối nguồn giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của người dân.
Chanh dây phát triển mạnh trên địa bàn xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ảnh: Nguyễn Diệp
Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 20.000 ha/năm. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi cùng P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Những năm gần đây, chanh dây trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua khảo sát và dựa vào bản đồ thổ nhưỡng mà huyện đã xây dựng thì cây chanh dây phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Huyện chỉ đạo các xã rà soát diện tích hồ tiêu kém hiệu quả để chuyển sang trồng chanh dây. Cùng với đó, phối hợp cùng Công ty cổ phần chanh leo Nafood liên kết với các hợp tác xã và người dân sản xuất gắn tiêu thụ. Dự kiến diện tích chanh dây trên địa bàn huyện sẽ mở rộng thêm 50-200 ha trong năm nay.
Hiệu quả kinh tế từ cây chanh dây mang lại ổn định là một trong những yếu tố quan trọng để UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040. Theo đó, từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 20.000 ha/năm và đến năm 2030 đạt khoảng 30.000 ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ cây ăn quả do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… hình thành vùng sản xuất tập trung. Đây là cơ hội lớn để cây chanh dây khẳng định thế mạnh trong phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.