Gác rừng xuyên Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong dịp Tết vừa qua, dấu chân của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ngày nối ngày vẫn in hằn trên mặt đất để giữ bình yên cho “lá phổi xanh”.
Lặng lẽ đón Tết ở rừng
Trong đêm Giao thừa, tại một ngôi nhà nhỏ nằm tách biệt giữa những quả đồi cách làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) chừng 1 km, 2 nhân viên của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng lặng lẽ đứng nhìn đống lửa ngùn ngụt cháy. Ánh lửa làm sáng rực cả một vùng, xua tan cái lạnh cắt da thịt. Chốc chốc, có người cầm đèn pin rọi về phía những cánh rừng ở gần đó. Khi mấy thẻ hương đã tàn, 2 người đàn ông cùng nâng ly rượu và dành cho nhau lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới. Tiếp đó, họ thay phiên nhau ra góc sân gọi điện chúc Tết gia đình.
Anh Nguyễn Vũ Hữu Ảnh kể: “Chúng tôi đã đón mười mấy cái Tết như thế này rồi. Ban đầu có chút buồn, chạnh lòng nhưng rồi cũng quen. Anh em vẫn động viên nhau theo nghề. Điều mừng nhất là người thân cũng đồng cảm, sẻ chia. Những ngày Tết đến xuân về, nguy cơ rừng bị xâm hại rất cao, 3 anh em chúng tôi thay phiên nhau trực 24/24 giờ, đảm bảo 2 người/ngày. Chúng tôi sẽ được nghỉ bù để ăn Tết muộn với vợ con”.
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng kiểm tra các chốt trước Tết. Ảnh: Thiên Di
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng kiểm tra các chốt trước Tết. Ảnh: Thiên Di
Tại trạm gác cửa rừng làng Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang, lực lượng bảo vệ rừng cũng đón Tết ngay tại đơn vị. Trạm trưởng Lê Duy Nhân bộc bạch: “Chiều 29 Tết, lãnh đạo Ban đến thăm, động viên anh em. Lâm phần chúng tôi quản lý ở gần làng. Nếu không tuần tra, canh gác thì dễ xảy ra việc xâm hại rừng”. 
Không khí đón năm mới tại Trạm cửa rừng số 2 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) có chút rộn ràng nhờ mấy bài hát mừng xuân phát ra từ một chiếc điện thoại. Trạm trưởng Kpă Doai cùng mấy nhân viên và ông Ksor Yan-cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh cùng nhau đón Giao thừa. “Lâm phần do đơn vị quản lý chủ yếu là rừng trồng, nhiều nhất là thông. Trong khi Tết lại đúng mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Do đó, chúng tôi phải trực xuyên Tết để phòng ngừa cháy rừng. Trước Tết, lãnh đạo đã đến thăm, tặng quà nên anh em cũng thấy được an ủi phần nào. Ngày Tết không được ở cùng gia đình thì cũng có chút ưu tư. Tuy nhiên, đã theo nghề này thì phải xác định là thường xuyên đón Tết trong rừng”-anh Kpă Doai tâm sự.
Để cây rừng thêm xanh
Những năm qua, hoạt động tuần tra, kiểm soát được các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện đặc biệt chú trọng, nhất là dịp lễ, Tết. Ông Ksor Yan cho hay: “Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực rừng ở xã Chư Đang Ya và xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa). Vì diện tích rừng lớn mà nhân lực chỉ có 2 người nên chúng tôi ăn ở cùng với anh em Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để thuận tiện cho việc phối hợp tuần tra, kiểm soát. Chúng tôi cũng phối hợp với các hộ giao nhận khoán đi tuần tra để hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Dịp Tết Nhâm Dần 2022, đơn vị phân công trực 100% quân số. Do vậy, từ ngày 29 Tết đến nay, chúng tôi ăn ở trong rừng, chưa ai về nhà cả”.
Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tuần tra trong Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tuần tra trong Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Quản lý gần 42.000 ha rừng trải dài trên địa bàn 3 huyện Kbang, Mang Yang và Đak Đoa, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 9 trạm gác cửa rừng. Quân số thường trực ở mỗi trạm có 6-10 người. Để bảo vệ bình yên màu xanh trong lâm phần quản lý, dịp Tết, cả 9 trạm đều trực 100% quân số. Ngay sau bữa cơm đón năm mới với nhau tại trạm, các nhân viên chia ra các cánh rừng tuần tra, kiểm soát.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chiêng được giao quản lý gần 12.000 ha rừng với nhiều loại cây gỗ có đường kính lớn, giá trị kinh tế cao. Ông Văn Hải Hội-Giám đốc Công ty-cho biết: “Từ ngày 27 tháng Chạp, chúng tôi đã đến 6 trạm kiểm tra, nhắc nhở anh em chú trọng tuần tra, bảo vệ rừng. Riêng trong mấy ngày Tết, chúng tôi chỉ đạo các trạm xây dựng kế hoạch chi tiết, mỗi ngày phải có ít nhất 2 nhân viên túc trực tại trạm và thay phiên nhau đi tuần rừng. Ở một số trạm, anh em phải cắt cử nhau ăn ở trong rừng sâu mấy ngày Tết. Nhờ vậy mà dịp Tết này, tại các lâm phần của đơn vị không xảy ra tình trạng khai thác, xâm hại cây rừng”.
THIÊN DI - NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Các chiến sĩ Lữ đoàn Pháo phòng không 234 trong giờ đọc báo. Ảnh: đơn vị cung cấp.

Lữ đoàn Pháo phòng không 234 chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

(GLO)- Những năm gần đây, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Lữ đoàn Pháo phòng không 234 (Quân đoàn 34) đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội trong cán bộ, chiến sĩ.

Hồi hương trong tình người và hy vọng

Hồi hương trong tình người và hy vọng

(GLO)- Khi mùa khô năm 2024 vừa chớm, ở buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có một người lặng lẽ rời đi. Đó là Nay Tri-người từng vướng vào vụ phá rừng, luôn sống trong nỗi lo sợ bị pháp luật trừng trị.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống đơn vị được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

50 học viên tham gia bồi dưỡng kiến thức dân tộc

50 học viên tham gia bồi dưỡng kiến thức dân tộc

(GLO)- Sáng 9-6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc năm 2025. Tham gia lớp bồi dưỡng có 50 học viên là cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

null