EU công bố danh sách các sản phẩm Mỹ bị đánh thuế đáp trả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố danh sách các sản phẩm của Mỹ sẽ bị áp thuế quan trả đũa, đánh dấu bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Quyết định này được đưa ra sau khi EU nhận thấy sự thiếu thiện chí từ phía Mỹ trong việc đàm phán, bất chấp những nỗ lực ngoại giao không ngừng.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trước những đòn thuế quan của Tổng thống Donald Trump, EU đã lựa chọn chiến lược phản công thận trọng nhưng kiên quyết, đồng thời để ngỏ khả năng đàm phán.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Duisburg, Đức. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Duisburg, Đức. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Giai đoạn đầu tiên của “chiến dịch phản công” này là việc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế quan từ 10-25% khi vào EU. Danh sách này dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên EU thông qua trong ngày 9/4, trong đó có hàng loạt mặt hàng nông sản như đậu nành, gia cầm, gạo, hạnh nhân, trái cây, nước cam và thuốc lá, cũng như các sản phẩm công nghiệp như gỗ, xe máy, sản phẩm nhựa, mỹ phẩm, quần áo và thiết bị điện.

Đáng chú ý, rượu bourbon - một biểu tượng của xuất khẩu Mỹ - đã được loại khỏi danh sách, một nhượng bộ mang tính chiến lược cho các quốc gia sản xuất rượu như Pháp, Italy và Ireland.
Các loại thuế quan trả đũa này dự kiến sẽ có hiệu lực vào tuần tới, tùy vào sự chấp thuận cuối cùng của các quốc gia thành viên EU. Đây được xem là phản ứng trực tiếp với các mức thuế mà Mỹ đang áp đối với thép và nhôm của EU, nhưng đồng thời cũng là sự chuẩn bị cho vòng đối đầu tiếp theo liên quan đến ngành ô tô và toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ EU.

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định khối này không mong muốn leo thang căng thẳng thương mại, nhưng cũng tuyên bố sẽ không ngồi yên khi bị tấn công kinh tế. Trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, EU đang âm thầm chuẩn bị mọi phương án để bảo vệ thị trường và chuỗi cung ứng của mình.

Dù các bước đi của Ủy ban châu Âu cho thấy quyết tâm cao, nhưng liên minh này đang phải đối mặt với khó khăn trong việc thống nhất quan điểm giữa các thành viên. Pháp và Đức tỏ ra cứng rắn, muốn đáp trả nhanh chóng, trong khi Italy kỳ vọng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Thủ tướng Italy dự kiến sẽ gặp Tổng thống Trump vào ngày 17/4 tới để thảo luận trực tiếp vấn đề thuế quan, mở ra khả năng đàm phán song phương trong bối cảnh toàn khối EU còn chưa đạt đồng thuận.

Theo truyền thông Mỹ, Ủy ban châu Âu đã gửi thư mời đại diện các ngành công nghiệp chịu tác động lớn từ thuế quan của Mỹ, như ngành kim loại, dược phẩm, ô tô cùng các chuỗi cung ứng liên quan, tới tham dự một cuộc họp trực tiếp trong ngày 10/5. Cuộc họp sẽ do ông Stephane Sejourne - Ủy viên EU phụ trách công nghiệp - chủ trì.

Bức thư nhấn mạnh mục tiêu của cuộc họp là "đánh giá tác động ngắn hạn và trung hạn" mà các doanh nghiệp EU đang phải đối mặt, đồng thời xây dựng các phản ứng cụ thể theo từng ngành, bao gồm cả thuế quan trả đũa và các biện pháp phi thuế quan.

Trong bối cảnh Washington đã áp đặt thêm các mức thuế riêng biệt cho từng lĩnh vực - như thép, nhôm và ô tô - Ủy ban châu Âu lo ngại rằng sắp tới các mặt hàng như dược phẩm, đồng, chất bán dẫn, gỗ, năng lượng và khoáng sản chiến lược cũng sẽ trở thành mục tiêu.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Năng lượng Lítva Zygimantas Vaiciunas cho biết EU có thể cân nhắc việc “gộp nhu cầu” mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ như một phần trong các cuộc đàm phán thương mại nhằm tránh xung đột. Ý tưởng này dựa trên mô hình đã có từ năm 2023, khi Ủy ban châu Âu tổ chức tập hợp nhu cầu của các công ty châu Âu để nâng cao sức mặc cả khi mua khí từ các nhà cung cấp toàn cầu.

Mỹ hiện là nhà cung cấp LNG lớn nhất của châu Âu, chiếm tới 45% tổng lượng nhập khẩu năm ngoái. Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc EU tăng cường mua năng lượng Mỹ có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại và cải thiện quan hệ song phương.

Tuy nhiên, EU cũng đang xem xét điều chỉnh quy định về khí thải methane - một rào cản lớn đối với các nhà xuất khẩu LNG Mỹ - để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhập khẩu. Một số công ty Mỹ than phiền rằng họ không thể đáp ứng yêu cầu minh bạch khí thải theo quy định mới do chuỗi cung ứng khí đốt ở Mỹ quá phân mảnh.

Theo Hương Giang - Thanh Phương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm