Dũng khí miệt vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhớ lại, đâu hồi cuối bốn lăm đầu bốn sáu thế kỷ trước. Đêm miệt rừng miệt vườn, trời đất tối om tối mò. Anh Hai Lung đánh cỗ xe bò chất rơm đầy ngất, lầm lũi từ trong đường làng Gò Me rẽ ra lộ mười lăm, rồi è ạch quành lên dốc Cổ Ngựa. Lên chừng nửa dốc, ngó về hướng Tây mới thấy quầng sáng đèn điện ở Biên Hòa.

Tới đầu dốc, Hai Lung đánh xe quẹo vô mé rừng phía Tây lộ. Tốp trai làng tay gậy tay rựa cũng đã cắt đường rừng vừa lên tới, xúm nhau chặt cây chặt cành cắm lên xe rơm ngụy trang. Xong xuôi như dự tính, ai nấy rút êm theo đường rừng.

Hai Lung dắt đôi bò túc tắc đổ dốc về theo lộ cái tối mịt. Cái cộ xe bò - sự sản nghề rừng nghề ruộng ba má Hai Lung hứa cho anh sau này lấy vợ, vậy mà anh vừa đem đi mần phương tiện chuẩn bị oánh Tây! Đi mấy bước Hai Lung lại vung roi bò nhảy cẫng lên sướng rân mình. Cứ tưởng tượng cái xe bò rơm được châm lửa, ngùn ngụt lao xuống dốc, đâm vô đoàn xe tụi Tây nổ bùm bùm, cháy rừng rực...

Mấy hôm nay tình hình coi bộ căng thẳng như dây đờn. Thiên hạ đồn ầm quân viễn chinh đang rầm rập đổ bộ lên bến Sài Gòn, Tây sắp quay lại. Chiều hôm qua, già Tư "râu kẽm" đánh xe thổ mộ lọc cọc chạy ngang dốc Cổ Ngựa hô oang oang: "Lính Tây oánh chiếm lại Biên Hòa, chiếm Tòa bố rồi bà con ơi!...". Hồi sáng này nghe súng nổ cắc đùng cạnh Biên Hòa càng lúc càng gần. Rồi thể nào nó cũng thọc xuống đây, đánh lan rộng xuống Bà Rịa, Vũng Tàu là cái chắc.

Cả đội dân quân bốn - năm chục người của làng Gò Me từ hồi Việt Minh nổi lên cướp chính quyền tới giờ cũng chỉ có hai khẩu súng với mấy quả tạc đạn. Đa phần gậy gộc, ná nỏ tự chế... Cho nên tự bày mưu lập mẹo là chính.

Hai khẩu súng cũng tự bày mưu bày kế mà vớ được. Buổi sáng hôm đó, Hai Lung đang đánh xe bò kéo củi lò gạch. Tới ngang quán cà phê giải khát của cô Ba Dẫu bên đầu cầu Vạc, Hai Lung cho xe ghé lại ngồi tán dóc với đám bạn thợ sơn tràng đang sửa soạn dây chạc rìu rựa đi mần rừng. Bỗng có hai chiếc xe nhà binh của Nhật chở hàng từ Vũng Tàu lên Biên Hòa, đổ dốc Cổ Ngựa, dừng lại bên cầu Vạc. Hai tên lái xe xuống suối lấy nước. Hai Lung nhìn lên nóc ca-bin thấy hai cây súng trường treo lủng lẳng, mắt anh bỗng sáng rực, tay chân muốn ngọ nguậy.

Chờ hai tên bước lên, cô Ba Dẫu ra đon đả "Mời hai anh dzô quán em uống nước cho đỡ khát rồi hãy đi!". Một tên gật gật cười cười rồi bước vô quán. Hai Lung nháy đám anh em tản ra giả bộ đi vòng quanh trầm trồ ngắm nghía chiếc xe. Cô Ba bưng nước ra bàn rồi rất nhanh trí, cô gọi vói qua hai cô gái ngồi quán lá bán trái cây bên kia đường, con Liên với con Út Nở cùng ở trong xóm. "Đem đây, sầu riêng măng cụt chôm chôm… đem đây mời hai anh Nhựt Bổn đẹp trai nời!"… Hai cô liền bưng rổ trái cây qua quán. Nhìn hai cô gái miệt vườn trắng nõn như bông bưởi, áo bà ba hường, quần lãnh sông hương… thêm mùi mít tố nữ thơm lừng làm hai anh lính Nhựt ngây ngất.

Tới lúc cả hai đứng dậy đầy vẻ luyến tiếc bước ra xe, nhìn lên nóc ca-bin, hai cây súng biến mất tiêu! Cả hai hoảng hốt múa tay múa chân xổ hàng tràng tiếng Nhật. Cô Ba Dẫu xua tay lắc đầu nói không thấy, không biết chi hết! Sau đó, một tên ở lại xe, một tên chạy lên hội quán xã trình báo, lên giọng la lối quát tháo... Tới gần trưa, cả hai đành thất thểu lên xe, chạy về Biên Hòa.

Đêm hôm đó, hai cây súng chiến lợi phẩm được chuyền tay mân mê, xuýt xoa trong bữa ăn mừng tại vườn chôm chôm nhà Hai Lung. Đầy đủ những người có mặt lúc sáng, cả cô Ba Dẫu với hai em bán trái cây. Ai nấy cứ như nằm chiêm bao! Hai Lung nói: "Công này lớn nhứt phải kể là cô Ba Dẫu với con Út Nở, con Liên!".

Không vui không mừng sao được! Từ hồi nổi dậy tới giờ mấy chục anh em, lúc đánh đồn điền cao su cũng gậy gộc, giáo mác. Mấy bữa nghe có Tây nhảy dù trong rừng cũng xách gậy tầm vông với dây thừng mà chạy. Đêm nào nằm mơ cũng thấy mình ôm khẩu súng láng bóng trong tay miệng hô xung phong, xung phong! Nay được hai cây súng, cả trung đội dân quân mừng như vớ được hai thỏi vàng ròng!

Mấy ngày sau đó, dân chúng chủ trương "bãi thị", không bán bất cứ thứ gì cho lính Nhật. Chờ tới lúc tụi nó thắt ngặt, cô Ba Dẫu kêu bà con đem bánh trái gạo cơm, rồi tìm cách gạ chúng nó đổi được cả thúng đạn với lựu đạn... Hôm sau được lệnh trên, cả hai khẩu súng với bao bố đạn được đưa vô cất dưới bệ thờ trong đình làng. Tổ dân quân cắt phiên ngày đêm canh gác. Hai Lung, Chín Xu, Ba Chảo với bốn anh em nữa, bảy người được ưu tiên chọn đưa đi học khóa cấp tốc trường quân chính quân khí chi đó, ở dưới Hang Nai.

Tới phiên trực giữ súng, anh nào cũng mò vô góc bệ thờ ngồi rờ rẫm, ngắm nghía, nheo nhắm xuýt xoa. Tới phiên của Tư Đực sáng hôm đó, anh ta bê cây súng ra ngắm lui ngắm tới rất lâu rồi khoái chí, vỗ đầu cười một mình.

Mấy bữa sau lúc chạng vạng, mấy anh em cầm gậy cầm thừng tới rủ đi tập họp. Trời tối nhá nhem, Tư Đực từ trong nhà quảy khẩu súng trường Nhựt nghênh nghênh mặt bước ra. Cả mấy anh em chới với, há hốc: "Đâu ra ngon dữ dzậy mầy?!".

Đúng là cái báng súng láng boong, thơm nức mùi vẹc-ni, cái nòng cũng mới cáu. "Đâu đâu, tụi tao coi thử cái!" - "Thôi, xê ra, súng mới nhạy lắm, không biết chi đừng rờ vô, nó cướp cò một cái là chết mẹ tụi bây hết à!". Cánh tay anh ta cứ kẹp sát, che che đoạn thân súng, cò súng… Lúc gần ra tới đình, có ánh đèn dầu, anh ta mới đưa ra trước mắt mấy anh em: "Này muốn coi thì coi đi, súng tao tự mần đó!". Mấy anh em giành nhau săm soi: "Ơ, rồi lắp đạn dzô chỗ nào mà bắn mậy?!".

Tư Đực tưng tửng tỉnh rụi:

- Chưa. Từ từ... Cái đó mơi mốt có thằng nào thợ sắt thợ thép mần tiếp, tao thợ mộc chỉ mần tới đó thôi! (cha con Tư Đực là thợ mộc khéo tay nhứt làng Gò Me).

- Hầy, súng giả! Thằng nầy hay thiệt, dòm y chang luôn bây!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đêm đó có một đồng chí cán bộ huyện lên sinh hoạt. Tới giữa buổi họp lúc không khí vui vẻ, anh em liền báo cáo "vụ cây súng" của Tư Đực. Không ngờ đồng chí cán bộ coi qua, rồi rất chi là khoái chí! Đồng chí đó nói: "Tôi thiệt tình rất cảm động trước việc này!... Cách mạng mình còn nghèo, chưa đủ súng ống trang bị cho anh em ở địa phương. Nhưng mà… đây cũng là một cách tạo thế uy hiếp tinh thần địch. Tôi nghĩ là rất hay, rất thông minh, độc đáo!".

Mấy ngày sau đó anh em xúm lại, trại thợ mộc Tư Đực trở thành "xưởng chế tạo vũ khí" luôn! Cây gỗ sẵn trong rừng. Anh em chỉ góp tiền đi mua ống nước sắt tây về làm giả cái nòng. Rồi mỗi ngày sáng kiến thêm một chút chi tiết. Tới mức để gần cây súng thiệt dòm cứ y chang. Rồi lần lượt các loại súng mà anh em từng thấy của tụi Tây tiếp tục ra lò. Từ súng Mát, Mút-Cơ-Tông, rồi Tôm-Xông… đủ thứ hết.

Mấy ngày sau, dân trong làng, rồi người các nơi ai đi ngang đình làng Gò Me cũng trố mắt dòm vô. Từ trong góc đình thần, trong miếu bà chỗ tranh tối tranh sáng, thấy súng ống dựng lủ khủ, sắp lớp!

Thiên hạ bắt đầu đồn rùm tới tai tụi Nhựt trên đồn Bến Gỗ. Gần nhứt là tụi thân binh trong sở cao su Đờ-Ran giáp khu vực dốc Cổ Ngựa. Trong đó thằng sếp Cương dân bên làng Gò Cát, nhiều thằng là dân làng Gò Me đi theo lính Tây như đám thằng Rành, thằng Cốm, thằng Đẩu... bạn thả bò với Hai Lung, Chín Xu hồi mười ba mười bốn. Nghe dân tình bắn tin vô, sợ tè trong quần. Thằng Tâm bỏ đồn, nghe nói về trốn sau rừng, đang tìm cách ra chuộc tội. Mấy thằng kia còn ngoan cố chưa chịu ra. Lúc này lính của Tây còn nhảy qua tình nguyện theo lực lượng Việt Minh, huống hồ...

Hôm rồi một đơn vị bộ đội về Gò Me đóng quân, thấy có bốn anh Tây cao nghều mắt xanh mũi lõ. Lúc đầu bà con mình chạy theo coi, cứ tưởng lính Tây bị bắt làm tù binh. Sau bộ đội giải thích, đó là mấy người lính Đức trong hàng ngũ lê dương, khi quân Đồng minh vô giải giáp, họ quay súng tự nguyện giúp mình đánh Pháp, kêu bằng "Người Việt Nam mới"!

Lúc này đội dân quân Gò Me được đổi tên thành Tự vệ chiến đấu quân. Đêm nào tập dượt ngoài sân đình cũng có mặt mấy anh lính Đức tới tham gia huấn luyện. Có một anh nói tiếng Việt mình rất sõi, tên Bô-Sơ. Anh ta kể, mình ở bên Đức thuộc nhóm chống phát xít phải tị nạn chính trị, bị đưa vô lính lê dương rồi qua đây. Bô-Sơ hướng dẫn anh em một số chiến thuật đánh hiệu quả không dùng hỏa lực. Liên tục mấy đêm nay, Bô-Sơ chọn một tiểu đội toàn mấy anh vâm váp, lẹ làng, dân thợ săn thợ rừng chánh hiệu, kéo ra góc sau đình tập luyện chi đó ịch đụi cả đêm.

Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, khi rừng cây đang chìm vào giấc ngủ. Trong vọng gác trước đồn sở cao su Đờ-Ran, hai thằng lính thân binh đang ngồi ngáp dài bỗng nghe tiếng giày nện rào rào xuống đường sỏi dẫn vô đồn. Một tràng tiếng Tây lên giọng quát tháo tiến thẳng vô cửa đồn. Đi đầu là một sĩ quan Pháp bệ vệ, hai bên hai lính Tây súng lăm lăm phía trước. Một toán Việt Minh bị trói giật cánh khuỷu do một lính Tây xỉa súng áp đằng sau.

Hai lính gác thân binh sắp ngủ gật luýnh quýnh đứng dậy bồng súng, giập chân chào rụp rụp. Tay quan ba nghiêm giọng tiếng Pháp: "Tôi - đại úy Jolet Suacot, đại đội trưởng đại đội 4 trung đoàn 22 vừa được biệt phái về huyện này, kiêm chỉ huy trưởng chi khu! Đề nghị trưởng đồn ra trình diện, báo cáo quân số, vũ khí, đạn dược!".

Sếp Cương đồn trưởng bước ra đứng nghiêm trước ngài đại úy mới tinh chào cái rụp: "Tôi - trung sĩ đồn trưởng sở Đờ-Ran, có mặt!".

Đại úy Suacot tay chống nạnh trừng mắt chỉ thẳng vô mặt trưởng đồn Cương: "Các anh đang phục vụ quân đội Pháp hay đến đây nằm ngủ tới tháng lãnh lương? Hả?!". Vừa nói đại úy vừa chỉ tay vào toán Việt Minh đang bị trói: "Nhìn đây! Mới dạo thôi, chúng tôi đã tóm cổ được chừng này! Lính tráng các anh đang ngủ trên ngọn cây à?!... Tôi đề nghị kiểm tra quân số, súng đạn!".

Tiểu đội mười một tên thân binh riu ríu bước ra sắp hàng ngang. Đại úy ra lệnh cho ba lính của mình gỡ súng từng tên, kiểm tra rồi không trả lại mà gác qua một bên. Mười một khẩu súng được dựng vô mấy gốc cao su già, phía toán Việt Minh bị trói. Xong, đại úy quát: "Tất cả nghiêm! Đằng sau, quay!".

Trong bóng tối, toán Việt Minh bỗng "hô biến" từ hai tay bị trói thành những cánh tay gân guốc đồng loạt cầm dây nhào tới. Nhanh như cắt, tiểu đội thân binh bị trói gô lại không kịp kêu một tiếng, từng anh nhảy tới chụp một khẩu súng dí vô lưng từng tên đẩy đi. Vở kịch đóng giả sĩ quan Pháp của người lính Đức và toán Việt Minh bị bắt đã hạ màn. Đồn Đờ-Ran bị úp không tốn một viên đạn! Tới chiều hôm sau, sở chỉ huy của chi khu mới biết được tin này.

Tiểu đội tù binh được áp giải về hướng cánh rừng căn cứ giáp bìa làng. Lúc tới đoạn rẽ, cả đoàn dừng lại theo lệnh Hai Lung. Với tư cách đội trưởng Tự vệ chiến đấu quân Gò Me, anh bắt tay cảm ơn đồng chí Bô-Sơ và ba đồng chí lính Đức. Sau đó anh giao nhiệm vụ cho Chín Xu cắt rừng đưa mấy đồng chí về nơi đóng quân của bộ đội.

Bóng mấy anh lính Đức vừa khuất, Hai Lung nghiến răng với đám tù binh (mười một thằng thì hết sáu là dân Gò Me, trong đó ba thằng cùng là bạn thả bò với anh lúc nhỏ): "Tụi bay thấy chưa?! Lính của Tây còn quay mũi súng oánh Tây... Tụi bây ngu thiệt là ngu".

Nhà văn Dương Đức Khánh

Dũng khí miệt vườn ảnh 2

Sinh năm 1960 tại Thừa Thiên - Huế, hiện sống ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông từng đoạt giải nhất truyện ngắn do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, 2 lần đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Quân đội; giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật Đồng Nai hội nhập và phát triển, do Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức...

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.