Chuyện tình trong rừng cấm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
… Dạo ấy, Cát Tiên chưa là rừng cấm, dĩ nhiên chúng còn rậm rạp hơn bây giờ. Con sông Đồng Nai đoạn chảy qua rừng, cá lóc to bằng bắp chân, đen trũi, có lúc đuổi nhau phóng cả lên bờ.

Cá sấu nhiều vô kể, chúng săn mồi quẫy đục cả khúc sông. Những chàng trai Châu Mạ da đồng hun, ngực vồng như gõ mật ngồi bên sông thổi bló gọi bạn tình. Trong rừng, lũ khỉ bạc má cũng động tình, nhảy cỡn dưới bóng trăng. K’mun thổi bló hay nhất bản Bù Cháp, tiếng bló của chàng vừa dìu dặt, réo rắt vừa hùng tráng, hoang dại như tiếng gió thổi qua rừng già đại ngàn.

Tiếng bló đã khiến cho Ruối muốn bơi qua sông để ngả đầu vào bộ ngực rắn chắc của chàng. Ruối sẽ sải cánh tay tròn lẳn, mềm mại vượt qua những cái miệng lởm chởm răng của bọn cá sấu, mà không cần chiếc xuồng độc mộc chậm chạp neo dưới bến sông. Ruối sẽ làm điều ấy, nếu không gặp phải ánh mắt K’líu - cha của nàng, ánh mắt của ông lóe lên dưới ánh lửa cà boong bập bùng. Đôi mắt ấy, đến thú dữ còn khuất phục huống chi nàng…".

Ông già ngưng kể, đưa tay kéo cần rượu tu hết một vòng cò rồi ngửa cổ lên trời rú một hồi dài, tiếng rú của ông rền vang núi rừng. Eden khẽ rùng mình, dù cô đã được người bảo vệ kiêm hướng dẫn viên du lịch rừng cảnh báo trước về thói quen kỳ dị của ông già. Khi đặt chân đến đây, cô gặp ông bên bờ sông, ngay từ đầu ông đã cuốn hút cô bởi vẻ độc đáo hoang dã.

Hôm ấy, đến văn phòng lâm trường, anh chàng bảo vệ mở lời chúc mừng bằng tiếng Anh với giọng nói ngượng nghịu của người bản xứ, cô phì cười và bảo : "Anh hãy nói tiếng Việt đi!" Anh ta trố mắt nhìn Eden. Hẳn anh ta không biết rằng mẹ cô là người Việt và biết ăn cơm bằng đũa cũng như nói tiếng Việt sành sỏi từ nhỏ. Cô hỏi về ông già người thượng bên bờ sông, anh ta lắc đầu bảo : "Đó là lão già quái đản, người duy nhất không chịu rời cánh rừng".

Eden chìa tay về phía anh chàng bảo vệ :

- "Trước khi tiến hành nghiên cứu rừng, tôi muốn gặp ông ta, anh giúp nhé!". Anh chàng rụt tay, lè lưỡi:

- Không nên dính vào lão ấy.

Eden nhún vai nheo mắt nói :

- Tôi sẽ tự tìm ông ta vậy!.

"…Họ gặp nhau trong ngày lễ cúng Yang Kôi, ngày lễ lớn nhất của dân Châu Mạ, lễ hội tổ chức ở bản Bù Cháp. Lần ấy là lần duy nhất Ruối được qua sông để dự lễ hội. Nàng mặc chiếc váy thêu xinh đẹp mà nàng bỏ ra ba mùa trăng để hoàn thành. Chỉ lần ấy, Ruối đã chết lặng trong tiếng bló của K’mun.

Từ đó, mỗi đêm trăng, Ruối nằm trên thảm cỏ để thấy mình trôi bềnh bồng dưới ánh sáng bàng bạc và bên kia sông tiếng bló của bạn tình nâng nàng lên tận bầu trời. Trong niềm phấn khích, ngây ngất, nàng hát:

Chim ơi ! Sao bay cao thế?

Ta mơ mà không được

Ta muốn như chim

Bay đến bên chàng chim ơi !

Khi Ruối hát, tiếng bló im bặt, không gian tĩnh lặng đón tiếng hát của nàng. Gió từ rừng ngưng ở ngọn cây, gió từ sông lặng ở đầu nguồn. Cả hai người nằm nghiêng tai trên đất để lắng nghe lời yêu thương của nhau, những lời ấy được Yang Bri chuyển giúp. Có những lúc không nghe tiếng bló của K’mun, Ruối ra sông soi mặt xuống dòng nước và hát :

Hỡi! Yang Dak người đến từ đâu?

Người chảy về đâu Yang Dak?

Hãy đưa lời ta đến với chàng

Yang Dak! Yang Dak!

Không có tiếng chàng ta chết mất Yang Dak ơi!

Thế là tiếng bló lại vang lên, Ruối quỳ xuống để tạ ơn vị thần sông linh thiêng…".

Eden ngừng thở để nghe câu chuyện, dù tình tiết của nó cô thấy mang máng như chuyện tình Romeo - Juliet ở xứ sở sương mù mà cô đã nghe hàng trăm lần. Nhưng giọng kể đầy kịch tính của ông già giữa khung cảnh hoang tịch này khiến cô cảm động muốn khóc. Eden không ngờ những người dân thiểu số hiền hành ở đây lại yêu mãnh liệt đến vậy, hiện đại đến vậy.

Một cảm giác kỳ lạ rạo rực trong người, cô thoáng nhớ Paul, anh đã dạy cho cô những thứ mà anh gọi là "kỹ thuật trên giường" và dù đã chìm đắm trong đam mê thể xác đến lịm người, cô cũng chưa từng có cảm giác như vậy bao giờ. "Có lẽ mình chưa yêu - cô nghĩ thế - hẳn giờ này Paul đang trình diễn thứ "kỹ thuật" mới với cô gái tóc vàng nào đó và Eden cũng chưa bao giờ cảm thấy cần Paul đến độ : "Nếu không có tiếng chàng, ta chết mất"…

"… Vút… phập - K’líu vung con dao rừng sáng quắc chém mạnh vào thân cây gõ mật. Trước sự run rẩy của Ruối, ông cất giọng ồm ồm nói : "Nếu mày không nghe lời tao, mắt sẽ không còn nhìn thấy mặt trời, tai sẽ không còn nghe được tiếng con chim hót. Mày không được lấy thằng K’mun!".

Chẳng ai hiểu lý do gì mà ông K’líu căm ghét dân bản Bù Cháp như vậy. Từ ngày Ruối còn bé xíu, cô đã không thấy mặt mẹ. K’líu cõng con gái trên lưng vượt qua sông Đồng Nai với khuôn mặt đầy vết dao chém, ông trỏ con dao rừng xuống sông và thề sẽ không bao giờ trở lại bên kia sông. Đến bây giờ không ai biết chuyện gì xảy ra với ông và tại sao ông có lời thề độc địa ấy. Ngay cả Ruối cũng không dám hỏi cha về người mẹ của mình. Những người dân Chơ Ro bên này rất yêu quý nàng, dù họ ngại giao du với cha nàng.

Họ nhờ Ruối thêu váy đẹp, rủ nhau ra bờ sông nghe Ruối hát. Nhiều chàng trai Chơ Ro tặng nàng những chiếc vòng đẹp làm từ sừng của con Min to lớn mà họ săn được. Họ không biết thổi bló như người Mạ, nhưng họ đánh chiêng rất hay và biết hát những bài hát tỏ tình yêu của mình. Tiếc thay! Trái tim nàng đã để lại bên kia sông. Tiếng bló của K’mun làm sống lại dòng máu của người Mạ trong người nàng, hay từ tiền kiếp nàng là ống trúc trên môi chàng.

Không cưỡng được sự thôi thúc của tiếng gọi bạn tình, đêm ấy, một đêm trăng giữa tháng tư, nàng vượt sông trong lúc cha nàng đang đi thăm bẫy hươu trong rừng. Các cô gái Chơ Ro rú lên khi nàng lao xuống dòng sông lấp lánh ánh trăng. Họ biết sự nguy hiểm rập rình dưới dòng sông yên tĩnh kia.

Những con cá sấu hung dữ đói mồi sẽ không tha cho nàng. Ruối bơi vun vút, tiếng bló mỗi lúc mỗi dồn dập như muốn nâng nàng lên trên mặt sông. Vài mươi sải tay nữa thôi nàng sẽ được ngồi bên K’mun. Chợt tiếng bló ngưng bặt, K’mun sửng sốt nhận ra Ruối, phía sau nàng một vệt trăng xao động, chàng ném bló xuống và lao xuống dòng sông…".

Eden nín thở theo dõi cuộc hạnh ngộ kỳ lạ của đôi bạn tình trên dòng sông. Cô tưởng tượng ra cảnh ấy không mấy khó khăn. Đột nhiên ông già ngưng kể, Eden cảm thấy chới với như mình đang bơi và bị kéo chìm xuống dòng nước. Ông già đứng lên, lại bên vách rút ống trúc dùi lỗ như ống sáo của người kinh và trịnh trọng đưa lên miệng. Từ chiếc ống trúc đơn sơ ấy phát ra âm thanh réo rắt, trầm bổng.

Eden thốt lên "bló", ông già khẽ gật đầu. Tiếng bló càng lúc càng ai oán như tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng tác thê thảm của loài hươu bị mất bạn tình… Eden rùng mình, cô chợt tưởng tượng vệt trăng sau lưng Ruối, chính là con cá sấu, thật kinh khủng quá! Eden nghĩ: "Nếu là Paul anh ấy có lao xuống sông cứu mình không nhỉ?". Rồi cô lại nghĩ: "Liệu mình có đủ can đảm để liều mình như Ruối không?"

Ông già buông thõng hai tay thả ống trúc rơi xuống chân, hướng cái nhìn về phía dòng sông. Đôi mắt ngây ngô, hiền hòa. Eden nhớ khi gặp ông, ông đã nhìn cô bằng đôi mắt như vậy, không ngạc nhiên, không xa lạ. Cô dùng tiếng Việt để trò chuyện cùng ông, cô xuống suối phụ ông bắt cá, cô nhanh chóng tạo được sự thân thiện cùng ông. Khi cô bày tỏ muốn nghe một câu chuyện tình của người thiểu số, ông đã mỉm cười.

Càng lúc cô càng thấy ông gần gũi như đã quen từ lâu. Những người trên trạm bảo ông là "lão già điên" còn ông gọi họ là "bọn ăn cắp"! Ông nói cho cô biết trước khi khu rừng này bị cấm, chính mấy người đó ủng hộ cho bọn phá rừng; những cây lim, cây sến, cây chò bị bọn chúng đưa về xuôi để biến thành vàng, thành bạc. Cô không hiểu và cũng không muốn tìm hiểu điều này. Ông già vẫn im lặng nhìn phía dòng sông. Eden muốn hỏi ông về "đoạn kết của chuyện tình" nhưng cô sợ nó sẽ là đoạn kết buồn... Cô ngước nhìn ông và cô sửng sốt nhận ra hai giọt nước mắt lấp lánh trên gò má nhăn nheo của ông già.

Sáng hôm sau, trong chuyến đi rừng, Eden đem chuyện này kể lại với người hướng dẫn, anh ta cười và bảo :

- Cô tin vào chuyện ấy sao? Tôi nghĩ đó chỉ là chuyện bịa đặt. Nghe đâu ông già còn bảo chính ông ta là chàng K’mun và nơi ông sống là chỗ ở của cô gái ngày xưa trước khi cô ấy lao xuống sông và bị cá sấu bắt mất!

- Nhưng ông ta bịa thế để làm gì? - Eden hỏi.

- Có thể câu chuyện ấy là lý do để ông ta ở lại khu rừng này, vì ông ta đã quen với cuộc sống hái lượm nên không thích qua bên kia sông để làm rẫy như mọi người. Vì từ khi Cát Tiên được quyết định thành rừng cấm, tất cả cư dân sẽ phải rời khu rừng về sống trong làng bên kia sông nhưng ông già này không muốn đi, dù chúng tôi vận động nhiều lần.

Im lặng một lát, anh ta nói tiếp :

- Kể ra ông già ấy có năng khiếu tưởng tượng nhất trong số người mà tôi từng gặp.

Nói xong anh ta cười lớn, ra vẻ hài lòng với nhận xét của mình. Eden không tranh cãi, cô cảm thấy những lời giải thích của anh bảo vệ rừng kiêm hướng dẫn du lịch này có cái gì đó khiên cưỡng và không thuyết phục lắm. Cô khẽ lắc đầu và săm soi nhìn đám lá mục dưới đất mong bắt gặp dấu chân của những con thú hiếm đang được bảo vệ chu đáo trong khu rừng cấm.

Nhà văn Nguyễn Một

Chuyện tình trong rừng cấm ảnh 2

- Sinh năm 1964 tại Quảng Nam.

- Hiện sinh sống tại Đồng Nai, là ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.

- Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết đạt nhiều giải thưởng văn học địa phương và trung ương.

- Truyện ngắn "Trước mặt là dòng sông" của ông từng được đạo diễn Khải Hưng dựng thành phim truyền hình.

- Hai tiểu thuyết "Ngược mặt trời" và "Đất trời vần vũ" được dịch và phát hành tại Mỹ, trong đó "Đất trời vần vũ" đã được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010.

Có thể bạn quan tâm

Mùa nấm mối

Mùa nấm mối

(GLO)- Đã 3 mùa mưa qua, khu vườn nhà tôi đều xuất hiện nấm mối. Những búp nấm nhú lên mặt lá ủ sau một thời gian dài ủ meo mầm, khi gặp cơn mưa đầu mùa rồi nắng lên vài hôm, có cơn mưa tiếp theo là những tai nấm mối thân trắng, núm đầu dù màu xám đội lên từng khóm.

Dã quỳ trong sương đêm

Dã quỳ trong sương đêm

(GLO)- Dã quỳ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh. Khi gợi nhắc sắc hoa màu nhớ, người ta thường nghĩ đến màu vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trong buổi bình minh hé giấc hay rực ấm lúc chiều tà.

Thương hoài bếp lửa

Thương hoài bếp lửa

(GLO)- Ở quê, mẹ tôi vẫn dùng bếp củi. Mỗi lần về quê, tôi rất thích ngồi bên bếp lửa ấy, thi thoảng lại dụi đầu vào vai mẹ. Ngọn lửa tí tách reo vui gọi về trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ.

Thân Thương loài hoa của núi - Dã quỳ

Thân thương loài hoa của núi

(GLO)- Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nhớ mùa cà phê

(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới có 1 ngày nghỉ rớt vào giữa tuần. Vui vẻ tận hưởng ngày nghỉ đột xuất cũng là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Tôi lấy điện thoại ra gọi bạn. Sau một hồi chuông dài, tôi nghe tiếng bạn giữa vô số thanh âm ồn ào. Bạn nói đang bận hái cà phê.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn quê giữa phố

(GLO)- Chẳng biết chủ vườn là ai nhưng tự nhiên lại thấy mến khi họ đã mang chút hương đồng gió nội vào chốn phố xá chật chội. Vườn có rau cải ngồng, diếp cá, rau lang, chuối xanh... Bao nhiêu món rau quê cứ thế bày biện.

Áo bà ba

Áo bà ba

(GLO)- Đang mua hàng thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có người phía sau nhìn mình. Tôi quay đầu lại và bất giác mỉm cười chào chị.

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

(GLO)- Khu chợ Bà Định (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đông đúc kẻ bán người mua với đủ thực phẩm tươi rói vào sáng sớm. Vậy nhưng, hàng thạch sương sâm của bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại 34/25 Hoàng Sa, TP. Pleiku) luôn có sức hút đặc biệt. Dù nắng hay mưa, hàng của bà luôn bán hết trước 8-9 giờ sáng.

Gửi lại trên đồi

Gửi lại trên đồi

(GLO)- Đôi khi, một chuyến đi xa chỉ chừng mấy mươi cây số cũng đủ khiến chúng ta bước ra khỏi cái vòng quẩn quanh thường nhật, thu lấy một ít năng lượng mới trước khi mình bị “mòn” đi bởi những trật tự cũ càng.

Chênh chao mùa về

Chênh chao mùa về

(GLO)- Những ngày này, mưa dường như đã ngừng rơi. Khoảng mênh mông bao la chờn vờn mây trắng bỗng trở thành phông nền cho bức tranh thiên nhiên vời vợi nắng. Gió cũng đã thao thiết trở mùa.

Chiếc áo ấm cũ

Chiếc áo ấm cũ

Mấy ngày nay trời trở lạnh. Mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thương những tàn phai

(GLO)- Giao mùa, khi làn gió mang hơi lạnh ào qua, những chiếc lá khô bứt khỏi cành rơi lả tả. Một chiếc lá rơi, một cánh hoa tàn, một buổi chiều nhạt nắng tạo nên khung cảnh tịch liêu với vẻ đẹp rất riêng. Có người bảo đó là cái đẹp của sự tàn phai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đồ cũ

(GLO)- Có lẽ thuộc tuýp người hoài cổ nên tôi thường tiếc nuối những điều thuộc về xưa cũ. Đôi khi, không hẳn là những khắc khoải mơ hồ mà ám ảnh tôi bằng cả một vùng ký ức ắp đầy nhớ thương day dứt. Một ngày bất giác chạm vào, lòng lại chênh chao nhớ người, nhớ về một thời gian khó ngày xưa.

Bước chạy trong mây

Bước chạy trong mây

Một cuốc chạy bộ ngẫu hứng, từ bờ biển Mân Thái lên đỉnh Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi tự nhủ mình đang có những bước chạy trong mây...

Minh họa: HUYỀN TRANG

Hoài niệm thư tay

(GLO)- Khi ngồi bên hiên nhà cùng cơn mưa cuối mùa, tôi lại nhớ về những người bạn thân từ thuở nhỏ. Đã mấy lần cầm điện thoại, định gọi hoặc nhắn tin trong nhóm, nhưng rồi lại thôi.