Đức Cơ: Người trồng điều “thiệt hại kép”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nay, người trồng điều ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tiếp tục rơi vào cảnh thất bát vì năng suất giảm sâu, giá thu mua cũng thấp hơn năm ngoái. Đây là năm thứ 5 liên tục mất mùa điều do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi khiến nhiều nông dân gặp khó khăn.

Gia đình bà Hoàng Thị Hòa (làng Mook Đen 1, xã Ia Dom) có hơn 2 ha điều. Trước đây, mỗi năm, gia đình bà thu hoạch được hơn 3 tấn điều tươi, thu về cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, năng suất vườn điều liên tục giảm nên nguồn thu không đáng kể. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa cộng thêm ảnh hưởng bởi không khí lạnh khiến hoa khô và rụng.

Bà Hòa cho hay: “Vụ này, mỗi cây chỉ đậu lác đác vài quả, thậm chí nhiều cây không có quả. Ước tính năng suất giảm 30-40%, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình”. Theo bà Hòa, đa phần quả đều bị chín ép nên hạt nhỏ, không chắc dẫn đến giá bán thấp. Đầu vụ thu hoạch, giá điều tươi khoảng 25-27 ngàn đồng/kg, giữa vụ là 22 ngàn đồng/kg, giờ chỉ còn 17 ngàn đồng/kg. Năm ngoái, giá điều tươi được thương lái thu mua 29 ngàn đồng/kg.

Tương tự, vườn điều rộng 2 ha của gia đình anh Đỗ Ngọc Tuấn (làng Chư Bồ 1, xã Ia Kla) đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng đã nắm chắc thất thu. Anh Tuấn cho hay: Mấy năm gần đây, cây điều liên tục mất mùa. Nguyên nhân là thời điểm cây ra hoa luôn gặp mưa và không khí lạnh bất thường nên tỷ lệ đậu quả đạt thấp.

“Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, trời vẫn còn mưa và có sương muối khiến đợt hoa đầu tiên bị khô rụng. Thậm chí, quả non đã phát triển gần bằng ngón tay cái cũng bị đen rồi rụng. Năng suất vườn cây giảm hơn 30%. Cả năm chăm sóc, giờ tiền thu vào không đủ trả chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”-anh Tuấn buồn bã nói.

Năng suất vườn điều của gia đình anh Đỗ Ngọc Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) giảm hơn 30% so với năm ngoái. Ảnh: Ngọc Sang

Năng suất vườn điều của gia đình anh Đỗ Ngọc Tuấn (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla) giảm hơn 30% so với năm ngoái. Ảnh: Ngọc Sang

Huyện Đức Cơ có diện tích điều lớn nhất tỉnh với hơn 14 ngàn ha nhưng năng suất không cao bằng các địa phương khác. Hiện đang là giai đoạn cuối mùa thu hoạch điều trên địa bàn huyện. Theo ước tính sơ bộ của người dân, sản lượng thu hoạch hạt điều tươi thấp hơn năm ngoái khoảng 30%. Trong khi đó, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khiến người dân gặp khó khăn.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Quốc Tư: Phần lớn diện tích điều tại địa phương trồng từ hạt thực sinh, vườn cây già cỗi, năng suất chỉ đạt bình quân 1 tấn/ha. Ngoài ra, nhiều hộ dân ít đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây dẫn đến năng suất đạt thấp. Bên cạnh đó, thời điểm cây điều ra hoa, đậu quả thường hay có mưa phùn hoặc sương muối nên nấm bệnh phát triển rất mạnh gây hiện tượng khô hoa, khô quả non, thậm chí khô cành dẫn đến mất mùa.

Do vậy, UBND huyện đã xây dựng Đề án cải tạo và nâng cao giá trị cây điều đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu là nâng năng suất lên 1,5 tấn/ha. Riêng năm nay, huyện hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để xây dựng mô hình trình diễn, cấp giống mới, chế phẩm sinh học và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc điều cho người dân.

Hoa điều bị khô héo do ảnh hưởng bởi sương muối và mưa trái vụ. Ảnh: Ngọc Sang

Hoa điều bị khô héo do ảnh hưởng bởi sương muối và mưa trái vụ. Ảnh: Ngọc Sang

Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: Một trong những biện pháp để ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh được triển khai sớm là hỗ trợ giống mới và kết nối các doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân; đồng thời, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm điều, chủ động kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng lợi nhuận và giá trị sản phẩm trong thời gian thực hiện Đề án.

“Việc cải tạo, trồng mới hoặc tái canh vườn điều theo đề án sẽ duy trì ổn định diện tích, góp phần đáp ứng vùng nguyên liệu và sản phẩm để các doanh nghiệp đầu tư và liên kết sản xuất, từ đó tăng tính ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân. Đề án cũng là tiền đề để kiến nghị UBND tỉnh cho xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm hạt điều Gia Lai tại Đức Cơ. Cùng với đó là quy hoạch và cập nhật dự án xây dựng nhà máy chế biến hạt điều, các sản phẩm từ quả điều và vỏ hạt điều trên địa bàn huyện, đưa vào danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh”-ông Phận thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.