Đức Cơ đẩy mạnh trồng rừng tập trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ năm 2017 đến nay, huyện Đức Cơ đã trồng được 332,7 ha rừng tập trung, đạt 110,6% so với kế hoạch. Đạt được kết quả này là do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân lấn chiếm đất rừng chuyển đổi sang cây trồng mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.

Những năm qua, xã Ia Pnôn đã tiên phong triển khai thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Từ năm 2017 đến nay, xã đã vận động 30 hộ trồng hơn 72,8 ha rừng.

Gia đình ông Ksor Đúy (làng Bua) là một trong những hộ đầu tiên của xã tự nguyện kê khai diện tích trồng mì, lúa rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng keo lai và bạch đàn. Ông chia sẻ: “Năm 2017, được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi trồng 2,6 ha keo lai và bạch đàn. Đến năm 2018, gia đình trồng thêm 0,7 ha keo lai. Hiện vườn cây phát triển tốt, gia đình chờ được giá sẽ bán”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh và huyện Đức Cơ kiểm tra diện tích rừng trồng của người dân xã Ia Din. Ảnh: Lê Nam

Đoàn giám sát HĐND tỉnh và huyện Đức Cơ kiểm tra diện tích rừng trồng của người dân xã Ia Din. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Rơ Lan Khuyết-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác trồng rừng nên nhận thức của người dân dần thay đổi. Năm 2023, xã được huyện giao trồng 35,7 ha rừng. Hiện người dân đã tự nguyện đăng ký trồng rừng được hơn 20 ha.

“Tuy phong trào trồng rừng đã có nhiều chuyển biến, nhưng kinh phí hỗ trợ trồng rừng còn hạn chế, trong khi đa số hộ dân là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, địa phương đề xuất UBND huyện hỗ trợ giống để người dân trồng dặm trên diện tích rừng đã trồng từ năm 2017 đến 2022 và hỗ trợ giống trồng rừng năm 2023”-ông Khuyết thông tin thêm.

Tương tự, giai đoạn 2018-2022, xã Ia Din có gần 70 hộ tham gia trồng rừng với diện tích hơn 94 ha, chủ yếu trồng keo lai, bạch đàn. Ông Kpuih Tui-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nẻh là người tiên phong đăng ký trồng rừng. Ông Tui cho biết: Gia đình có hơn 2 ha đất rẫy trồng cây mì, điều nhưng năng suất không cao. Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, ông đã tiên phong đăng ký trồng rừng. Gia đình ông được hỗ trợ hơn 5.000 cây giống bạch đàn và 9.000 cây giống keo lai.

“Ban đầu, tôi trồng 2 ha nhưng thấy cây thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên trồng thêm 6 ha nữa. Hiện tại, rừng trồng cũng đã có thể thu hoạch được nhưng do giá thấp nên tôi chưa bán”-ông Tui nói. Cũng theo ông Tui, đến nay, người dân làng Nẻh đã trồng được hơn 50 ha rừng các loại.

Để trồng rừng hiệu quả, bền vững, đầu năm 2022, Hội Nông dân xã Ia Din đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng rừng với 25 thành viên, ông Tui làm Tổ trưởng. Bà Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Din-cho hay: Từ khi thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng rừng, các thành viên thường xuyên trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm. Tất cả các thành viên đều nhận thức được rằng trồng rừng nhằm mục đích bảo vệ môi trường cũng như tăng thu nhập.

Người dân xã Ia Din thu hoạch rừng trồng. Ảnh: Lê Nam

Người dân xã Ia Din thu hoạch rừng trồng. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Giai đoạn 2017-2022, toàn huyện trồng 332,7 ha rừng tập trung, đạt 110,6% so với kế hoạch. Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã theo dõi, kiểm tra diện tích các hộ trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, sau khi trồng rừng, các đơn vị và hộ dân tiến hành chăm sóc, phát quang tỉa cành, làm cỏ, làm đường băng cản lửa để phòng cháy rừng trong mùa khô. Năm 2023, huyện triển khai trồng 70 ha rừng tập trung.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, phần lớn diện tích rừng trồng của người dân còn nhỏ lẻ, nằm rải rác gây khó khăn cho việc quản lý cũng như triển khai công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho người dân trồng và chăm sóc rừng trồng tập trung là 2,5 triệu đồng/ha (giảm 4,5 triệu đồng/ha so với các năm về trước khi thực hiện Dự án theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số kê khai diện tích đất lấn chiếm để tham gia trồng rừng gặp nhiều khó khăn.

“Do vậy, đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT kêu gọi các doanh nghiệp cùng với người dân liên doanh, liên kết đầu tư phát triển cây lâm nghiệp. Đồng thời, sau khi UBND các xã, kiểm lâm địa bàn xác nhận vị trí, lô, khoảnh, tiểu khu xong, lập hồ sơ thiết kế, cấp giống cây để kịp thời cho các hộ dân tham gia trồng rừng đúng thời vụ, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt”-ông Tư nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.