Mang Yang đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cùng với việc tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) còn tập trung đẩy mạnh việc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc.

 Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng tại huyện Mang Yang. Ảnh: Minh Phương
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng tại huyện Mang Yang. Ảnh: Minh Phương

Ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-cho hay: Thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo công chức chuyên môn, kiểm lâm viên địa bàn phối hợp với cán bộ địa chính tổ chức họp dân để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ trong công tác trồng rừng. Căn cứ kế hoạch trồng rừng của huyện giao năm 2022 là 65,5 ha, xã vận động người dân trồng rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, UBND xã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát vị trí đăng ký trồng rừng của 90 hộ dân các làng: Ktu, Klah, Deng, Tar; diện tích đảm bảo đủ điều kiện và đã trồng 76,74 ha, đạt 117,1% kế hoạch giao.

Còn tại xã Lơ Pang, qua khảo sát, kiểm tra thực địa, phần diện tích đất đăng ký trồng rừng năm 2022 nằm trong đất quy hoạch sản xuất là 66 ha. Chủ tịch UBND xã Huỳnh Ngọc Hải cho biết: Hiện cộng đồng làng Blên và làng Hlim đã trồng được 8 ha rừng. Do không chủ động được kinh phí mua vật tư để chuẩn bị đất và phát dọn thực bì nên bà con không tiếp tục trồng. Vì vậy, 2 cộng đồng làng này đề xuất UBND xã chuyển 58 ha còn lại sang năm 2023. Bên cạnh đó, khu vực này hiện đã bước vào cuối mùa mưa, hệ thống đường mòn, đường lâm nghiệp bị hư hỏng nặng; vị trí trồng rừng chủ yếu ở nơi đồi núi dốc, gây khó khăn trong việc vận chuyển cây giống, vật tư cộng với việc đơn vị tư vấn xuống làm việc muộn dẫn đến mùa vụ trồng rừng chưa đạt tiến độ đề ra.

Năm 2022, xã Đê Ar đăng ký trồng 90 ha rừng. Hiện nay, UBND xã đang khẩn trương triển khai công tác trồng rừng trên diện tích đã đăng ký. Ủy ban nhân dân huyện giao Hạt Kiểm lâm tiếp tục đôn đốc các xã khẩn trương triển khai công tác trồng rừng, đồng thời rà soát diện tích đất trống, đồi núi trọc, diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất để triển khai trồng rừng kịp thời vụ và theo kế hoạch giao.

Theo kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2022, huyện Mang Yang trồng 218,2 ha rừng tại các xã: Lơ Pang, Kon Chiêng, Đê Ar. Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất canh tác cây nông nghiệp quy hoạch lâm nghiệp thuộc rừng sản xuất để triển khai trồng rừng theo chỉ tiêu được giao. Qua rà soát, các xã kê khai đăng ký được hơn 221 ha. Đến thời điểm này, 2 xã Kon Chiêng và Lơ Pang đã trồng được hơn 88,2 ha rừng. Tính cả phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang thì diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn huyện được 250,6 ha/218,2 ha, đạt 115% kế hoạch.

 Đa số những diện tích đất lâm nghiệp thu hồi của người dân để trồng rừng là của đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Ảnh: Minh Phương
Đa số diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được thu hồi để trồng rừng đang là rẫy sản xuất của người dân có điều kiện kinh tế khó khăn. Ảnh: Minh Phương


Ông Trần Tất Đắc-Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang-thông tin: Giai đoạn 2017-2021, người dân trong huyện đã trồng hơn 564,9 ha rừng; trong đó, diện tích nghiệm thu đạt trên 85% là 152,3 ha, diện tích đạt 50-85% là 270,2 ha, diện tích dưới 50% là 142,4 ha. Đối với những diện tích rừng trồng chưa đạt từ 85% trở lên, đơn vị chủ động phối hợp chính quyền các xã tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự bỏ vốn tiếp tục trồng dặm và chăm sóc cho đủ diện tích cây bị chết. “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của rừng dần được nâng lên. Bà con tích cực chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất đối với diện tích rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy”-ông Đắc cho hay.

Cũng theo ông Đắc, phần lớn diện tích đăng ký trồng rừng còn manh mún, ở đồi núi cao, xa nên kinh phí để thực hiện rất cao so với mức hỗ trợ các dự án trồng rừng của tỉnh. Đa số diện tích đất lâm nghiệp thu hồi để trồng rừng là của đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế rất khó khăn, người dân đã trồng cây cà phê, chuối, mì… cho thu nhập ổn định. “Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT cần nâng kinh phí hỗ trợ thêm và cho tạm ứng trước tiền trồng rừng để người dân chủ động mua cây giống và chăm sóc sau khi trồng rừng; đồng thời, đôn đốc đơn vị tư vấn thiết kế trồng rừng chủ động phối hợp với các xã và người dân sớm triển khai các bước khảo sát thiết kế vị trí, diện tích đăng ký trồng rừng thời gian trước mùa mưa các năm tiếp theo để họ trồng rừng kịp thời vụ”-ông Đắc nhấn mạnh.

 

 MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.