Dự án ARISE giúp nông dân phục hồi sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Quỹ quay vòng vốn thuộc Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của các hộ nông dân trước ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19” (Dự án ARISE) do Hội Nông dân châu Á vì sự phát triển bền vững (AFA) tài trợ đã giúp 580 lượt hội viên nông dân ở 2 huyện Chư Prông, Phú Thiện vay vốn để duy trì, phát triển các mô hình sinh kế.

Nhiều nông dân tiếp cận vốn vay

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Dự án ARISE hỗ trợ 1 tỷ đồng và giải ngân làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 31-5 đến 31-10-2021 đã giải ngân cho 290 hộ hội viên thuộc 8 chi hội, tổ hội nghề nghiệp vay; đợt 2 giải ngân cho hội viên của 9 chi hội, tổ hội nghề nghiệp cũng trong thời gian 5 tháng (từ ngày 1-11-2021 đến 31-3-2022). Đối tượng dự án hướng đến là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang cần vốn trong thời gian ngắn. Do đó, sau khi khảo sát Hội đã tiến hành giải ngân cho các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đang có nhu cầu vay vốn tại các xã: Ia Lâu, Ia Boòng và thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông); Ia Hiao, Ia Ake (huyện Phú Thiện). Các hội viên nhờ đó có thêm nguồn lực duy trì, phát triển các mô hình chăn nuôi dê, bò, heo rừng lai, gia cầm và mô hình trồng lúa, điều, rau, cây ăn quả.

 Nhờ vốn vay từ dự án, gia đình bà Ksor H'Tren đã duy trì đàn bò ổn định. Ảnh: Anh Huy
Nhờ vốn vay từ dự án, gia đình bà Ksor H'Tren (buôn Ơi Hly, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) đã duy trì đàn bò ổn định. Ảnh: Anh Huy


Bà Ksor H'Tren (buôn Ơi Hly, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) phấn khởi chia sẻ: “Được vay vốn kịp thời, gia đình tôi đã mua thêm rơm khô và trồng cỏ để duy trì đàn bò 5 con”. Đại dịch diễn biến phức tạp, các thành viên trong gia đình bà H'Tren không có nguồn thu từ việc làm thuê, thức ăn dự trữ cho đàn bò cũng hết. Bà H'Tren đã nghĩ đến việc phải bán bớt số bò trong chuồng thì được tiếp cận vốn vay từ Dự án ARISE. “Nhận tiền xong mình mua ngay 1 xe rơm khô và cải tạo 500 m2 đất vườn trồng cỏ. Cuối tháng 10-2021, gia đình mình đã trả hết số tiền vay, cỏ sau vườn cũng lớn đủ cho đàn bò ăn. Mình cảm ơn dự án nhiều lắm”-bà H'Tren chia sẻ.

Cùng với gia đình bà H'Tren còn có 43 hội viên thuộc tổ hội chăn nuôi bò của buôn Ơi Hly cũng được vay với số tiền tương tự. Bà Lê Thị Thanh Tâm-Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi bò buôn Ơi Hly-cho hay: “Số tiền mỗi hộ vay được tuy không lớn (3,45 triệu đồng/hộ) nhưng lại kịp thời giải quyết khó khăn trước mắt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Người dân có thêm kinh phí để đầu tư trồng cỏ, mua thêm thức ăn tinh cho bò; có người mua thuốc phòng bệnh cho đàn gia súc… Nhờ đó đàn bò của tổ hội duy trì, phát triển tốt”.

Tương tự, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến thu nhập từ việc trồng và tiêu thụ rau, củ của gia đình anh Nguyễn Duy Linh (thôn 6, thị trấn Chư Prông). Anh Linh cho biết: Trước đây, bình quân mỗi tháng gia đình thu về 3-4 triệu đồng từ 1,5 sào rau, củ, sau khi đã trừ chi phí. Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sức mua giảm nên thu nhập gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. “Rau bán ra chỉ đủ thu hồi vốn trong khi giá vật tư, phân bón tăng cao khiến chúng tôi không có lời và khó khăn trong tái sản xuất. Khi được tiếp cận nguồn vốn dự án ARISE, gia đình tôi rất mừng. Có vốn, gia đình mua thêm dây ống tưới nước, phân bón và hiện tại sản xuất của gia đình đã ổn định trở lại”-anh Linh chia sẻ.

Thiết thực, hiệu quả

Trong 9 chi hội, tổ hội nghề nghiệp được tiếp cận nguồn vốn 1 tỷ đồng từ Dự án ARISE, có 6 chi hội, tổ hội ở huyện Chư Prông và 3 chi, tổ hội nghề nghiệp ở huyện Phú Thiện. Bà Đinh Thị Kim-Tổ trưởng Tổ hội nuôi heo rừng lai thị trấn Chư Prông-thông tin: “Tổ hội có 7 thành viên đều mới tiếp cận với mô hình nuôi heo rừng lai nên còn nhiều khó khăn về kỹ thuật lẫn nguồn vốn. Vì vậy, khi được tiếp cận vốn vay dự án ARISE với lãi suất chỉ 0,5%/tháng, thủ tục vay đơn giản trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội viên vô cùng phấn khởi”.

 Gia đình anh Nguyễn Duy Linh (thôn 6, thị trấn Chư Prông) vay vốn Dự án ARISE để đầu tư trồng rau gối vụ. Ảnh: Anh Huy
Gia đình anh Nguyễn Duy Linh (thôn 6, thị trấn Chư Prông) vay vốn Dự án ARISE để đầu tư trồng rau gối vụ. Ảnh: Anh Huy


Chị Lê Thị Thu cho hay: “Đầu năm 2021, tôi mạnh dạn vay 40 triệu đồng đầu tư làm chuồng và mua 3 con heo rừng lai, trong đó 2 con nái. Heo sinh sản 15 con, gia đình tôi để lại nuôi hết và dự kiến sẽ xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, gia đình cũng đang cần thêm vốn để mua thức ăn tinh, giàu đạm bổ sung cho đàn heo. Được tiếp cận nguồn vốn của dự án trong lúc khó khăn này, gia đình rất phấn khởi”.

Trao đổi về hiệu quả của nguồn Quỹ quay vòng vốn của Dự án ARISE, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Nhuần khẳng định: “Dự án rất ý nghĩa, thiết thực, kịp thời giúp hội viên nông dân trong lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Hầu hết hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả để duy trì đàn gia súc, gia cầm, đầu tư phân bón cho cây trồng, phát triển các mô hình kinh tế gia đình”. Theo ông Nhuần, số tiền mỗi hộ được vay không nhiều, tuy nhiên “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, dự án thể hiện sự quan tâm, đồng hành của các cấp Hội đối với hội viên, tiếp thêm động lực giúp nông dân ổn định sản xuất, đời sống.

 

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.