Đón tàu "Viện sĩ Oparin" của Nga trong hành trình nghiên cứu khoa học biển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ đón tàu nghiên cứu khoa học của Liên bang Nga mang tên “Viện sĩ Oparin” tại cảng Nha Trang (Khánh Hòa) vào chiều 17-5.

Báo Nhân dân Online đưa tin: Trước đó, tàu nghiên cứu khoa học Liên bang Nga mang tên “Viện sĩ Oparin” đã cập cảng Nha Trang ngày 16-5. Đây là chuyến khảo sát thứ tư nhằm triển khai “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), đồng thời là chuyến khảo sát thứ tám bằng tàu “Viện sĩ Oparin” giữa hai bên tại vùng biển Việt Nam.

Tàu Viện sĩ Oparin đến Nha Trang để chuẩn bị cho chuyến khảo sát tại các vùng biển Việt Nam. Ảnh: Báo Khánh Hòa Online

Tàu Viện sĩ Oparin đến Nha Trang để chuẩn bị cho chuyến khảo sát tại các vùng biển Việt Nam. Ảnh: Báo Khánh Hòa Online

Theo Thông Tấn xã Việt Nam: Cùng với điểm cầu tại Nha Trang, buổi lễ được kết nối trực tuyến với các đầu cầu tại Thủ đô Hà Nội và tại 2 thành phố Moscow và Vladivostok của Nga.

Từ Thủ đô Hà Nội, GS, Viện sĩ Châu Văn Minh-Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã điểm lại những kết quả nổi bật của 7 chuyến khảo sát chung trước đây, đặc biệt trong công tác đào tạo cán bộ khoa học trẻ của viện, cũng như hoạt động hợp tác khoa học giữa hai bên. Chuyến khảo sát lần này mang ý nghĩa quan trọng vì đây hoạt động đầu tiên thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai Viện Hàn lâm vừa được thông qua tại Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban Liên Chính phủ Việt-Nga vào tháng 4-2023, góp phần triển khai hiệu quả Biên bản Khóa họp 24 giữa Chính phủ hai nước.

Tại điểm cầu ở Nga, ông Panchenko Vladislav Yakovlevich-Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhấn mạnh, vai trò hợp tác khảo sát biển trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo của Viện Hàn lâm hai nước; đồng thời đánh giá nỗ lực, sự hợp tác tích cực từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để chuyến khảo sát lần thứ 8 tiến hành theo đúng dự kiến.

Là thành viên chủ chốt của Chính phủ Nga trong Tiểu ban hợp tác khoa học, giáo dục đào tạo của Ủy ban Liên Chính phủ Việt-Nga, ông Valery Falkov-Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga đánh giá cao quá trình hợp tác dài lâu giữa hai Viện Hàn lâm, đặc biệt nội dung hợp tác về khoa học biển đã được thực hiện hiệu quả; bày tỏ sự ủng hộ việc tiếp tục triển khai lộ trình hợp tác đã ký tới năm 2025 và phát triển hợp tác trong tương lai; góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai đất nước.

Phó GS.TS Đào Việt Hà-Viện trưởng Viện Hải dương học-đại diện đơn vị chủ trì phía Việt Nam tổ chức chuyến khảo sát, cho rằng từ năm 2005 tới nay, Viện đã vinh dự 4 lần đón tàu “Viện sĩ Oparin” cập cảng tại Nha Trang, khởi đầu cho những chuyến khảo sát giữa hai Viện Hàn lâm. Lần thứ 4 này, Viện Hải dương học có vai trò chủ trì phía Việt Nam trong nhiệm vụ khảo sát.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học tham gia chuyến khảo sát bằng tàu Viện sĩ Oparin. Ảnh: Báo Khánh Hòa Online

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học tham gia chuyến khảo sát bằng tàu Viện sĩ Oparin. Ảnh: Báo Khánh Hòa Online

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hợp tác quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học biển của Viện Hải dương học nói riêng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói chung, Phó GS.TS Đào Việt Hà cho rằng, chuyến khảo sát lần thứ 8 một lần nữa thắt chặt những hoạt động nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học Việt-Nga, các nhà khoa học hai Viện Hàn lâm.

Ngày 18-5, tàu “Viện sĩ Oparin” khởi hành bắt đầu chuyến khảo sát hỗn hợp lần thứ 4 tại các vùng biển của Việt Nam, với sự tham gia của gần 40 nhà khoa học thuộc các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của hai Viện Hàn lâm, trong khoảng thời gian một tháng.

Tàu nghiên cứu biển "Viện sĩ Oparin" dài 75,5 m, trọng tải trên 2.440 tấn, được trang bị nhiều phương tiện, thiết bị để hoạt động trên biển dài ngày, thu mẫu ở vùng biển sâu. Tàu có các phòng thí nghiệm có thể xử lý trực tiếp các mẫu vật trong quá trình nghiên cứu trên biển.

Có thể bạn quan tâm