Đối phó với các bệnh da vào mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi vào mùa mưa, người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với ẩm ướt kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh da phát triển, trong đó phổ biến nhất là bệnh nước ăn chân mùa mưa lũ, bệnh nhiễm trùng da do ẩm ướt...

Bệnh nước ăn chân do ẩm ướt:

Đây là bệnh viêm kẽ các ngón chân do nấm. Bệnh do vi nấm hạt men Candida gây nên, do môi trường ở kẽ ngón chân ẩm thấp làm vi nấm phát sinh. Bệnh phát sinh do mang vớ kín ẩm suốt ngày, dẫn đến viêm kẽ do da ẩm ướt, mắc mưa càng làm bệnh nặng thêm.

Candida là vi nấm hạt men sống ký sinh ở da người, không gây bệnh, gặp điều kiện thuận tiện như: môi trường ẩm ướt, nấm sẽ phát triển và gây bệnh, nhất là ở vị trí kẽ ngón chân thứ tư và năm. Bệnh có biểu hiện da trở nên đỏ hồng, rướm máu, quanh rìa da bị mủn có màu trắng, ít ngứa, có cảm giác hơi đau rát, nếu tổn thương kéo dài gây ngứa và dịch tiết có mùi hôi rất khó chịu.

Để đối phó, trước hết cần đảm bảo vệ sinh chân, không đi giày - vớ trong thời gian dài, nhất là khi giày hay vớ ẩm ướt; rửa chân sạch bằng xà phòng và lau khô chân sau khi tiếp xúc với nước nước bẩn, nước cống rãnh, dùng thuốc khử có iod như Betadine, nước muối, các loại bột diệt nấm ở bàn chân và kẽ ngón chân, luôn giữ cho kẽ ngón chân khô ráo, tránh đi mưa.

 
 



Bệnh nhiễm trùng da do ẩm ướt:

Bệnh thường gặp như bệnh viêm da mủ, viêm nang lông, bệnh viêm kẽ.

Với bệnh viêm da mủ, thường gặp do điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất, lao động dọn dẹp vệ sinh sau lũ dễ bị tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Triệu chứng thường là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân, khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu hơi nâu, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Để đối phó với bệnh này, cần giữ vệ sinh sạch sẽ sau khi lao động môi trường ẩm ướt, cần phải rửa sạch bằng xà phòng, lau khô da sau giờ lao động. Khi có biểu hiện bệnh lý cần sát khuẩn da bằng dung dịch Betadin, xanh metilen; khi các sang thương đã khô thì dùng Fucidin hay bactroban…

Với viêm nang lông, bệnh do vi khuẩn phát triển ở vùng nang lông cẳng chân, cẳng tay, nách, lông sinh dục…Viêm nang lông là một bệnh khá đa dạng và có nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là do vi trùng, tuổi phổ biến nhất ở lứa tuổi thanh niên, thường biểu hiện bằng tổn thương da với nốt sẩn nhỏ nhô lên từ các nang lông, lúc đầu có màu hồng, về sau mãn tính thường có màu hơi thâm đen, mỗi nang lông là một sẩn. Bệnh thường không khỏi tự nhiên, nếu được điều trị bệnh sẽ dần dần khỏi, các sẩn biến mất, da bớt đỏ và sạch trở lại nhưng bệnh cũng rất dễ tái phát. Về điều trị, đối phó tại chỗ thường dùng thuốc thoa như: Fucidine 2% hay Dalacin T, thoa ngày 2 lần sáng và chiều; thuốc uống có thể dùng một trong các thuốc, kháng sinh chống nhiễm khuẩn như Clindamycine, Minoxycycline… Nếu người bệnh kèm theo ngứa thì dùng thuốc chống ngứa như: Loratadine, Chlorpheniramine, Cetirizine, biểu hiện bằng những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch.

Với bệnh viêm kẽ do vi khuẩn, bệnh hay gặp ở người béo phì, vị trí: hai bẹn, nách, cổ, và nếp lằn vú ở phụ nữ. Nguyên nhân cũng do thiếu nước sạch vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, thương tổn là những đám da màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng, hầu như không ngứa, trừ khi bị ở bẹn có cảm giác châm chích khó chịu. Căn nguyên do loại vi khuẩn có tên Corynebacterium minutissmum.

Điều trị bằng bôi dung dịch Eryfluid và uống Erythromycin 250mg 4 lần 1 ngày.

Bệnh mề đay: bệnh có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do khí hậu lạnh, xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi, khi ra gió hay lúc trời mưa, khí hậu lạnh và nước mưa thấm vào người dễ làm nổi mề đay. Khi đó, trên da người bệnh sẽ nổi sẩn, mảng cứng có màu hơi hồng, kích thước thay đổi từ một đến vài centimet và nổi ở bất kỳ vị trí nào trong người, nhất là ở những nơi hở ra ngoài như: tay, chân, mặt, kèm theo ngứa dữ dội. Khi bị nổi mề đay, người bệnh cần giữ ấm người, tránh ra ngoài trời khi đang mưa, gió, đồng thời sử dụng những thuốc chữa mề đay như: Loratadine 10mg uống 1viên/ngày, nếu không cắt được cơn ngứa, có thể dùng kết hợp với thuốc khác như Telfast 60mg uống 1viên sáng và chiều.

Về phòng bệnh, tránh để lạnh, mặc quần áo bảo hộ đủ ấm khi phải lao động ngoài trời mưa, không để mắc mưa khi đi lại.

Để đối phó tốt các bệnh thường gặp ở da vào mùa mưa, trước tiên cần giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ, nên thay đổi quần áo hằng ngày, tránh mặc đồ ẩm. Lau thật khô sau khi tắm, luôn luôn thay vớ mỗi ngày. Nên mang vớ có chất liệu cotton, tránh mang vớ len tổng hợp. Mang giày, quần áo vừa vặn tránh quá chặt. Tránh chấn thương da. Ăn đầy đủ rau xanh, trái cây đủ sinh tố, tránh ăn chất béo, chất ngọt. Khi mới bị trầy xước, nhiễm trùng, rửa sạch, bôi thuốc sát trùng. Khi đã mắc bệnh thì không tắm giặt chung, mặc chung quần áo với người bị mắc bệnh. Tránh đi chân không, rắc bột talc vào kẽ chân, tránh dùng corticoid bừa bãi…

Tránh ăn chất béo, chất ngọt.

BS.CKI. Trần Quốc Long (SK&ĐS)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.