Khám xét Công ty Alibaba, Công an TP HCM đã tạm thu 20 thỏi kim loại màu vàng với trọng lượng là hơn 7,3 kg. Kết quả giám định ban đầu là toàn bộ 20 thỏi hợp kim này không phải là vàng.
Ngày 26-2, VKSND TP HCM cho biết đã trả hồ sơ cho công an cùng cấp để điều tra bổ sung đối với Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, CEO Alibaba) cùng 22 đồng phạm về hai tội "Rửa tiền" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba.
Một nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động xác nhận Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM đã nhận lại toàn bộ hồ sơ để điều tra lại một số vấn đề liên quan đến giám định tài sản, giám định số vàng thu tại Alibaba.
Công an TP HCM thu giữ nhiều tài liệu và 20 thỏi kim loại màu vàng |
Trong vụ án này, khi khám xét Công ty Alibaba, Công an TP HCM đã tạm thu 20 thỏi kim loại màu vàng với trọng lượng là hơn 7,3 kg. Kết quả giám định ban đầu là toàn bộ 20 thỏi hợp kim này không phải là vàng.
Trước đó, sau gần 15 tháng điều tra, thu thập chứng cứ, giữa tháng 12-2020, Công an TP HCM đã chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện, SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành), Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba Law Firm), Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, quê Quảng Ngãi, kế toán trưởng Công ty Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992, Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 17 bị can khác về 2 tội danh nêu trên.
Tất cả 23 bị can trong vụ án này đã cùng nhau thành lập các công ty bất động sản, lập ra 58 dự án "ma", sau đó quảng cáo rầm rộ bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho 3924 người, chiếm đoạt số tiền 2.373 tỉ đồng.
Với thủ đoạn khá tinh vi, Nguyễn Thái Luyện hứa với khách hàng sẽ mua lại nền đất giá cao, sinh lời 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng hoặc nếu không muốn bán thì cho thuê lại lời 2% mỗi tháng.
Các nạn nhân tố cáo Alibbaba |
Sau khi đóng đủ số tiền, các bị hại không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư như cam kết khi đến hạn mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Nhận thấy bị lừa đảo, các bị hại đã đến Công an TP HCM nộp đơn tố cáo.
Ngày 18-9-2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thái Luyện. Khám xét trụ sở Công ty Alibaba, công an thu giữ 9,2 tỉ đồng, phong tỏa 45,5 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng; kê biên tổng cộng 650 thửa đất với tổng diện tích hơn 447 ha. Ngoài ra, qua định giá, cơ quan chức năng xác định giá trị gần 1.478,8 tỉ đồng và nhiều ô tô, tài sản khác để đảm bảo thi hành án, khắc phục hậu quả.
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra một số sai phạm khác. Cụ thể, đối với dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương gồm tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận sau khi thống nhất với liên ngành TP HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chuyển hồ sơ phần nội dung liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh nêu trên để điều tra, xử lý theo quy định. Theo Công an TP HCM, toàn bộ dự án dân cư ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận được vẽ, lập trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. |
Theo PHẠM DŨNG (NLĐO)