Dịch vụ GrabFood: Nhiều tiện ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- GrabFood là dịch vụ giao đồ ăn của Grab được triển khai ở một số thành phố lớn từ đầu năm 2018. Tại Gia Lai, dịch vụ này mới ra mắt cuối năm 2019 và được nhiều khách hàng lựa chọn. Không chỉ là cầu nối để các nhà hàng tăng thêm tiện ích cho khách sử dụng, dịch vụ này còn giúp các tài xế chạy GrabBike có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
 Với ứng dụng GrabFood, khách hàng có thể dễ dàng đặt đồ ăn trực tuyến. Ảnh: V.T
Với ứng dụng GrabFood, khách hàng có thể dễ dàng đặt đồ ăn trực tuyến. Ảnh: V.T
Ra mắt từ cuối tháng 12-2019, GrabFood là dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến đầu tiên được triển khai tại Gia Lai. Đến nay, dịch vụ này đã có 7 đối tác là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Pleiku. Với GrabFood, khách hàng chỉ cần mở ứng dụng Grab sẽ hiện ra các nhà hàng liên kết, sau đó kích hoạt địa điểm và chọn món ăn. Lúc này, chi phí món ăn và chi phí giao hàng sẽ hiển thị ngay trên ứng dụng.
Anh Nguyễn Thế Đoàn-Giám đốc Công ty TNHH Emdrink (28 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) là người nắm bắt rất nhanh xu thế kinh doanh qua mạng. Từ giữa năm 2019, anh đã đăng ký dịch vụ GrabFood. Và khi ứng dụng này được triển khai tại Gia Lai, Emdrink là đối tác đầu tiên của Grab. Anh Đoàn cho hay, khi tham gia dịch vụ này, Emdrink sẽ có cơ hội tiếp cận với khách hàng nhiều hơn. Bình quân một ngày, cửa hàng Emdrink có khoảng 10-20 đơn hàng được xử lý qua GrabFood. Con số này còn khá khiêm tốn so với đơn hàng bán trực tiếp tại cửa hàng do dịch vụ mới triển khai nên nhiều người chưa biết đến. “Trong 6 tháng đầu, Công ty phải chi trả cho đối tác Grab 15%/tổng doanh thu bán hàng mỗi tháng qua ứng dụng, sau đó trả 20%. Với mức chi trả này, tuy có giảm bớt lợi nhuận kinh doanh, song trong thời đại công nghệ số, khách hàng sử dụng dịch vụ mua hàng qua các ứng dụng ngày một nhiều thì việc Công ty tham gia là vô cùng cần thiết để vừa tăng thêm khách hàng, vừa quảng bá thương hiệu trên kênh online”-anh Đoàn cho biết thêm. 
GrabFood là dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến đầu tiên ở Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
GrabFood là dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến đầu tiên ở Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Còn chị Lê Quỳnh Như-quản lý quán Phố Mì cay Seoul (14 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku) thì nhận xét: “Qua một thời gian trở thành đối tác của Grab, quán có thêm lượng khách hàng nhất định với vài chục đơn mỗi ngày. Đặc biệt, hiện nay, khi người dân ngại đến chỗ đông người do lo sợ dịch bệnh Covid-19, lượng khách đặt hàng qua ứng dụng GrabFood khá nhiều. Với sự tiện lợi, nhanh chóng và chi phí giao hàng khá rẻ nên dịch vụ này được nhận định sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Khi sử dụng dịch vụ, nếu khách hàng có mã giảm giá, số tiền phải trả có khi thấp hơn rất nhiều so với giá nhà hàng niêm yết và còn không mất phí vận chuyển”.
Theo Văn phòng hỗ trợ Grab tại Gia Lai, hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ GrabFood là người trẻ tuổi, dân văn phòng, học sinh, sinh viên. Tại Gia Lai, Grab phát triển khá nhanh, hiện đã có gần 100 người kích hoạt dịch vụ chạy Grab, chủ yếu là GrabBike. Ước tính thu nhập bình quân của một GrabBike đạt 4-6 triệu đồng/tháng. Chia sẻ về công việc của mình, anh Vũ Thanh Bách nói: “Tham gia chạy GrabBike đã vài tháng nay nhưng thời gian gần đây, khi Grab triển khai dịch vụ GrabFood thì thu nhập của tôi tăng lên đáng kể. Mỗi ngày, tôi dành khoảng vài tiếng đồng hồ vào buổi trưa và chiều tối để chạy Grab. Tôi nhận khoảng hơn chục đơn hàng giao đồ ăn trong khu vực nội thành/ngày, cộng với chạy vài cuốc xe chở khách. Sau khi trừ chi phí, tôi kiếm được hơn 200 ngàn đồng/ngày”.
Hiện đã có 7 nhà hàng là đối tác liên kết với Grab triển khai dịch vụ GrabFood. Ảnh: Vũ Thảo
Hiện đã có 7 nhà hàng là đối tác liên kết với Grab triển khai dịch vụ GrabFood. Ảnh: Vũ Thảo
Dù mới triển khai nhưng có thể thấy, thông qua dịch vụ GrabFood, các nhà hàng và khách hàng có thêm một kênh giao nhận đồ ăn tiện lợi, nhanh chóng; các tài xế chạy GrabBike cũng có thêm thu nhập trên mỗi đơn hàng đi giao. Để thuận tiện cho khách hàng, Grab triển khai nhiều hình thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc ví điện tử. Đánh giá về dịch vụ này, chị Vũ Hà Thái An (hẻm 45 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) chia sẻ: “Dịch vụ GrabFood đã mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm đặt món ăn trực tuyến với đa dạng món của các thương hiệu đồ ăn lớn. Giờ đây, không cần tốn công và thời gian đi ra ngoài mình vẫn dễ dàng chọn được món ăn yêu thích. Thời gian giao hàng cũng khá nhanh, trung bình 20-30 phút”.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.