Đề xuất dùng ngân sách tăng vốn cho 4 'ông lớn' ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã nêu nhiều khó khăn trong việc tăng vốn cho 4 'ông lớn' ngân hàng quốc doanh (Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV). Ngân hàng Nhà nước đề xuất dùng ngân sách để tăng vốn nhằm giải quyết những khó khăn của các ngân hàng này trong bối cảnh mới.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở các giải pháp quy định tại Đề án 1058 và thực trạng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng), Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Đến nay, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Tính đến cuối tháng Tám, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 11,81 triệu tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.
Các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (ngân hàng thương mại Nhà nước) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến cuối tháng Tám, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường dân cư và tổ chức kinh tế đạt 3,6 triệu tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và VietinBank.
Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.
Vì vậy, để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Ngân hàng Nhà nước cũng tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến việc này.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay 17 ngân hàng thương mại (15 ngân hàng thương mại trong nước, 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) đã có văn bản đăng ký áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước trước thời hạn hiệu lực, trong đó 11 ngân hàng thương mại đã có quyết định chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, ShinhanBank.
PV (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.