Theo chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, ngày 26.6 tới đây, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất lực lượng CSGT được quyền truy đuổi nếu tài xế vi phạm không chịu dừng xe theo hiệu lệnh và bỏ chạy (ảnh minh họa) |
CSGT sẽ được truy đuổi người vi phạm?
Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dành riêng một điều để quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ.
Theo đó, khi người tham giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ, trong đó có CSGT, thực hiện các biện pháp sau đây:
Một là, giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.
Hai là, áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Bấy lâu nay, vấn đề CSGT có được truy đuổi người vi phạm hay không luôn gây nhiều tranh luận. Nếu dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua, nội dung này sẽ chính thức được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý khi áp dụng, tránh gây tranh cãi và áp dụng không thống nhất.
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ kiểm soát trật tự, an toàn giao thông |
Nên quy định cụ thể trường hợp nào thì cần truy đuổi
Hiện nay, một trong những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình tuần tra, kiểm soát đối với lực lượng CSGT là Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an.
Thông tư này quy định lực lượng CSGT được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông…
Tuy nhiên, thông tư không quy định cụ thể về trường hợp nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hoặc bỏ chạy thì CSGT có được truy đuổi hay không.
Thông tư chỉ nêu nguyên tắc rằng, CSGT "được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định", và "thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng CAND theo quy định của pháp luật".
Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, ủng hộ việc luật hóa quyền được truy đuổi người vi phạm của lực lượng thi hành công vụ, trong đó có CSGT. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người thi hành công vụ, đồng thời phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Dù vậy, luật sư Vinh cho rằng cần có quy định cụ thể trường hợp nào thì CSGT mới thực hiện truy đuổi, chứ không nên "vi phạm lỗi gì cũng truy đuổi".
Luật sư dẫn chứng nhiều vụ việc CSGT truy đuổi người vi phạm sau đó xảy ra tai nạn trong thời gian qua, khiến cả người vi phạm và người truy đuổi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Bởi thế, trường hợp luật được thông qua, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định hướng dẫn các tình huống được áp dụng biện pháp ngăn chặn này.
Theo luật sư, với việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ, các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông nếu không ngăn chặn được ngay thì CSGT sẽ thông qua hệ thống camera giám sát để "phạt nguội". Vì thế, ông cho rằng với các lỗi vi phạm giao thông thông thường như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… thì không nên truy đuổi.
Việc truy đuổi chỉ nên áp dụng với các trường hợp hành vi vi phạm giao thông có dấu hiệu tội phạm, ví dụ: người tình nghi vận chuyển ma túy bỏ chạy, nghi phạm giết người không chấp hành hiệu lệnh dừng xe… chẳng hạn.
Một nội dung quan trọng nữa, luật sư Vinh cho rằng cần có các quy định cụ thể về quy trình, biện pháp truy đuổi, để bảo đảm an toàn cho người truy đuổi, người tham gia giao thông trên đường, và cả người bị truy đuổi.