Dạy thêm miễn phí cho học sinh cuối cấp, giải pháp tạm thời?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà trường thuyết phục, động viên thầy cô dành thời gian ôn tập cho học sinh cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 khi hoạt động này không còn được thu phí. Tuy nhiên, theo các hiệu trưởng đây chỉ là giải pháp tạm thời. 

Bộ GD&ĐT quy định, các trường hợp được dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.

Trước đây, khi chưa áp dụng Thông tư 29, các trường THPT tổ chức ôn tập kiến thức văn hóa các môn cho học sinh và có thu phí. Tùy theo quy định của từng địa phương để có mức thu phù hợp nhằm chi trả thù lao cho thầy cô giáo, tiền điện nước.

Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng, không được thu tiền ôn tập học sinh cuối cấp sẽ rất khó khăn trong công tác tổ chức.
Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng, không được thu tiền ôn tập học sinh cuối cấp sẽ rất khó khăn trong công tác tổ chức.

Với quy định mới, “cấm” dạy thêm trong trường học có thu tiền học sinh của Bộ GD&ĐT, một số trường học đã thông báo tạm dừng việc tổ chức học thêm, ôn tập cho học sinh cuối cấp vì không có nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên.

Ông T., Hiệu trưởng một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội cho biết, trước đây, ngoài chương trình chính khóa, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học tăng cường thêm các buổi chiều và có thu phí. Mức thu theo Nghị quyết 03 của UBND TP Hà Nội không cao nhưng cũng có nguồn chi trả cho giáo viên.

Kết thúc học kỳ I, trước thời điểm áp dụng thông tư mới về dạy thêm, học thêm, nhà trường phải cho tạm dừng việc ôn thi để phổ biến, động viên thầy cô giáo về chủ trương dạy miễn phí cho học sinh trong học kỳ II.

“Cũng có một số thầy cô có ý kiến băn khoăn về thu nhập nhưng sau khi được giải thích về việc thực hiện chủ trương, quy định của Bộ GD&ĐT cũng như nêu cao ý thức, trách nhiệm của người thầy đối với học sinh, thầy cô cũng vui vẻ để đảm đương việc bồi dưỡng”, ông Thuận nói.

Học sinh được đăng ký tham gia ôn tập miễn phí kể từ tuần tới. Phụ huynh được phổ biến, việc tham gia học thêm trên tinh thần tự nguyện nên rất phấn khởi.

Nhà trường tổ chức bồi dưỡng tất cả các môn với thời lượng mỗi tuần 2 tiết. Kết quả đăng ký cho thấy, môn nhiều nhất có khoảng 50% học sinh tham gia nhưng cũng có môn chỉ có khoảng chục em.

Giảm số tiết, lo tiền chi trả cho giáo viên

Theo hiệu trưởng một trường THPT khác, trước đây mỗi học sinh được học 12 tiết/tuần gồm 4 môn thi tốt nghiệp. Kể từ 14/2, nhà trường vẫn tổ chức ôn tập miễn phí nhưng sẽ giảm thời lượng xuống còn 8 tiết/ tuần.

“Thầy cô dạy miễn phí, nguồn thu nhập bị cắt giảm nên cũng tâm tư tuy nhưng kỳ thi tốt nghiệp sắp diễn ra cũng lo lắng cho điểm số của học sinh, chất lượng tụt giảm. Việc thuyết phục giáo viên dạy miễn phí chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài nên có nguồn ngân sách hỗ trợ để trả thù lao”, hiệu trưởng này nói.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, Thông tư 29 không gây xáo trộn trong kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh cuối cấp tại trường vì từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập nhằm rà soát lại kiến thức các môn; bổ sung, củng cố cho học sinh chậm tiến… và không thu tiền. Thù lao chi trả cho giáo viên theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Còn ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) chia sẻ, nhà trường thực hiện mô hình trường chất lượng cao nên tự hạch toán thu – chi. Ngoài học chính khóa, học sinh được học tăng cường thêm 13 tiết/tuần gồm 3 Ngữ văn, 4 tiết Toán, 4 tiếng Anh và 2 tiết kỹ năng mềm. Riêng lớp tiếng Anh quốc tế còn có thêm 4 tiết tiếng Anh. Do đó, học sinh không cần đi học thêm ở ngoài cũng có thể đảm bảo lượng kiến thức để thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt.

Riêng nhóm học sinh gặp khó khăn trong tiếp nhận thông tin, nhà trường cũng lập danh sách giao cho giáo viên bồi dưỡng thêm.

Ông Trung cho rằng, lâu nay nhiều trường tổ chức dạy thêm trong trường học có thu phí nên khi Thông tư 29 có hiệu lực, sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn nhất định. Nhưng với vấn đề “nóng” dạy thêm, học thêm thời gian qua cho thấy đã xảy ra tình trạng giáo viên gò ép học sinh học thêm gây bức xúc trong dư luận. Thông tư ra đời với những quy định rất cụ thể có thể nói là kịp thời nhưng cũng có thể nói là muộn, vì chuyện học thêm đã trở thành đương nhiên, chuyện bình thường.

"Với các nhà trường, dù quy định mới có những khó khăn, rào cản nhưng thầy cô cũng cần đặt quyền lợi học tập của học sinh lên đầu để thực hiện trách nhiệm của người thầy là tiếp tục ôn tập, đảm bảo chất lượng giáo dục đối với học sinh trong kỳ thi tới", ông Lê Xuân Trung.

Thầy cô không được dạy thêm trong nhà trường nhưng vẫn có quyền dạy thêm ở các trung tâm, phải chịu sự quản lý, đóng thuế và coi như một hoạt động kinh doanh đặc thù. Thầy cô “có tiếng” thì phải nỗ lực, tạo tên tuổi sẽ không thiếu học sinh theo học.

Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi cũng ủng hộ quy định, giáo viên đang đứng lớp không được kéo học sinh của mình ra ngoài dạy thêm có thu tiền. Điều quan trọng là sau khi có thông tư mới, các địa phương, các quận huyện và Sở GD&ĐT phải có những hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ khó khăn, lúng túng cho các trường học để thực hiện tốt quy định.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, trong đó đề nghị địa phương quy định, hướng dẫn dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nội dung: “Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp; xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp”.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp, học sinh giỏi, học sinh khó khăn...

Theo Hà Linh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Làm thế nào để không chọn nhầm nghề?

Làm thế nào để không chọn nhầm nghề?

(GLO)- Khoảng thời gian đầu năm là lúc các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đồng loạt đưa ra phương thức xét tuyển đầu vào đối với học sinh tốt nghiệp THPT. Các em học sinh lớp 12 sẽ đưa ra lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Điều quan tâm lúc này là làm thế nào để không chọn nhầm nghề?

Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

(GLO)- Hành trình dạy tiếng Anh cho trẻ em yếu thế của nam sinh Nguyễn Viết Minh-Lớp 8.1, Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thời gian qua đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Bằng việc làm này, em đã biến tình yêu Anh ngữ của mình trở nên thiết thực, đầy ý nghĩa.

Pleiku tăng cường phòng-chống bạo lực học đường năm 2025

Pleiku tăng cường phòng-chống bạo lực học đường năm 2025

(GLO)- Nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng-chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục năm 2025, Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Từ ngày 10-2, thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm

Từ ngày 10-2, thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm

(GLO)- Từ ngày 10-2-2025 sẽ thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.