Đẩy lùi "tín dụng đen" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình trạng “tín dụng đen” diễn biến phức tạp ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nội dung được quan tâm tại hội nghị tổng kết thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2017 do UBND tỉnh tổ chức ngày 11-5. Để đẩy lùi “tín dụng đen”, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và ngành Ngân hàng đã đưa ra một số giải pháp rất thiết thực.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS ngày càng diễn biến phức tạp. Qua công tác nắm tình hình từ các địa phương, ngành Công an cũng như các phương tiện truyền thông phản ánh cho thấy, một số đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự khó khăn của người dân để cho vay dưới nhiều hình thức đơn giản như: bán nợ hàng hóa, vật tư nông nghiệp hoặc cho vay không cần thế chấp với mức lãi suất 3-5%/tháng. Một khi đã dính vào “tín dụng đen” thì người vay, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều hộ mất khả năng thanh toán, phải gán nhà, gán đất dẫn đến ngày càng nghèo đói.

 

Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Ảnh: S.C
Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “tín dụng đen” là do việc vay vốn ngân hàng phải đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo quy định. Trong khi đó, bà con khi cần một lượng tiền ít và muốn có ngay nên thường dễ dàng chấp nhận vay bên ngoài. Mặt khác, một số hộ không có nguồn thu ổn định trong năm nên thường mua nợ nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc vay tiền bên ngoài rồi cuối năm trả bằng tiền, nông sản.

Bên cạnh đó, đa phần hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm tới 86,5% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp và chưa có thói quen tích lũy. Một bộ phận vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số hộ tuy có đất sản xuất nhưng hiện đã cho thuê dài hạn hoặc bán đứt nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. “Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hiện đã đạt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS là 1.890 tỷ đồng với 70.904 hộ vay, chiếm tới 46,72% tổng dư nợ. Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình”-ông Cư cho biết thêm.

Một vấn đề cũng rất đáng được lưu tâm là đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 13,34% (tương đương 45.340 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 9,83% (tương đương 33.406 hộ). Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Để góp phần hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS, về phương diện quản lý nhà nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cho rằng, chính quyền các cấp cần tăng cường rà soát, nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào DTTS hiểu rõ tác hại của “tín dụng đen”; đồng thời, phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường mở rộng mạng lưới, đưa vốn đến khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển kinh tế theo lợi thế từng vùng nhằm giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã, cũng là thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội, không để hộ nghèo, hộ cận nghèo nào thực sự cần vốn mà lại thiếu vốn.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, làm cho đời sống kinh tế của đồng bào DTTS ngày càng khá lên vẫn là vấn đề cốt yếu, lâu dài. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng cần chủ động, quyết liệt vào cuộc điều tra, thống kê tình trạng “tín dụng đen” ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân. Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, cần tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục vay vốn, nâng mức cho vay để đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Tín dụng chính sách càng sát với người dân chừng nào thì càng hiệu quả chừng nấy.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm