Đầu tư nâng cao năng lực ngành Y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh Gia Lai, những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng hoạt động khám-chữa bệnh (KCB) ngày một nâng cao, nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngay từ tuyến y tế cơ sở.

Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở

Hiện nay, mạng lưới KCB trong tỉnh được bố trí theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về cấp độ chuyên môn, góp phần khắc phục tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân hiện đạt 8,4; giường bệnh/vạn dân đạt 27; 93% xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc và 205/220 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, chiếm 93%.

Các trạm y tế được xây dựng ở vị trí thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và xe ô tô cứu thương có thể vào đến nơi. Các trạm đều được trang bị đủ thuốc thiết yếu và trang-thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

100% trạm y tế xã của huyện Chư Păh có bác sĩ đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh: N.N

100% trạm y tế xã của huyện Chư Păh có bác sĩ đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh: N.N

Ông Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Păh-thông tin: Tất cả 14 trạm y tế xã, thị trấn đều có bác sĩ, trong đó có trạm bố trí 2 bác sĩ. Người dân ốm đau đều đến trạm y tế thăm khám, trường hợp nặng mới chuyển tuyến trên. Mỗi năm, các trạm KCB cho khoảng 20.000 lượt người; thuốc men, vật tư y tế tại các trạm đều đảm bảo nên công tác khám, điều trị thuận lợi. Chị Alin (làng Bối, xã Hòa Phú) cho hay: “Từ khi Trạm Y tế xã có bác sĩ, lúc đau ốm, mình đều đến thăm khám, xin thuốc. Bác sĩ thăm khám tận tình, cho thuốc men đầy đủ nên rất yên tâm”.

Đối với tuyến huyện, các trung tâm y tế đều được xây dựng với quy mô từ 80 đến 150 giường bệnh và trang bị các phương tiện cơ bản phục vụ cho công tác KCB, phòng-chống dịch. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được triển khai thực hiện, chất lượng chuyên môn y tế từng bước được nâng lên. Theo bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện, tháng 7-2023, phòng mổ của Trung tâm Y tế huyện đã được Sở Y tế thẩm định đạt các điều kiện hoạt động. Ngày 9-8 vừa qua, kíp mổ của Trung tâm đã thực hiện thành công ca mổ lấy thai đầu tiên tại phòng mổ của đơn vị. Ca mổ thực hiện thành công, đảm bảo các quy định, em bé ra đời khỏe mạnh. Hiện phòng mổ đủ khả năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật như: mổ lấy thai, mổ ruột thừa, mổ kết hợp xương, bóc khối u... Hàng năm, riêng lĩnh vực sản khoa, khoảng 60 sản phụ được chỉ định chuyển tuyến tỉnh để thực hiện sinh mổ.

“Việc thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật nêu trên tại Trung tâm Y tế huyện góp phần đáp ứng nhu cầu KCB, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở, từng bước giảm tải cho bệnh viện tuyến trên”-bác sĩ Quang nói.

Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh

Cùng với đầu tư cho y tế cơ sở, việc nâng cao chuyên môn, ứng dụng các kỹ thuật y học cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã sử dụng hiệu quả thiết bị nội soi để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng các kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị như: máy chụp MRI, CT Scanner 128 lát cắt, xét nghiệm đa chức năng, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương sọ não, u não, điều chỉnh dị tật, gù vẹo cột sống, vá sọ tự thân...

Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho người dân tại Phòng khám Đa khoa Sysmed Phù Đổng (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho người dân tại Phòng khám Đa khoa Sysmed Phù Đổng (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã kết nối với các bệnh viện đầu ngành Trung ương triển khai các bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu và tim mạch giúp làm chủ được các kỹ thuật y học cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao và giúp người bệnh, nhất là người nghèo được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao. Bác sĩ Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay: Bệnh viện vừa được đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), bước đầu triển khai được một số can thiệp tim mạch cứu sống người bệnh.

Đến năm 2025, ngành Y tế phấn đấu có 70% trạm y tế tuyến xã thực hiện quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân; 100% trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, trang bị cơ bản về trang-thiết bị, nhân lực theo đúng tiêu chuẩn quy định để có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ; 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% thôn, làng có nhân viên y tế.

Song song với hệ thống y tế công lập, y tế tư nhân có vai trò tích cực trong KCB, tham gia các hoạt động phòng-chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Toàn tỉnh có 656 cơ sở KCB tư nhân (14 phòng khám đa khoa, 642 phòng khám chuyên khoa). Thực tế cho thấy, lượng người bệnh sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế tư nhân ngày càng tăng do địa bàn đi lại gần khu dân cư, thái độ phục vụ tốt, có thêm cơ hội lựa chọn các dịch vụ y tế cho bản thân; nhiều cơ sở khám bệnh làm việc ngoài giờ cả thứ bảy, chủ nhật, rất thuận tiện cho người bệnh.

Bác sĩ Đào Phú Yên-Phụ trách chuyên môn Phòng khám Đa khoa Sysmed Phù Đổng (TP. Pleiku) chia sẻ: Phòng khám được Sở Y tế cấp phép hoạt động vào tháng 9-2022. Đây là phòng khám đa khoa y tế tư nhân lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 5.000 m2. Phòng khám có đội ngũ y-bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thuộc các chuyên khoa: nội, ngoại, sản, nhi, răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng, da liễu, mắt, tiêm chủng vắc xin, y học cổ truyền…

Nhằm đáp ứng nhu cầu thăm khám sức khỏe cho người dân, Phòng khám Đa khoa Sysmed Phù Đổng đầu tư nhiều trang-thiết bị y tế hiện đại, đặc biệt là hệ thống nội soi tiêu hóa Evis CV260 Olympus (Nhật Bản), hệ thống nội soi dạ dày-đại tràng Pentax để triển khai kỹ thuật nội soi dạ dày, đại tràng giúp phát hiện các tổn thương ở dạ dày, chẩn đoán viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư. Bên cạnh đó, Phòng khám còn đầu tư thiết bị hiện đại giúp phát hiện xơ vữa động mạch, tầm soát đột quỵ sớm, X-quang kỹ thuật số, hệ thống xét nghiệm sinh hóa, huyết học, điện giải, miễn dịch huỳnh quang, Elisa giun sán…

“Phòng khám tiếp nhận KCB trên 120 lượt bệnh nhân/ngày; đối với dịch vụ khám sức khỏe lái xe, xin việc, đi học trên 150 lượt/ngày và tiêm chủng vắc xin trên 20 lượt/ngày. Phòng khám làm việc cả ngày nghỉ, rất thuận tiện cho người bệnh”-bác sĩ Yên cho biết thêm.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, củng cố hệ thống y tế từ tỉnh đến huyện. Trong đó, từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025, Gia Lai được đầu tư 320 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa các trung tâm y tế, trạm y tế xã. Cụ thể, xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ với kinh phí 52 tỷ đồng. 2 dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 61 trạm y tế xã được xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí 148 tỷ đồng góp phần nâng cao chất lượng KCB cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.