Đầu tư chế biến để tăng giá trị sản phẩm chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chế biến các mặt hàng từ quả chanh dây nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong bối cảnh giá cả có nhiều biến động.

Năm 2020, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) đã chế biến sản phẩm tinh cốt chanh dây và trà detox chanh dây. Sau đó, HTX tiếp tục tận dụng nguồn nguyên liệu chanh dây, từ vỏ, dịch cho đến hạt để chế biến nhiều sản phẩm khác nhau.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX-cho biết: Quả chanh dây có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt, quả chanh tím được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Bên cạnh việc liên kết sản xuất chanh dây đảm bảo lựa chọn quả tươi theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu, tôi nhận thấy việc bán thô những quả chanh dây còn lại giá sẽ thấp, chưa kể nếu giá cả bấp bênh sẽ càng khó cho người nông dân bám trụ vườn cây.

Vì vậy, HTX đã sản xuất 15 sản phẩm trong chuỗi giá trị chanh dây gồm: chanh dây quả tươi, tinh cốt chanh dây, bột chanh dây, chanh dây sấy dẻo, trà detox chanh dây, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu hương chanh dây, tinh dầu hạt chanh dây, nến chanh dây, viên chanh dây sấy đông khô, viên chanh dây mix vị (gồm vị sữa, trà, dâu, phô mai, chocolate), hạt chanh dây sấy khô, salad chanh dây, sốt chanh dây…

Trong số này có các sản phẩm OCOP và sản phẩm sáng tạo chưa đăng ký OCOP. Tất cả các sản phẩm đã bán ra thị trường để thăm dò nhu cầu và đánh giá phản hồi của người tiêu dùng. Một số sản phẩm được dùng trực tiếp, còn lại là nguyên liệu trong chế biến bánh kẹo và các món ăn trong nhà hàng.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) liên kết với nông dân trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: V.T

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang) liên kết với nông dân trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: V.T

Theo bà Thơm, đây là hướng đi mới trong định hướng phát triển của HTX. Hiện HTX đã liên kết với người dân phát triển được khoảng 300 ha chanh dây. Năm 2024, HTX tiếp tục khai thác để nâng giá trị cho chanh dây, giúp thành viên và nông dân liên kết yên tâm sản xuất.

Trong bối cảnh giá chanh dây liên tục biến động thì việc đầu tư máy móc, kho đông lạnh để chế biến mặt hàng này cũng được HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) thực hiện. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã đã liên kết với hơn 200 hộ sản xuất gần 300 ha chanh dây. Tuy nhiên, mấy tháng trước, giá chanh dây xuống mức quá thấp nên nhiều hộ đã phá bỏ chanh dây để chuyển sang cây trồng khác. Do đó, diện tích liên kết hiện chỉ khoảng hơn 70 ha. Hiện nay, giá chanh dây đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, chanh dây sạch xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu có giá 45 ngàn đồng/kg, chanh múc 12,5 ngàn đồng/kg.

“Trong định hướng phát triển lâu dài, HTX sẽ đầu tư chế biến một số sản phẩm từ chanh dây như dịch chanh dây đông lạnh. Hợp tác xã cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị nhưng do giá cả liên tục dao động nên chưa triển khai. Theo ước tính, giá trị chế biến dịch chanh dây sẽ cao hơn khoảng 15% so với bán xô chanh múc. Việc chế biến sẽ chủ động bảo quản được trái chanh tươi khi đến vụ thu hoạch rộ”-ông Thanh nói.

Hiện nay, quả chanh dây tím đang được thị trường châu Âu ưa chuộng. Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Hương vị chanh tím ngày càng được thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ. Năm 2023, Công ty đã thu mua và chế biến khoảng 70 ngàn tấn chanh dây tươi để sản xuất ra các mặt hàng như nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây đông lạnh. Trong đó, riêng sản phẩm nước chanh dây cô đặc đông lạnh chiếm khoảng 80%. Các sản phẩm này được phân phối đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, khoảng 70% là xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.

Các sản phẩm chanh dây chế biến của tỉnh được thị trường rất ưu chuộng. Ảnh: V.T

Các sản phẩm chanh dây chế biến của tỉnh được thị trường rất ưu chuộng. Ảnh: V.T

Theo ông Thạnh, trong vòng đời của cây chanh dây sẽ cho nhiều loại quả có chất lượng rất khác nhau, trong đó, khoảng 40% có chất lượng cao nhất sẽ dành cho thị trường ăn quả tươi (châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, chợ nội địa, nhà hàng...). Giá chanh cung cấp cho thị trường ăn tươi có thể cao gấp 5-8 lần so với quả cung cấp cho các xưởng múc, nhà máy chế biến. Vì vậy, việc đồng hành giữa nhà máy và nhà nông để phát triển vùng nguyên liệu là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo sản lượng cho chế biến. Công ty đang hỗ trợ người dân, HTX về kỹ thuật trồng rải vụ, áp dụng quy trình thu mua minh bạch, không nợ tiền của dân.

Chanh dây được xác định là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xuất khẩu. Cuối năm 2023, tổng diện tích chanh dây của tỉnh khoảng 4.800 ha và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 20.000 ha. Toàn tỉnh đã xây dựng được 32 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích hơn 877 ha. Hiện tại, chanh dây xô (chanh múc) có giá khoảng 11-12,5 ngàn đồng/kg, trong khi chanh dây tươi đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc có giá 22 ngàn đồng/kg, xuất đi châu Âu có giá 45-48 ngàn đồng/kg. Giá chanh dây bắt đầu ổn định trở lại, nhích dần lên là tín hiệu tốt để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.

Ông Rah Lan Đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.N

Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ rừng

(GLO)- Mô hình thí điểm “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với việc trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” tại buôn Ama Giai (xã Đất Bằng) do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) triển khai bước đầu phát huy hiệu quả.