Dấu ấn từ kỳ thi Olympic truyền thống 30-4

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Được tổ chức từ năm 1995 bởi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh), kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 đã trở thành “đấu trường” tri thức dành cho học sinh khối 10, 11 ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Đến với sân chơi này, Gia Lai đã gặt hái nhiều thành tích ấn tượng, từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ 27 vừa diễn ra vào ngày 8-4 với sự tham gia của 2.575 học sinh đến từ 68 trường THPT chuyên và không chuyên thuộc 32 tỉnh, thành phố. Năm nay, Gia Lai có 3 đơn vị tham gia tranh tài; mang về tổng cộng 10 huy chương vàng, 25 huy chương bạc và 19 huy chương đồng. Trong đó, Trường THPT chuyên Hùng Vương đạt 48 huy chương (8 vàng, 21 bạc, 19 đồng); Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) có 4 huy chương (1 vàng, 3 bạc) và Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai đạt 2 huy chương (1 vàng, 1 bạc).

Trường THPT Chi Lăng đạt được 4 huy chương tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2023 (ảnh đơn vị cung cấp).

Trường THPT Chi Lăng đạt được 4 huy chương tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2023 (ảnh đơn vị cung cấp).

Bắt đầu đưa học sinh đến với kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 từ năm 1999, Trường THPT chuyên Hùng Vương là một trong những đơn vị kỳ cựu góp mặt tại sân chơi này. Hàng năm, nhà trường đều tiến hành khảo sát và chọn ra những học sinh lớp 10, 11 có năng khiếu ở các môn học để thành lập đội tuyển; đồng thời, giao cho tổ chuyên môn tập trung bồi dưỡng các em để chuẩn bị kỳ thi.

Theo Hiệu trưởng Lê Thị Thu, những năm gần đây, nhà trường thường chọn 54 học sinh tham gia ở 9/10 bộ môn của kỳ thi gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tin học (trừ Tiếng Pháp); mỗi môn có 6 học sinh (3 em lớp 10 và 3 em lớp 11). Tỷ lệ học sinh giành huy chương trung bình mỗi năm đều đạt khoảng 90%. Để đạt thành tích đó, bên cạnh định hướng đúng đắn của nhà trường còn nhờ vào sự tận tâm, nhiệt tình của đội ngũ giáo viên trong việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh cũng như sự quan tâm hỗ trợ của phụ huynh trong việc tạo điều kiện về mọi mặt để các em đi thi.

“Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 giống như một đợt tập dượt, giúp học sinh được cọ xát, thể hiện năng lực bản thân trước khi đến với các kỳ thi có quy mô lớn hơn. Qua đây, các trường cũng phát hiện những học sinh có năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn bị đội tuyển thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia ở năm học tiếp theo. Mặt khác, sân chơi này còn tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, kết nối, hỗ trợ nhau trong học tập; mở ra cơ hội cho giáo viên khối THPT ở các tỉnh thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên và phía Nam trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”-cô Thu nhìn nhận.

Trong niềm vui của những người chiến thắng tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ 27, em Phạm Uyên Nhi (lớp 10C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ: “Bước vào kỳ thi này, em không đặt mục tiêu quá cao mà chủ yếu muốn thử sức xem năng lực của bản thân đến đâu. Vậy nên khi làm bài thi, tâm lý của em cũng khá thoải mái, cố gắng hoàn thành trong khả năng của mình. Lúc biết mình đạt được huy chương vàng, cảm xúc trong em như vỡ òa. Đây là động lực để em tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với môn Ngữ văn”.

Em Phạm Uyên Nhi (lớp 10C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương) phấn khởi khi đạt được huy chương vàng môn Ngữ văn tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2023. Ảnh: Quang Trương

Em Phạm Uyên Nhi (lớp 10C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương) phấn khởi khi đạt được huy chương vàng môn Ngữ văn tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 năm 2023. Ảnh: Quang Trương

Là học sinh lớp chuyên Toán, song em Lê Vũ Hoàng Long (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) lại quyết định chinh phục “đấu trường” tri thức này ở bộ môn Vật lý. “Khoảng thời gian ôn luyện cho kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh rồi cấp quốc gia môn Vật lý đã giúp em tích lũy được lượng lớn kiến thức và kinh nghiệm để bước vào kỳ thi Olympic năm nay. Tuy nhiên, trước khi kỳ thi diễn ra, em vẫn tích cực luyện đề, nghiên cứu nhiều tài liệu để củng cố, bổ sung kiến thức. Đạt được mục tiêu đặt ra là giành huy chương vàng, em thấy vô cùng vui mừng và hạnh phúc”-Long phấn khởi nói.

Năm nay, lần đầu tiên học sinh Trường THPT Chi Lăng ghi danh tranh tài tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4. Em Phan Trịnh Nguyên (lớp 10A1) bày tỏ: “Kiến thức dành cho học sinh khối chuyên khá sâu rộng, nhiều phần nâng cao. Vì vậy, để đạt được huy chương bạc môn Toán tại kỳ thi, em đã phải nỗ lực rất nhiều. Em cảm thấy sân chơi này cũng rất công bằng, giúp chúng em kiểm tra trình độ của bản thân một cách sát thực nhất”.

Với thế mạnh về các môn Khoa học tự nhiên, Trường THPT Chi Lăng đã tuyển chọn 18 học sinh khối lớp 10 và 11 dự thi ở 4 môn: Toán, Tiếng Anh, Hóa học và Tin học. Thầy Đỗ Viết Huy-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Đơn vị mới thành lập, lại đào tạo theo chương trình không chuyên nên khi quyết định cho các em tham gia kỳ thi này cùng học sinh khối chuyên là một thử thách lớn. Rất mừng là một số em đã chứng minh được khả năng của mình, mang về cho trường 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc ở bộ môn Tiếng Anh; 1 huy chương bạc môn Toán và 1 huy chương bạc môn Tin học”.

Cũng theo thầy Huy, việc xây dựng đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 giúp nhà trường định hướng tốt hơn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn đội tuyển cho những năm kế cận. Những năm tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục đưa học sinh đến với “sân chơi” chuyên nghiệp này và phấn đấu gia tăng thành tích huy chương cả về số lượng lẫn chất lượng; qua đó, từng bước xây dựng và củng cố “thương hiệu” Trường THPT Chi Lăng trong hệ thống giáo dục nước nhà.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.