Dặm dài năm tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi ngang qua trường cũ trong một ngày vòm trời xám đục trong bàng bạc hơi sương. Cảnh vật đã không còn như xưa nữa. Chỉ có cây bàng nơi góc sân trường run run giơ những chiếc lá ối đỏ phơ phất vẫy trong gió lạnh.

Ngày tôi cầm quyết định về ngôi trường nằm giữa bốn bề là núi ấy cũng là một ngày mây xám bạc và gió bắt đầu hun hút bước vào mùa khô. Khi tôi đến nơi thì trời đã xâm xẩm tối. Bác bảo vệ chỉ cho tôi chỗ ở. Đó là một gian phòng thưng bằng ván gỗ, được ngăn ra từ một phần của lớp học.

dam-dai-nam-thang-dd.jpg
Minh họa: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nhìn bao quát toàn bộ không gian, cả 4 phòng học đều được thưng bằng ván gỗ. Các phòng học nằm lọt thỏm giữa khoảng sân đất rất rộng, chỉ có khu hiệu bộ là nhà xây, nhưng cũ kỹ, các bức tường nhuốm màu bazan đỏ quạch. Vài bồn cây được quây tròn bằng những viên gạch, quanh bồn được trồng vài loài hoa thân thuộc. Cảnh vật vắng vẻ, mang nét đặc trưng của đời sống có phần bình lặng ở chốn non cao.

Tôi bắt đầu những bài giảng đầu tiên của cuộc đời nhà giáo ở một nơi, theo cảm nhận của tôi lúc ấy, có vẻ như tách biệt hẳn cuộc sống sôi động nơi phố thị. Ngôi trường đầu tiên tôi đến dạy, 100% học sinh là người Jrai, có những em nói tiếng phổ thông còn chưa lưu loát.

Tôi thích nhìn thật sâu vào những đôi mắt trẻ thơ ấy. Những đôi mắt trẻ con giữa chốn núi rừng ấy thăm thẳm, hun hút, đầy bí ẩn dưới làn mi đen dày. Tôi có thể ngồi hàng giờ để nhìn ngắm những đôi mắt như thế. Chúng đã cuốn tôi vào những bài giảng giữa bốn bề núi đồi tịch mịch.

Đầu mùa khô, gió quẩn lên mang theo hơi lạnh. Những đêm vắng trong căn phòng nhỏ một mình, gió lùa qua khe hở giữa những tấm ván buốt lạnh, nỗi nhớ nhà dâng ngập. May mắn thay, những đứa trẻ thật thân thiện. Biết cô giáo nhớ nhà, buổi tối, chúng rủ nhau ra chơi với cô. Các em mang theo cả sách vở để nhờ cô chỉ cách làm bài tập. Những đứa trẻ đi học muộn hơn so với tuổi nên giữa cô và trò gần như không có khoảng cách.

Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm gắn bó với bục giảng, lòng tôi vẫn tràn đầy sự biết ơn những năm tháng đầu đời nhà giáo ấy. Từ một đứa trẻ lớn lên nơi phố thị, lo học hành rồi đi làm, tôi gần như thiếu những trải nghiệm thực tế cuộc sống. Tây Nguyên với tôi, cứ vời vợi trong trí tưởng tượng, xa ngái, mơ hồ. Cho tới khi tôi đến với ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình bên chân núi ấy, tôi mới thực sự dấn thân vào một đời sống ngồn ngộn hơi thở của xứ bazan.

Những buổi chiều không có giờ lên lớp, đám trẻ rủ tôi lên núi thả bò, hái nấm mối, lấy măng, lấy củi; lên nương rẫy hoặc lội suối bắt cua cá... Lúc đó, tôi mới cảm nhận được một đời sống gắn với núi, với rừng, một đời sống thực sự an nhiên tự tại giữa thiên nhiên.

Con người sống nương nhờ vào rừng, vào đất đai sông suối và gìn giữ cái nơi nương nhờ ấy rất cẩn thận. Đào lấy một gốc măng, đám trẻ sẽ lấp đầy đất vào cái lỗ hổng vừa lấy đi cây măng ấy, để cây mẹ tiếp tục sinh trưởng. Lấy đi đám nấm mối, chúng sẽ đem lá mục vun đầy vào chỗ cũ để mùa sau nấm có thể sinh sôi. Người làng vào rừng chỉ lấy những cành khô rất nhỏ để mang về… Những bài học về cách sống hòa mình, thuận với tự nhiên, khi ấy mới thực sự thấm vào tôi. Sau này theo tôi vào những bài giảng.

Những năm tháng ấy, tôi cũng đã được tham dự khá nhiều lễ hội của làng. Tôi được cùng các trò nữ tắm ở giọt nước mát lạnh ven làng; được khoác lên mình bộ váy thổ cẩm do các mẹ các chị tự tay dệt may; được hòa vào vòng xoang mê đắm cùng hơi men rượu cần ủ ngấu, lâng lâng bay bổng trong những đêm hội vang rộn nhịp chiêng.

Tôi gần như không còn cảm giác mình là kẻ “ngụ cư” trong đời sống ấy, mà đã trở thành một đứa con thực thụ của làng. Từ một người tò mò, háo hức, lạ lẫm, đến từ một nơi xa lạ, tôi dần hòa nhập và cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị nhưng thật sự an vui.

Tôi không muốn nhắc đến sự chia tay những tháng ngày ấy đã diễn ra như thế nào. Nhưng giờ đây, những buổi chiều, tôi hay ngước nhìn về phía đỉnh núi mờ xa. Những đứa trẻ của tôi bây giờ đã trưởng thành, có những đứa cũng đã rời xa ngôi làng nằm khuất sâu trong núi. Có những đứa được đi học, rồi trở về công tác tại nơi mình đã sinh ra. Cuộc đời cứ thế tiếp nối như một vòng tròn luân chuyển.

Trên những dặm dài tháng năm, tôi mải mê với những công việc đã định hình và những phác thảo trong tương lai. Nhưng ngoái nhìn lại ngày hôm qua, tôi đã có thể mỉm cười. Ngày hôm qua, tôi đã sống với tất cả chất men của tuổi trẻ, đắm say, rực rỡ.

Tôi ngồi xuống ghế đá dưới gốc bàng nơi sân trường vắng. Trên chiếc ghế đá có dòng chữ ghi thông tin lưu niệm. Người ta có rất nhiều cách để ghi lại những điều đáng nhớ trong cuộc đời này. Tôi chọn cách lặng lẽ ghi thật sâu đậm vào trong tim mình.

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn quê giữa phố

(GLO)- Chẳng biết chủ vườn là ai nhưng tự nhiên lại thấy mến khi họ đã mang chút hương đồng gió nội vào chốn phố xá chật chội. Vườn có rau cải ngồng, diếp cá, rau lang, chuối xanh... Bao nhiêu món rau quê cứ thế bày biện.

Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Khúc ca trên đồi

(GLO)- Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Ký ức rạ rơm

Ký ức rạ rơm

Tôi đã sống trọn một ngày ở ngôi làng xa lạ ấy. Đó là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng hết sức vui vẻ với một người đã mệt nhoài, rã rượi với công việc, đã ho khan với khói bụi thành phố.

“Gió mùa đông bắc se lòng”

“Gió mùa đông bắc se lòng”

(GLO)- Những ngày này, trời trở lạnh. Những cơn gió đượm sắc đông thấm sâu vào từng góc phố, hàng cây, ngôi nhà... Người ta thường nói rằng, khi đông về, trong lòng mỗi người dường như thường dâng lên một nỗi buồn man mác.

Áo bà ba

Áo bà ba

(GLO)- Đang mua hàng thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có người phía sau nhìn mình. Tôi quay đầu lại và bất giác mỉm cười chào chị.

Chênh chao mùa về

Chênh chao mùa về

(GLO)- Những ngày này, mưa dường như đã ngừng rơi. Khoảng mênh mông bao la chờn vờn mây trắng bỗng trở thành phông nền cho bức tranh thiên nhiên vời vợi nắng. Gió cũng đã thao thiết trở mùa.

Chiếc áo ấm cũ

Chiếc áo ấm cũ

Mấy ngày nay trời trở lạnh. Mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá.

Về trong tiếng gió

Về trong tiếng gió

(GLO)- Nhiều khi, tôi thấy gió thổi trống không phía sau lưng mình. Thời gian vừa thoáng như chồi biếc đã thấy lá vàng, chẳng để lại gì nhiều nhưng đủ gợi những vời vợi nhớ thương trong cuộc đời.

Vệt phố

Vệt phố

(GLO)- Nương náu phố núi hơn 40 năm ròng nhưng hình như tôi chưa kịp hiểu hết những ngõ ngách thẳm sâu trong lòng phố.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thương những tàn phai

(GLO)- Giao mùa, khi làn gió mang hơi lạnh ào qua, những chiếc lá khô bứt khỏi cành rơi lả tả. Một chiếc lá rơi, một cánh hoa tàn, một buổi chiều nhạt nắng tạo nên khung cảnh tịch liêu với vẻ đẹp rất riêng. Có người bảo đó là cái đẹp của sự tàn phai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đồ cũ

(GLO)- Có lẽ thuộc tuýp người hoài cổ nên tôi thường tiếc nuối những điều thuộc về xưa cũ. Đôi khi, không hẳn là những khắc khoải mơ hồ mà ám ảnh tôi bằng cả một vùng ký ức ắp đầy nhớ thương day dứt. Một ngày bất giác chạm vào, lòng lại chênh chao nhớ người, nhớ về một thời gian khó ngày xưa.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bữa cơm ngoài đồng

(GLO)- Tôi sinh ra từ làng, lớn lên cùng cánh đồng mỗi năm 2 vụ chính. Thuở ấu thơ, tôi và cánh đồng cùng đi qua những mùa mưa nắng, cùng đằm vị mồ hôi chát mặn của cha mẹ và niềm vui lan tỏa của những bữa cơm ngoài đồng.

“Có nỗi nhớ không mang tên”

“Có nỗi nhớ không mang tên”

(GLO)- Chiếc xe khách lướt êm trên quốc lộ 14 uốn lượn theo những hàng thông. Mặt trời đã ở phía sau lưng, hoàng hôn lộng lẫy dát vàng lên những tàng cây cao vút. Khi bước chân tôi chạm vào vùng đất đỏ bazan thì sương mù cũng vừa bảng lảng.