Đảm bảo cung ứng đủ thuốc Protamine trong phẫu thuật tim, lồng ngực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông cho biết: Cục đã nhận được các văn bản của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về việc cung ứng thuốc Protamine.
 

 

Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu thuốc Protamine (là thuốc chống đông máu dùng trong qui trình phẫu thuật tim, lồng ngực) theo đề nghị của các cơ sở nhập khẩu. Hiện nay, một số lô hàng thuốc Protamine đã được nhập khẩu về Việt Nam.

Cụ thể là: Ngày 17/4/2018, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 đã nhập khẩu 5.000 lọ (đã được cung ứng hết cho các cơ sở khám chữa bệnh). Ngày 10/5/2018, Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm ECO (thành phố Hà Nội) đã nhập khẩu 2.320 lọ (hiện hàng đã về kho của cở sở nhập khẩu và sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh). Ngày 10/5/2018, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhập khẩu 2.680 lọ (hiện hàng đã về kho của cở sở nhập khẩu và sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).

Theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, số lượng thuốc Protamine nhập khẩu về Việt Nam tuân thủ đúng số lượng dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, Protamine nhập khẩu vào Việt Nam thời gian tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với dự trù hiện tại. Nguyên nhân là do Protamine là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong qui trình phẫu thuật tim, lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường sản xuất khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác. Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù của các cơ sở khám, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thì mới đặt hàng nước ngoài. Do đó, có thể xảy ra thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của Việt Nam đặt hàng nhưng các nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng; đặc biệt, nếu chờ để sản xuất thêm thì cũng mất khoảng vài tháng.

Để đảm bảo kịp thời, cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị các sở y tế khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thuốc Protamine chủ động liên hệ với các đơn vị nhập khẩu thuốc Protamine để đặt hàng. Mỗi cơ sở khám, chữa bệnh chủ động tiến hành dự trữ thuốc; trong đó ngoài số lượng sử dụng theo nhu cầu cần phải có lượng dự trữ ngoài nhu cầu thường xuyên để đề phòng khi có đột biến hoặc gặp trục trặc trong cung ứng thuốc. Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chủ động lập kế hoạch dự trù mua sắm thuốc kịp thời với các cơ sở nhập khẩu thuốc.

Các cơ sở nhập khẩu thuốc Protamine trước mắt ưu tiên cung ứng thuốc cho các đơn vị có công văn đề nghị và các đơn vị có báo cáo thiếu thuốc Protamine khác (nếu có). Đồng thời, cơ sở nhập khẩu có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ dự trù của các cơ sở khám chữa bệnh để lập kế hoạch, ký hợp đồng sớm với cơ sở sản xuất, cơ sở cung ứng thuốc nước ngoài nhằm đảm bảo các cơ sở này chủ động sản xuất, cung ứng thuốc kịp thời cho thị trường Việt Nam, tránh thiếu hụt do ký hợp đồng muộn…

Thu Phương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.