Đak Pơ: Người trồng mía thất thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá thu mua mía nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê niên vụ 2019-2020 tăng nhẹ so với vụ trước. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài khiến cây mía giảm năng suất nên nông dân huyện Đak Pơ, Gia Lai vẫn không có lãi, thậm chí lỗ vốn.
Gia đình bà Bùi Thị Ấn (tổ 1, thị trấn Đak Pơ) có 20 ha mía. Những năm trước, với diện tích này, gia đình bà thu được hơn 1.800 tấn mía/vụ. Nhưng năm nay, do nắng hạn, mía kém phát triển, gia đình bà ước chỉ thu được khoảng gần 800 tấn mía. Bà Ấn buồn bã cho biết: “Đến giờ, tôi cũng mới chỉ thu hoạch được hơn 5 ha. Cây mía ngắn ngủn, chỉ bằng khoảng một nửa so với năm ngoái. Từ trước Tết đến giờ, trời nắng nên mía cũng khô hết rồi. Riêng giá mía vụ này nhích hơn một chút so với vụ trước, đạt 800 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường. Tuy nhiên, do mía giảm năng suất nên trừ hết tiền phân, giống, công thu hoạch, vận chuyển thì vẫn lỗ”.
 Người dân Đak Pơ thu hoạch mía. Ảnh: N.H
Người dân Đak Pơ thu hoạch mía. Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ: “Trước tình hình khó khăn của cây mía như hiện nay, chúng tôi đang tích cực định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng tham gia xây dựng các chuỗi liên kết giá trị để ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên làm việc với Nhà máy Đường An Khê để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía cho nông dân”.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Trọng (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) cho hay, mức giá 800 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường là giá thu mua tại nhà máy, có hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển. Nhưng trên thực tế, do phải thông qua các đại lý, thương lái nên giá mía người nông dân bán chỉ còn ở mức 500-550 ngàn đồng/tấn. “Năm nay, gia đình tôi có 1 ha mía, năng suất đạt 45 tấn. Sau khi trừ các khoản như công chặt, bốc, vận chuyển, gia đình tôi thu được 22 triệu đồng, nếu đem trừ tiền cày, giống, phân bón, thuốc cỏ thì coi như hết sạch. Ở đây nhà nào cũng vậy do năm nay mía mất mùa. Mía chặt xong rồi, nắng hạn thế này cũng không thể bỏ phân nên khó tái sinh gốc”-ông Trọng nói.
Niên vụ 2019-2020, diện tích mía của huyện Đak Pơ đã giảm từ trên 8.000 ha xuống còn hơn 6.500 ha do nông dân bỏ mía chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện tại, nhiều rẫy mía của địa phương đã khô vàng và trổ cờ trắng xóa. Tính đến giữa tháng 2, nông dân mới thu hoạch được 1.795 ha mía, tức chỉ khoảng 26,7% diện tích. Anh Nguyễn Quốc Thắng (thôn 5, xã An Thành) lo lắng: “Với tình hình này, nhiều khả năng vụ thu hoạch mía phải đến hết tháng 4 mới xong. Việc chậm thu hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ sau vì mía trồng mới thì đã muộn thời vụ, còn mía cũ thì khó tái sinh gốc”.
Ông Trần Minh Đức-Chủ tịch UBND xã An Thành-cho biết: “Cây mía hết mất giá lại mất mùa liên tục khiến địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đơn cử như cánh đồng mía lớn tại làng Bút vừa vận động xây dựng được thì gặp cảnh thất thu nên bà con đã bỏ mía để chuyển sang trồng hoa màu. Chúng tôi chỉ còn cách định hướng cho bà con chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”.
NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.