Đak Pơ có gần 59% học sinh DTTS tiếp tục đến trường sau tốt nghiệp THCS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sáng 20-4, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND huyện Đak Pơ về việc thực hiện công tác huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đối với bậc THCS năm học 2022-2023 và tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục đi học sau khi tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 đến ngày 30-3-2023 trên địa bàn.

Bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ và một số phòng, ban liên quan; lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện; Hiệu trưởng các trường: Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành), Tiểu học và THCS Lương Thế Vinh (xã Ya Hội), THCS Trần Quốc Tuấn (thị trấn Đak Pơ).

Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: Mộc Trà

Năm học 2022-2023, huyện Đak Pơ có 10 trường học có bậc THCS với 2.578 học sinh. Tính đến cuối tháng 3-2023, tỷ lệ huy động học sinh bậc THCS trong độ tuổi ra lớp trên địa bàn huyện đạt trên 98%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh trên 99%; tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học gần 1%.

Hầu hết các trường học cũng thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phù hợp với năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh DTTS tiếp tục học lên THPT và học nghề chưa cao, chỉ chiếm gần 59%.

Tại buổi giám sát, đại diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện cùng 3 trường học đã báo cáo tình hình huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số học sinh và phân luồng giáo dục sau THCS. Bên cạnh kết quả đạt được, các đơn vị cũng nêu lên một số khó khăn đang gặp phải như: nhận thức của học sinh DTTS về vấn đề học tập còn nhiều hạn chế, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình; công tác xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ cho học sinh còn hạn chế; tỷ lệ học sinh tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THCS chưa cao do đời sống người dân còn khó khăn và ảnh hưởng tâm lý học xong ra trường không có việc làm…

Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ phát biểu làm rõ các nội dung liên quan tại buổi giám sát. Ảnh: Mộc Trà
Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ phát biểu làm rõ các nội dung liên quan tại buổi giám sát. Ảnh: Mộc Trà

Các thành viên trong đoàn giám sát cũng đã trao đổi, làm rõ thêm về nguyên nhân và giải pháp mà các đơn vị, địa phương đang áp dụng để nâng cao tỷ lệ huy động học sinh THCS trong độ tuổi ra lớp, nhất là đối với học sinh DTTS.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Võ Thị Bảo Ngân cho rằng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Đak Pơ đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả khả quan trong công tác huy động học sinh THCS ra lớp cũng như duy trì sĩ số học sinh. Tuy nhiên, huyện cần chỉ đạo rà soát chính xác về số học sinh (trong đó có học sinh DTTS) bỏ học và có nguy cơ bỏ học, từ đó kịp thời đề ra giải pháp giữ chân các em đến trường. Huyện cũng cần chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch huy động học sinh THCS trong độ tuổi ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS ở năm học tiếp theo gắn với các chỉ tiêu mà tỉnh đã đề ra.

Đối với các kiến nghị liên quan, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện cần cụ thể hóa bằng văn bản để Đoàn giám sát có cơ sở tổng hợp, đưa vào báo cáo giám sát.

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.