Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Gia Lai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.

* P.V: Bà có thể cho biết khái quát về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- Bà LÊ THỊ NGỌC LAM: Thực hiện Luật PBGDPL và các chương trình, đề án về PBGDPL, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2125/KH-UBND ngày 24-12-2021 triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022; tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch hoạt động năm 2022. Ngoài ra, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp-Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện với nội dung và hình thức phù hợp, bám sát điều kiện thực tế địa phương.

 Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện Ia Grai (ảnh Sở Tư pháp cung cấp).
Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại huyện Ia Grai (ảnh Sở Tư pháp cung cấp).


Chính vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành. Trong đó, chú trọng triển khai các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp; khiếu nại, tố cáo; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng-chống tham nhũng, lãng phí; phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo vệ môi trường; phòng-chống dịch bệnh; an toàn giao thông; các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; các vấn đề khác mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội và những nội dung khác theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

Trong năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 13 hội nghị phổ biến văn bản pháp luật mới cho 1.216 người làm công tác PBGDPL ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở đã biên soạn, cấp phát 63.300 bản tài liệu tuyên truyền các loại về cơ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đây là nguồn tư liệu quan trọng cung cấp kiến thức pháp luật giúp người dân tiếp cận với pháp luật, đồng thời có thể sử dụng để phục vụ hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại cơ sở.

* P.V: Trong thời buổi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tỉnh có những đổi mới gì để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, thưa bà?

- Bà LÊ THỊ NGỌC LAM: Thời gian qua, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL để pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống một cách nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của người dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền, phổ biến thông qua cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; thông qua hệ thống Zalo, Fanpage; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến… đã thu hút đông đảo lượt người truy cập.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân bằng nhiều hình thức đa dạng như: biên soạn và cấp miễn phí tài liệu pháp luật các loại; tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL. Cùng với đó, công tác PBGDPL còn được triển khai thông qua công tác thanh tra, kiểm tra; hoạt động xét xử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; hòa giải; tiếp công dân; thông qua hệ thống loa truyền thanh, xe loa lưu động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật… Tùy theo đặc thù, điều kiện thực tế, từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã có hình thức triển khai phù hợp.

* P.V: Các hoạt động PBGDPL đã tác động như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh, thưa bà?

- Bà LÊ THỊ NGỌC LAM: Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả, trước hết đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo, sự quan tâm của các ngành và chính quyền địa phương. Những năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL với nội dung, phương pháp khác nhau, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật; tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

 

 LÊ ANH (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm