Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị Viện KSND cáo buộc là quyết định và chỉ đạo cấp dưới bỏ qua các quy trình pháp luật để doanh nghiệp lắp đặt robot khống giá gấp 5 lần, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng cho hơn 600 bệnh nhân.

Ngày 20.1, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai.

Cựu giám đốc bệnh Viện Bạch Mai có vai trò cao nhất

Trong số 8 bị cáo, có 4 bị cáo là cựu cán bộ lãnh đạo BV Bạch Mai, gồm: Nguyễn Quốc Anh (63 tuổi, cựu Giám đốc); Nguyễn Ngọc Hiền (62 tuổi, cựu Phó giám đốc); Trịnh Thị Thuận (48 tuổi, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán); Lý Thị Ngọc Thủy (54 tuổi, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán). 4 bị cáo khác là Phạm Đức Tuấn (43 tuổi, cổ đông sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty công nghệ y tế BMS); Ngô Thị Thu Huyền (39 tuổi, cựu Phó giám đốc Công ty BMS); Trần Lê Hoàng (39 tuổi, cựu thẩm định viên Công ty CP thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS); và Phan Minh Dung (49 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty VFS), bị truy tố về cùng tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, điều 356, bộ luật Hình sự.


 

 Bị cáo Nguyễn Quốc Anh tại phiên tòa. Ảnh: Trần Cường
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh tại phiên tòa. Ảnh: Trần Cường


Viện KSND (VKS) TP.Hà Nội đánh giá vụ án có tính chất nghiêm trọng, lượng người bị hại lớn. Bị cáo Nguyễn Quốc Anh là người giữ vai trò cao nhất. Bị cáo Phạm Đức Tuấn tích cực giúp sức, và các bị cáo còn lại là đồng phạm. VKS đề nghị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh mức án 5 - 6 năm tù giam; Nguyễn Ngọc Hiền mức án 4 - 5 năm tù giam; Trịnh Thị Thuận mức án 30 - 36 tháng tù treo; Lý Thị Ngọc Thủy mức án 24 - 30 tháng tù treo; Phạm Đức Tuấn 30 - 36 tháng tù treo; Trần Lê Hoàng 30 - 36 tháng tù giam; Ngô Thị Thu Huyền 24 - 30 tháng tù treo; Phan Minh Dung mức án 24 - 30 tháng tù giam.

Trong phần xét hỏi trước đó, đa số các bị cáo thừa nhận hành vi nhưng thanh minh là do thiếu hiểu biết quy trình, quy định, không vì động cơ vụ lợi. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền không có ý kiến gì về cáo trạng, thừa nhận thiếu thận trọng, sơ suất khi không đọc lại các quy định thẩm định giá, tin tưởng vào kết quả của đơn vị thẩm định. Đồng thời, bị cáo tin tưởng vào chủ trương của cấp trên là vì lợi ích chung. Bị cáo Hiền cũng bày tỏ không biết Công ty BMS cũng như đơn vị thẩm định VFS. Đáng chú ý, bị cáo Hiền cũng không nhớ bị cáo Tuấn đã biếu mình bao nhiêu lợi ích trong 3 năm.

Trong khi đó, giải thích về giá máy robot Rosa cao gấp hơn 5 lần giá trị nhập về, bị cáo Phạm Đức Tuấn cho rằng giá chào bán này dựa trên giá của nhà sản xuất nước ngoài cung cấp. Theo bị cáo Tuấn, bên sản xuất đưa giá là khoảng 500.000 euro, năm 2016, tương đương 17 tỉ đồng, nhưng quá trình làm việc, nhà sản xuất “rất nhiều lần thay đổi giá”, do có chi phí đào tạo 9 tuần. “Mỗi tuần chi phí mất 1,5 - 2 tỉ đồng, tổng 9 tuần lên tới 19 tỉ đồng, cộng chi phí rủi ro, từ đó hai bên thống nhất giá đưa ra thị trường là 39 tỉ đồng”, bị cáo Tuấn khai.

Nguyễn Quốc Anh thừa nhận có lợi ích riêng

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh khai không quen biết Phạm Đức Tuấn. Khoảng tháng 5.2016, qua giới thiệu nên bị cáo gặp Tuấn bàn bạc việc mua máy. Khi gặp, Tuấn giới thiệu Công ty BMS là đơn vị phân phối hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối. Tuấn mời BV Bạch Mai mua 2 máy trên với giá lần lượt 39 tỉ đồng và 44 tỉ đồng. Nhưng BV không đồng ý do kinh phí lớn. Tuy nhiên, các y bác sĩ trong khoa mong muốn có thiết bị mới vì bệnh nhân chỉ phải chi 100 triệu đồng, giá điều trị rẻ hơn nước ngoài hàng chục lần, như so với điều trị ở Singapore là 1,8 tỉ đồng.

Sau đó, hai bên thống nhất thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết với giá máy nêu trên rồi thông báo chủ trương mua 2 máy ở các buổi giao ban toàn BV và cho triển khai thủ tục. Đồng thời, cũng cử cán bộ sang tận nơi sản xuất máy ở Pháp để xác minh được giá là xấp xỉ 2 triệu USD.

Trước đó, năm 2015, Hội đồng chuyên khoa Bộ Y tế đã thông qua danh mục trang thiết bị sẽ mua cho BV Bạch Mai, BV Việt Đức 2 máy kể trên. Do bị chậm tiến độ, đến 2018 Bộ trưởng Bộ Y tế mới ban hành chính thức danh mục trang thiết bị với 2 BV, cũng có giá kể trên, chứ không phải BV Bạch Mai thống nhất là 39 tỉ đồng và 44 tỉ đồng.

Cựu Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế về trang thiết bị liên doanh, liên kết, nếu có nơi khác đấu thầu thì căn cứ vào giá đấu trong vòng 6 tháng. Nhưng đây là thiết bị đầu tiên vào VN nên không có giá căn cứ. Do vậy, căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của các cơ quan có thẩm quyền. Quá trình triển khai đã thông qua cuộc họp cao nhất là Hội đồng khoa học quản lý gồm Ban giám đốc, Ban quản lý công đoàn… và đã nói rõ Công ty BMS được chọn là đối tác vì độc quyền. Tại cuộc họp, Hội đồng khoa học cũng đã thông qua nên BV Bạch Mai thực hiện các thủ tục giao cho Khoa Thần kinh sọ não để xây dựng đề án phù hợp, đúng quy định.

“Quy định trong Thông tư 15 của Bộ Y tế rất chung chung nhưng Hội đồng khoa học có đầy đủ thành phần Ban giám đốc, Ban quản lý công đoàn… và các nhà khoa học hàng đầu xem xét kỹ nên vẫn quyết mua máy. Tôi chỉ nắm chung chung nội quy BV, còn phần hậu cần thì phân công anh Hiền làm nên không nắm rõ thủ tục. Xét về trách nhiệm người đứng đầu, tôi có sai phạm. Bản thân tôi được hưởng lợi riêng, như các dịp ngày 27.2, lễ tết, anh Tuấn (bị cáo Tuấn) đến chúc mừng Ban giám đốc, khoa phòng, trong đó có cho tôi số tiền 10 - 20 triệu đồng. Nhưng BV Bạch Mai cũng đi chúc các nơi khác, tôi không nghĩ rằng đây là việc tiêu cực. Dù vậy, tổng cộng trong 3 năm, số tiền từ các khoản chúc mừng này là khoảng 100 triệu và 10.000 USD, tôi nghĩ đấy là tiền không chính đáng nên khắc phục”, bị cáo Nguyễn Quốc Anh nói.

Ngày 21.1, TAND TP.Hà Nội sẽ tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm. Dự kiến tòa sẽ nghị án và tuyên luôn trong ngày.

Theo Trần Cường-Đan Hạ (TNO)

Có thể bạn quan tâm