Cựu chiến binh Krông Pa sôi nổi phong trào hiến đất làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn. Đây là những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương. 
Nằm cách trung tâm huyện Krông Pa 16 km, xã Chư Rcăm hiện có 1.424 hộ với 6.620 khẩu, trong đó 67% là người Jrai. Khó khăn lớn trong xây dựng NTM trên địa bàn xã là các tuyến đường nội thôn, xóm chỉ rộng 2-3 m, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Do đó, khi xã phát động phong trào hiến đất để mở rộng đường, Hội CCB xã kêu gọi hội viên gương mẫu đi đầu để tạo sức lan tỏa đến các hộ dân khác.
  Người dân xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) chung tay làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.L
Người dân xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) chung tay làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: H.L
Hội CCB xã Chư Rcăm chọn thôn Quỳnh Phụ 3 làm điểm để làm đường giao thông vì thôn hiện còn nhiều đoạn nhỏ hẹp. Theo ông Nguyễn Ngọc Chuẩn-Chủ tịch Hội CCB xã Chư Rcăm, ban đầu, Hội CCB xã phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư chi bộ cùng cán bộ Mặt trận, đoàn thể tổ chức họp tất cả hội viên trong thôn để tuyên truyền, giải thích về lợi ích của việc phóng tuyến mở rộng đường. Từ đó, kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của hội viên. Vừa nghe vận động, 7 hội viên chi hội CCB thôn Quỳnh Phụ 3 xung phong hiến đất, tự nguyện lùi hàng rào, cổng ngõ để mở rộng đường 2-3 m thành đường 5 m. Nổi bật như hộ ông Phạm Ngọc Thanh hiến 800 m2 đất, 6 hộ khác mỗi hộ đều hiến từ 150 m2 trở lên. Thấy gia đình hội viên CCB nhiệt tình ủng hộ, 27 hộ dân khác trên địa bàn thôn Quỳnh Phụ 3 cũng tự nguyện hiến đất làm đường. Tổng cộng, nhân dân thôn Quỳnh Phụ 3 đã hiến trên 6.000 m2 đất để mở rộng đường mà không yêu cầu đền bù, hỗ trợ. Đáng mừng hơn, sau thành công từ mô hình vận động hội viên và nhân dân thôn Quỳnh Phụ 3 hiến đất làm đường thì 7 thôn, buôn còn lại cũng bắt tay làm theo. Đặc biệt, tại thôn Cầu Đôi, người dân đã hiến đất mở rộng tuyến đường với chiều dài 1,5 km. Có thể nói, nhờ phát huy đúng lúc tinh thần tự nguyện, gương mẫu, đi đầu của hội viên Hội CCB, bài toán mở rộng hạ tầng giao thông tại xã Chư Rcăm đã được giải quyết một cách nhanh gọn, hiệu quả.
Nổi bật trong phong trào hội viên Hội CCB tham gia hiến đất làm đường thời gian qua còn phải kể đến Hội CCB huyện Chư Pưh. Trong hơn 4 năm (2014-2018), Hội CCB huyện đã triển khai nhiều hoạt động cùng với các cấp, ngành địa phương chung tay cải thiện hạ tầng giao thông. Theo ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn huyện đã vận động nhân dân giải tỏa được 10.936 m2 đất (không yêu cầu hỗ trợ đền bù) để làm đường giao thông nông thôn với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng; trong đó, hội viên Hội CCB hiến 1.070 m2 đất mặt tiền đường liên thôn với giá trị tương đương 1,04 tỷ đồng. Hội viên Hội CCB còn giải tỏa gần 1.000 trụ hồ tiêu, 3 cổng ngõ, 1 căn nhà gỗ với tổng trị giá tài sản trên 600 triệu đồng. Hội CCB các cấp trên địa bàn huyện cũng đóng góp 225 triệu đồng và 504 ngày công để làm đường giao thông. Hiện nay, Hội CCB toàn huyện đang nhận quản lý 29 con đường liên thôn xanh-sạch-đẹp và đảm bảo an toàn giao thông…
Theo thống kê của Hội CCB tỉnh, trong hơn 4 năm (2014-2018), hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã vận động hội viên di dời vườn cây, mở rộng hành lang, hiến đất, giải phóng mặt bằng không nhận đền bù 70.370 m2 đất. Ngoài ra, hội viên còn tham gia góp trên 8 tỷ đồng và 15.860 ngày công làm đường bê tông, đường cấp phối và nạo vét kênh mương thủy lợi. Tiêu biểu trong phong trào này là Hội CCB các huyện: Krông Pa, Chư Prông, Mang Yang, Chư Pưh, Ia Grai… Với những việc làm ý nghĩa này, các cấp Hội CCB đã đóng góp không nhỏ cùng với hệ thống chính trị các địa phương chung tay xây dựng NTM cũng như góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa bàn. “Trong thời chiến cũng như trong thời bình, hội viên Hội CCB luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Đây là việc làm tốt cần được biểu dương và nhân rộng trong tất cả các cấp Hội CCB cũng như trong nhân dân vì mục tiêu chung tay xây dựng NTM, bảo đảm an toàn giao thông, vì quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”-ông Trần Ngọc Chất-Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh-nhấn mạnh.
Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.