Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Lan tỏa sâu rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 31-10, tại TP. Pleiku, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019-2023 và hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp; đại diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện cuộc vận động.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hàng Việt

Giai đoạn 2019-2023, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều nội dung, hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, gắn việc triển khai thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động khác ở cơ sở, địa bàn dân cư. Từ đó huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019-2023. Ảnh: Phương Dung

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019-2023. Ảnh: Phương Dung

Tham luận tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hoàng Bình cho hay: Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã định hướng cho các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh và ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước nói chung và địa phương nói riêng; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng...

Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, bản tin, tài liệu, bảng điện tử, áp phích, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện cuộc vận động.

Các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” để quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Giai đoạn 2019-2023, hơn 30 doanh nghiệp đã đưa hàng Việt về nông thôn với những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân các xã vùng sâu, vùng xa và công nhân các khu công nghiệp.

Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-thông tin: Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku đạt hơn 90%. Trong đó, ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh hơn 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 95% và không kinh doanh thực phẩm tươi sống, trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, không kinh doanh các mặt hàng nhiều nguy cơ như thịt gà thải loại Hàn Quốc. Ngoài ra, Siêu thị Co.op Mart Pleiku còn tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” với trung bình hơn 10 chuyến bán hàng lưu động mỗi năm. Đây đều là những mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước với mức giảm giá hấp dẫn 5-50% cùng nhiều quà tặng kèm theo.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đã định hướng cho nông dân, doanh nghiệp trong việc phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng miền, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động.

Đến nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố đều có sản phẩm OCOP; 93/220 xã, phường, thị trấn có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm đều được kết nối và có thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Đặc biệt, thời gian qua, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát về giá cả thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và chống các hành vi đầu cơ, trục lợi...

Tiếp tục chung tay vì người nghèo

Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ một số kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ ngày 17-10 đến 18-11-2023).

Theo thống kê, từ tháng 10-2022 đến hết tháng 9-2023, toàn tỉnh đã huy động trên 22 tỷ đồng, trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương chuyển về trên 2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động và các nguồn hỗ trợ khác, ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã triển khai xây dựng 175 ngôi nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 69 ngôi nhà; hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, khám-chữa bệnh, hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng.

Nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh được trưng bày và giới thiệu tại các điểm bán hàng Việt, hàng OCOP. Ảnh: Vũ Thảo

Nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh được trưng bày và giới thiệu tại các điểm bán hàng Việt, hàng OCOP. Ảnh: Vũ Thảo

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 5 tập thể, 1 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 9 tập thể, 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2019-2023. Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao 300 triệu đồng do Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh cho Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 huyện: Ia Pa, Đức Cơ, Đak Pơ để hỗ trợ sinh kế và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo (chiếm 10,06%), 37.253 hộ cận nghèo (chiếm 9,72%) và rất nhiều trong số đó đang cần sự quan tâm, hỗ trợ để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. “Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023, tôi kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân với lòng nhân ái tiếp tục chia sẻ, có những đóng góp thiết thực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để góp phần chăm lo cho người nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh. Ngay sau lễ phát động, các tập thể, cá nhân đã ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp thông báo về tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2023 và dự báo trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm.

Trong đó, tập trung tổ chức hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt tại Gia Lai, dự kiến diễn ra trong tháng 12-2023; thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kết nối giao thương, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hội chợ triển lãm thương mại, hội chợ triển lãm vùng miền do các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.