Kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số:

Củng cố niềm tin, tạo động lực giảm nghèo - Kỳ 2: Linh hoạt nội dung, hình thức kết nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định về tính cần thiết của công tác kết nghĩa trong tình hình mới.

Bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở

Trước khi ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, từ năm 2004 đến năm 2010, thực hiện chủ trương “Tỉnh nắm xã; huyện nắm thôn, làng; xã nắm từng hộ dân”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, doanh nghiệp và đồn Biên phòng phụ trách các xã trọng điểm.

Bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Năm 2004, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được giao phụ trách xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Lúc bấy giờ, cơ quan cử cán bộ luân phiên xuống ăn, ở trực tiếp tại xã để nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn đọng; tham gia công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tham gia xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở.

Bà Rơ Chăm H'Yéo kể lại tình hình an ninh chính trị tại một số làng DTTS những năm 2004. Ảnh: P.D

Bà Rơ Chăm H'Yéo kể lại tình hình an ninh chính trị tại một số làng DTTS những năm 2004. Ảnh: P.D

Được phân công phụ trách xã Adơk (huyện Đak Đoa), từ tháng 6-2004 đến 7-2007, Ban Biên tập Báo Gia Lai đã cử hơn 100 lượt cán bộ, chuyên viên xuống địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Cũng trong thời gian này, Báo Gia Lai đã có nhiều việc làm ý nghĩa, từng bước tạo chuyển biến về tình hình kinh tế-xã hội ở xã và tham gia xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở.

Đơn cử, Báo đề xuất với xã có kế hoạch thu hồi đất của các cá nhân mua bán trái phép để cấp cho các hộ dân thiếu đất sản xuất. Đến năm 2007, xã không còn hộ thiếu đất ở và đất sản xuất. Báo phối hợp với Nông trường Cao su Tân Lập tuyển lao động là con em người DTTS vào làm công nhân; phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và UBND xã thành lập Trung tâm Học tập cộng đồng...

Bí thư Đảng ủy xã Y Mưn cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của Báo Gia Lai, địa phương đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự từng bước ổn định, hệ thống chính trị từng bước kiện toàn, phát huy hiệu quả. Dù đã thôi phụ trách giúp đỡ xã, song từ đó đến nay, địa phương và Báo Gia Lai vẫn giữ mối quan hệ mật thiết, gắn bó”.

Bí thư Đảng uỷ xã A Dơk (huyện Đak Đoa) Y Mưn (đứng giữa) tuyên truyền người dân về giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Lài

Bí thư Đảng uỷ xã A Dơk (huyện Đak Đoa) Y Mưn (đứng giữa) tuyên truyền người dân về giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Lài

Từ năm 2011, tình hình các xã trọng điểm cơ bản ổn định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thôi phân công sở, ban, ngành của tỉnh phụ trách xã và bàn giao lại địa bàn để các huyện, thị xã, thành phố đảm nhận. Bà Lưu Thị Kim Liên-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa-cho hay: Nhận thấy việc phân công phụ trách thôn, làng cần thiết có sự thay đổi về hình thức, nội dung và phương pháp giúp đỡ cho phù hợp, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Đề án số 02-ĐA/HU ngày 16-1-2014 về công tác kết nghĩa giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và các cơ quan, trường học, doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn huyện với thôn, làng đồng bào DTTS. Đề án này thay cho Quyết định số 244-QĐ/HU về phân công các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị phụ trách các thôn, làng trọng điểm yếu kém trước đó.

Theo đó, từ năm 2014 đến tháng 3-2019, có 53 cơ quan, đơn vị của huyện đã tổ chức kết nghĩa với 56 thôn, làng đồng bào DTTS. Từ năm 2019 đến nay, sau khi sáp nhập thôn, làng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời điều chỉnh việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách kết nghĩa với các thôn, làng.

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng (bìa phải) trao bò giống hỗ trợ hộ nghèo ở làng kết nghĩa Plei Hlốp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh. Ảnh: SƠN CA

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng (bìa phải) trao bò giống hỗ trợ hộ nghèo ở làng kết nghĩa Plei Hlốp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh. Ảnh: SƠN CA

“Công tác kết nghĩa đã góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị ở cơ sở; giúp cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt tình hình quần chúng nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với người dân trên địa bàn.

Hiện có 9/12 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn làng nông thôn mới theo Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Có 104/111 thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa; trong đó có 50/53 thôn, làng kết nghĩa được công nhận thôn, làng văn hóa, đạt 94,34%”-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa thông tin.

Giúp người dân thay nếp nghĩ, đổi cách làm

Việc phân công các sở, ban, ngành phụ trách xã và các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên kết nghĩa, phụ trách, giúp đỡ thôn, làng đồng bào DTTS trong thời gian qua đã mang lại những kết quả bước đầu. Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cơ quan, đơn vị với cơ sở và giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân được tăng cường, góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Đặc biệt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Những đối tượng từng lầm đường lạc lối cũng tìm thấy con đường sáng.

Ông Ksor Bái (SN 1967, làng Plei Lao, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) kể lại khoảng thời gian 20 năm về trước: “Mình nghe kẻ xấu vượt biên sang Mỹ với mong muốn có cuộc sống sung sướng, không cần làm cũng được ở nhà lầu, có xe hơi và có tiền gửi về cho vợ con. Mình tin thật nên đi theo. Đi bộ đến khu vực xã biên giới Ia Mơ, người lả đi vì mệt, vì đói, mình kịp tỉnh ngộ, quay trở về”.

Nhận ra sai trái, ông Bái ra trình diện chính quyền địa phương và sau đó được hỗ trợ để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông được hỗ trợ cây giống để trồng trên diện tích 1,2 ha đất; vay 50 triệu đồng nuôi bò, nuôi heo.

“Đây là năm thứ 2 mình nuôi heo. Mỗi năm mình nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 10-15 con. Với giá bán như hiện tại, nếu bán hết, mỗi lứa mình còn dư khoảng 30 triệu đồng. Từ thực tế bản thân, mình nói với người làng phải tỉnh táo, đừng nghe, đừng tin vào những lời xúi giục, kích động của các thế lực thù địch. Vì đi đâu cũng không bằng ở nhà mình, làng mình”-ông Bái nói.

Ông Ksor Bái trò chuyện cùng cán bộ thôn Plei Lao, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh: P.D

Ông Ksor Bái trò chuyện cùng cán bộ thôn Plei Lao, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh: P.D

So với mặt bằng chung của cả nước, Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Năm 2023, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo, chiếm 8,11%, trong đó có 28.173 hộ nghèo người DTTS, chiếm 17,05% trong tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng thực hiện các âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ năm 2011 đến nay, 11/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã duy trì phân công 500 lượt cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn kết nghĩa, phụ trách, giúp đỡ 375 thôn, làng đồng bào DTTS.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tăng cường sự gắn kết, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện với thôn, làng đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự gắn với thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Để chỉ thị sớm đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt 8 nội dung trọng tâm, đảm bảo công tác kết nghĩa thực chất, thiết thực, hiệu quả.

Ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho hay: “Cuối tháng 3-2024, Sở tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh. Hàng tháng, lãnh đạo Sở đều làm việc với Ban Nhân dân thôn; phân công trưởng phòng hoặc bí thư, phó bí thư các chi bộ trực thuộc tham dự các kỳ sinh hoạt chi bộ thường kỳ của làng để nắm bắt tình hình.

Thời gian tới, Sở chú trọng công tác tuyên truyền, vận động dân làng thay đổi tư duy, tích cực lao động sản xuất; hỗ trợ các hộ dân bằng nhiều hình thức phù hợp với khả năng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; tổ chức các buổi tuyên truyền giúp người dân nâng cao kiến thức và kỹ năng để tham gia giao thông an toàn... Phấn đấu hàng năm giúp 5 hộ dân nghèo, khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống”.

Hạt Kiểm lâm huyện và Huyện Đoàn Đức Cơ tặng quà cho đại diện làng Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Ảnh: Phan Lài

Hạt Kiểm lâm huyện và Huyện Đoàn Đức Cơ tặng quà cho đại diện làng Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Ảnh: Phan Lài

Dù mới triển khai công tác kết nghĩa với làng Phang (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) vào giữa tháng 5-2024 nhưng Tỉnh Đoàn đã thực hiện chuỗi hoạt động tại đây. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn đã phân công cán bộ, đoàn viên của cơ quan tham gia sinh hoạt chi đoàn, cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng nhằm nâng cao nhận thức cho bộ phận thanh niên là người DTTS, đào tạo nguồn cán bộ trẻ người DTTS.

Bà Siu Lin-Bí thư Chi bộ làng Phang-đánh giá: “Thành công bước đầu của công tác kết nghĩa là bà con nhận thấy được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể. Từ sự hỗ trợ về vật chất, khích lệ về tinh thần, bà con có quyết tâm thay nếp nghĩ, đổi cách làm, chung tay giữ gìn an ninh chính trị địa phương và vươn lên trong phát triển kinh tế. Công tác kết nghĩa đã tạo mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

(GLO)- Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1/11/1949-1/11/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh: Giữ vững truyền thống kiên trung, bất khuất

Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai: Giữ vững truyền thống kiên trung, bất khuất

(GLO)- Với phẩm chất kiên trung, bất khuất, các cựu tù chính trị yêu nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn là tấm gương sáng để truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ. Và, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh là nơi gắn kết nghĩa tình, tích cực chăm lo đời sống hội viên.

Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở

Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở

(GLO)- Chiều 9-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

(GLO)- 

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại Hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. 

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

(GLO)- Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.