Củng cố nền móng của hệ thống y tế - Kỳ cuối: Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp; công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở luôn được quan tâm.

Qua đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Trạm mới, niềm vui nhân đôi

Được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2024, Trạm Y tế xã Kdang (huyện Đak Đoa) trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong xã mỗi khi cần thăm khám, điều trị. Hầu hết người dân đều bày tỏ sự hài lòng khi đến trạm thăm khám. Trước đây, mỗi ngày, Trạm chỉ tiếp nhận khám-chữa bệnh cho khoảng chục bệnh nhân. Từ ngày được xây mới và đưa vào hoạt động, số lượng người đến khám tăng lên rõ rệt. Có ngày, Trạm tiếp nhận, thăm khám cho trên 25 lượt người.

Ông Nãi (làng Tơ Leo) chia sẻ: “Tôi bị bệnh đại tràng và bao tử nên thường đến Trạm Y tế xã thăm khám, lấy thuốc. Trạm có bác sĩ thăm khám tận tình, chu đáo, thuốc men đầy đủ nên tôi rất yên tâm”.

Từ khi Trạm Y tế xã Kdang (huyện Đak Đoa) được đầu tư xây dựng khang trang, hầu hết người dân đều hài lòng khi đến thăm khám tại đây. Ảnh: N.N

Từ khi Trạm Y tế xã Kdang (huyện Đak Đoa) được đầu tư xây dựng khang trang, hầu hết người dân đều hài lòng khi đến thăm khám tại đây. Ảnh: N.N

Sau khi được đầu tư xây dựng, Trạm Y tế xã Kdang trở nên khang trang, quy củ nhất huyện. Bác sĩ Tô Thị Thuận-Trạm trưởng Trạm Y tế xã-cho biết: Trạm mới xây dựng có đầy đủ các phòng chức năng, giường bệnh, trang-thiết bị, thuốc men đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân. Mỗi ngày, Trạm thực hiện khám-chữa bệnh cho vài chục người.

“Xã Kdang có trên 40% người dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng trạm y tế có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt ngay từ cơ sở. Việc chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cũng góp phần khuyến khích và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn”-bác sĩ Thuận nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Ngô Thị Bích Loan-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Bình (huyện Đak Đoa): Sau khi được đầu tư xây mới, Trạm Y tế xã đã đảm bảo về cơ sở vật chất, thuốc men, trang-thiết bị y tế… đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và các công tác dự phòng khác. Người dân phấn khởi, tin tưởng vào cơ sở y tế; y-bác sĩ có môi trường làm việc tốt hơn. Trạm có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ. Mỗi tháng, Trạm tiếp nhận, thăm khám cho khoảng trên 300 lượt người.

Bác sĩ Vũ Chí Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho hay: Dân số toàn huyện trên 130.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Huyện có 17 trạm y tế xã, thị trấn; mỗi trạm biên chế 5 giường bệnh; 100% trạm y tế có bác sĩ và nữ hộ sinh. Năm 2023, huyện được đầu tư công xây dựng 6 trạm y tế và đến cuối năm thì đưa vào hoạt động. Các trạm còn được đầu tư cơ bản trang-thiết bị, thuốc men, vật tư y tế… phục vụ khám-chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật.

“Chúng tôi thường xuyên quan tâm, động viên cán bộ, viên chức nâng cao y đức, cải thiện chất lượng khám-chữa bệnh, tất cả vì sự hài lòng của người bệnh. Do vậy, người dân rất tin tưởng vào công tác chăm sóc sức khỏe tại các trạm y tế”-bác sĩ Hùng nhìn nhận.

Trạm Y tế xã Ia Pnôn cách trung tâm huyện Đức Cơ khoảng 20 km. Bà Siu H’Pram (làng Chan) cho hay: “Mình đã ngoài 70 tuổi, bị cao huyết áp và nhiều bệnh khác nên thường xuyên đến Trạm Y tế xã thăm khám. Từ ngày Trạm được nâng cấp, mình và những người trong gia đình đau ốm đều đến đây khám. Bà con làng cũng vậy, ai bị đau ốm cũng đều đến Trạm để được thăm khám, điều trị, không còn tin vào thầy bói, thầy cúng như trước nữa”.

Tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở

Xã Ia Pnôn có 1.317 hộ với trên 5.500 khẩu; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 99%. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã còn 276 hộ nghèo, 424 hộ cận nghèo. Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Khánh Hòa cho biết: Những năm qua, xã được quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án góp phần nâng cao đời sống cho người dân và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, Trạm Y tế xã được nâng cấp, bố trí bác sĩ, đảm bảo thuốc men, trang-thiết bị… góp phần triển khai tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhân viên y tế thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên y tế thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: Như Nguyện

Còn bác sĩ Trần Văn Nam-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Pnôn thì cho hay: “Trạm được xây thêm các phòng chức năng, nâng cấp các phòng làm việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khám-chữa bệnh. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp một số phòng chức năng không chỉ tạo diện mạo mới mà còn góp phần đảm bảo yêu cầu hoạt động của cơ sở y tế vùng biên giới”.

Đề cập chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế cơ sở, bác sĩ Lê Nguyên Hưng-Trạm trưởng Trạm y tế xã Ia Ka (huyện Chư Păh) cho rằng: “Hiện nay, tiền trực của cán bộ, nhân viên Y tế cấp xã còn thấp. Vì vậy, các ngành, các cấp cần nghiên cứu nâng lên để viên chức y tế tuyến xã đảm bảo yêu cầu hoạt động, tái tạo sức lao động, yên tâm công tác”.

Việc đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở chính là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Đặc biệt, người dân tham gia bảo hiểm y tế đảm bảo được chăm sóc y tế với chất lượng tốt, không phân biệt đối xử trong khám-chữa bệnh. Qua đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2015, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh chỉ đạt 76,22% thì đến năm 2019 đã tăng lên 89% và năm 2023 là 91%.

Trao đổi với P.V, ông Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế-nhấn mạnh: Y tế cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng. Cùng với việc hoàn thiện về cơ sở vật chất thì cần tiếp tục định hướng đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Về phần mình, hệ thống y tế cơ sở cần tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường công tác sơ cấp cứu, khám-chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng-chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe người dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số. Các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, các địa phương tiếp tục tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở bảo đảm y tế cơ sở giữ vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.