Củng cố nền móng của hệ thống y tế-Kỳ 1: Đầu tư nâng cấp y tế tuyến xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Y tế cơ sở là nền móng của hệ thống y tế, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân tại cộng đồng.

Việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở theo hướng “Công bằng-hiệu quả-phát triển”; bảo đảm mọi người dân, đặc biệt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng khó khăn… được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

59 trạm y tế được đầu tư nâng cấp

Sau khi được đầu tư nâng cấp, đến nay, 207/220 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm 94%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc là 94%. Các trạm y tế hầu hết được xây dựng ở khu trung tâm xã hoặc trục giao thông chính; được trang bị đủ thuốc thiết yếu và trang-thiết bị cơ bản phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Hiện nay, mô hình bệnh tật diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn kịp thời phát hiện và chủ động triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh ngay từ cơ sở không để lây lan, bùng phát.

Trạm Y tế xã Ia Nhin được đầu tư xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Ảnh: N.N

Trạm Y tế xã Ia Nhin được đầu tư xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Ảnh: N.N

Với sự quan tâm đầu tư của trung ương, tỉnh và nhiều nguồn vốn khác, cơ sở vật chất, trang-thiết bị của ngành Y tế tỉnh nói chung, y tế cơ sở nói riêng từng bước được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng công tác khám-chữa bệnh, phòng-chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, qua quá trình khai thác, sử dụng và triển khai nhiệm vụ chuyên môn, cơ sở vật chất của một số trạm y tế có dấu hiệu xuống cấp.

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo đó, tỉnh sử dụng nguồn vốn của chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư 18 trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia; phối hợp triển khai các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám-chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế như: đầu tư xây mới và mua sắm trang-thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; đầu tư nâng cấp và mua sắm trang-thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ.

Gần đây nhất là Dự án đầu tư nâng cấp các trạm y tế tuyến xã góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống y tế cơ sở.

Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: N.N

Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: N.N

Ông Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Dự án đầu tư nâng cấp 59 trạm y tế tuyến xã được triển khai trong giai đoạn 2022-2024 với tổng vốn 130 tỷ đồng. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh là chủ đầu tư, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nội dung thực hiện của dự án gồm xây dựng mới 22 trạm y tế, cải tạo mở rộng 37 trạm y tế và mua sắm trang-thiết bị để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 28/TT/BYT ngày 31-12-2020, Thông tư số 32/TT/BYT ngày 31-12-2021 và Quyết định số 2271/QĐ-BYT ngày 17-6-2022 của Bộ Y tế.

“Dự án góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho các trạm y tế tuyến xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân. Đồng thời, hướng tới mục tiêu bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân; cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục; phối hợp và lồng ghép chặt chẽ trong dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên”-Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Củng cố mạng lưới y tế cơ sở

Huyện Chư Păh có 10 trạm y tế được đầu tư sửa chữa và xây dựng trong Dự án nâng cấp 59 trạm y tế tuyến xã. Với việc hoàn thiện về cơ sở vật chất, đến nay, 14 xã, thị trấn trong huyện đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Các trạm y tế đều có bác sĩ nên việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân thuận lợi. Trung bình 1 tháng, các trạm y tế thăm khám cho trên 2.000 lượt người dân.

Theo ông Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Păh: Qua thời gian hoạt động, nhiều trạm y tế đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đợt này, huyện có 10 trạm y tế được đầu tư sửa chữa và xây dựng mới. Trong đó, xây mới Trạm Y tế xã Ia Nhin; 9 trạm y tế khác được nâng cấp và xây dựng thêm các phòng chức năng đảm bảo mô hình chăm sóc sức khỏe của tuyến xã.

“Sau khi được đầu tư sửa chữa và xây dựng, hệ thống y tế cơ sở đã được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn. Người dân hài lòng hơn khi được thăm khám trong cơ sở khang trang”-ông Trà đánh giá.

Trạm Y tế xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) được đầu tư nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ảnh: N.N

Trạm Y tế xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) được đầu tư nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ảnh: N.N

Còn ông Phạm Bá Năm-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Nhin thì cho biết: Xã Ia Nhin có trên 1.700 hộ với trên 6.700 khẩu; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 25%. Xã có trên 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Xã đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Trạm y tế xã được đầu tư xây mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Là 1 trong 9 trạm y tế của huyện Chư Păh vừa được đầu tư nâng cấp, Trạm Y tế xã Ia Phí đã khoác lên mình tấm áo mới. Theo Trạm trưởng Rơ Châm Ker: “Trạm được xây dựng xong trước Tết Nguyên đán 2024. Đội ngũ y-bác sĩ, nhân viên y tế rất phấn khởi khi được làm việc trong cơ sở đảm bảo yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế cũng được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ban đầu cho người dân”.

Tại huyện biên giới Đức Cơ, ngoài Dự án đầu tư nâng cấp và mua sắm trang-thiết bị cho Trung tâm Y tế huyện có tổng kinh phí 52 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, huyện còn được đầu tư nâng cấp và xây mới 4 trạm y tế.

Ông Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho hay: Việc đầu tư cho y tế cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn mà còn góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn Campuchia khi có sự cố y tế cần cấp cứu.

Huyện có 10 trạm y tế xã, thị trấn. Vừa qua, 4 trạm y tế đã được đầu tư kinh phí sửa chữa, xây mới. Hiện nay, hệ thống y tế trên địa bàn đã được củng cố, hoàn thiện, đảm bảo cơ số thuốc, trang-thiết bị, nhân lực để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

Gia Lai chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết. Dự lường số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng, nhất là vào các tháng cao điểm của dịch bệnh (từ tháng 6 đến tháng 11) nên ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng-chống.
Vì sao người lạc quan sống thọ hơn?

Vì sao người lạc quan sống thọ hơn?

Các nghiên cứu cho thấy những người lạc quan có mức độ hạnh phúc cao hơn, ngủ ngon hơn, căng thẳng thấp hơn, thậm chí sức khỏe tim mạch và chức năng miễn dịch cũng tốt hơn. Không những vậy, một số nghiên cứu công bố mới đây còn cho thấy lạc quan còn giúp sống thọ hơn.