Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh đến năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 18-1, Sở Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác y tế năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo Sở Y tế, hiện tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 Chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y. Tuyến huyện có 17 Trung tâm Y tế và 220 trạm y tế.

Tổng số giường bệnh kế hoạch là: 4.190 giường. Tổng số cán bộ y tế là 4.649 người (trong đó có 969 bác sĩ). Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,5 (kế hoạch năm 2023 là 8,5); giường bệnh/vạn dân đạt 27,6 (kế hoạch năm 2023 là 27,6); tỷ lệ xã/phường có bác sĩ làm việc là 94% (kế hoạch năm 2023 là 94%); tỷ lệ xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế là 94% (kế hoạch năm 2023 là 94%). Toàn tỉnh hiện đang triển khai 3 bệnh viện tư nhân với tổng cộng 260 giường bệnh, nhân lực 498 người, trong đó có 79 bác sĩ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Năm 2023, tình hình dịch bệnh toàn tỉnh tương đối ổn định, nhiều bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt Covid-19 chỉ ghi nhận 610 ca mắc, không có ca tử vong. Các bệnh truyền nhiễm như tả, dịch hạch, viêm não mô cầu, liệt mềm không có trường hợp mắc. Các dịch bệnh mới nổi như Đậu mùa Khỉ, Cúm A, MERS-CoV, Ebola, Marburg, bệnh do virus Zika toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào. Tuy nhiên còn một số bệnh tăng cao như Dại có 14 trường hợp tử vong; viêm gan B tăng 158 ca; tay chân miệng tăng 525 ca; bệnh đau mắt đỏ liên quan đến vi rút Adeno ghi nhận tăng đột biến. Năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 55% thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (69,1%) và thấp hơn chỉ tiêu yêu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng; gia tăng số ca tử vong do ngộ độc cóc với 3 ca.

Trong năm qua, ngành Y tế đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo thuốc, vật tư đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Trong năm 2023, tổng số lượt khám chữa bệnh toàn tỉnh là 1.852.078 lượt; trong đó 193.511 lượt điều trị nội trú. So với cùng kỳ năm 2022, số lượt khám chữa bệnh và bệnh nhân điều trị nội trú đều tăng.

Năm 2024, ngành y tế tập trung thực hiện các nhiệm vụ đề ra; trong đó tập trung thực hiện mục tiêu: Không để dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Phát triển và củng cố hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, phấn đấu mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số; nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị y tế đã làm rõ hơn những khó khăn, tồn tại của công tác y tế trong năm 2023 và có nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn để thực hiện hiệu quả công tác y tế trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Y tế. Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Y tế cũng còn tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030. Đề án này được đầu tư kỹ lưỡng với mục tiêu thay đổi lại diện mạo ngành Y tế phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của địa phương. Vì vậy, ngành Y tế cần triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030, cụ thể hóa trong thực hiện kế hoạch hàng năm, phân công cụ thể. Trong quá trình thực hiện cần có đánh giá, tiếp tục tham mưu và báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp.

Đối với việc xây dựng và củng cố hệ thống y tế cơ sở, hiện tỉnh có 220 trạm y tế; trong đó có 43 trạm y tế đặc biệt khó khăn. Trong Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030, ngành Y tế cần đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị cho y tế cơ sở, xác định các trạm y tế vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để ngoài nhiệm vụ của một trạm y tế thông thường còn xử trí cấp cứu ban đầu, đảm bảo các trạm y tế đặc biệt khó khăn đều có bác sĩ góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng khó.

Hội nghị đã nghe các tham luận, ý kiến, đề xuất của các sở, ngành, đơn vị y tế trong tháo gỡ khó khăn góp phần triển khai hiệu quả công tác y tế. Ảnh: Như Nguyện

Hội nghị đã nghe các tham luận, ý kiến, đề xuất của các sở, ngành, đơn vị y tế trong tháo gỡ khó khăn góp phần triển khai hiệu quả công tác y tế. Ảnh: Như Nguyện

Ngoài hoàn thiện y tế cơ sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng nhấn mạnh việc thành lập Bệnh viện vùng tại thị xã An Khê và Bệnh viện vùng tại thị xã Ayun Pa thực hiện chức năng khám chữa bệnh trên cơ sở đầu tư nâng cấp cơ sở điều trị của Trung tâm Y tế hiện tại; thành lập các Bệnh viện chuyên khoa; đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện hạng nhất với quy mô 1.000 giường vào năm 2025…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế nghiên cứu và tham mưu, đồng thời tổ chức thực hiện. Những nội dung nào thuộc thẩm quyền của ngành Y tế thì khẩn trương triển khai, những nội dung nào cần báo cáo tham mưu UBND tỉnh thì khẩn trương báo cáo tham mưu kịp thời. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý của sở, của các trung tâm y tế, những người đứng đầu các cơ sở y tế; trong đó đặc biệt là năng lực lãnh đạo quản lý về tài chính, đầu tư. Liên quan cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành Y tế cần rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung, trang bị cho phù hợp. Ngoài ra, các đơn vị cần tạo môi trường làm việc để đội ngũ phát huy năng lực; đồng thời cần xây dựng chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân lực cho ngành Y tế, đảm bảo lương, chi trả kịp thời các chế độ chính sách cho nhân viên y tế. Về thanh toán BHYT cần có sự phối hợp tốt giữa ngành BHXH và các đơn vị y tế đảm bảo thanh quyết toán theo đúng quy định…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn hệ thống y tế tư nhân tiếp tục đồng hành với ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.