Củi tem phiếu thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm qua, ngồi với mấy nhà khoa học từ Đà Nẵng và Hà Nội vào, nói chuyện văn hóa Tây Nguyên, nhắc tới “củi hứa hôn” của người Xê Đăng, tôi bật nhớ đến chuyện một thời cán bộ ở TP. Pleiku được mua củi theo tem phiếu. 
Một ông tiến sĩ trợn mắt hỏi: “Ở Pleiku thời ấy mà phải mua củi theo phiếu á? Hồi ấy từ Biển Hồ ra phía Bắc, núi Hàm Rồng vào phía Nam đã chạm rừng rồi mà củi lại phân phối ư?”. Vâng, hồi ấy củi được phân phối theo phiếu, như phiếu vải, phiếu thịt, đường sữa, phụ tùng xe đạp... Tên đúng của nó là phiếu chất đốt.
Cái bãi tập kết củi đối diện Siêu thị Co.op Mart Pleiku bây giờ. Củi có nhiều loại. Một là bìa gỗ lấy từ các xưởng cưa của Nhà nước về. Người ta lấy lõi còn bìa và đầu thừa đuôi thẹo bán theo phiếu. Loại nữa là những cây gỗ chết cháy trong rừng được khai thác về, nguyên cây, đen nhẻm.
Tranh thủ giờ hành chính, cán bộ, công nhân viên đi xếp phiếu mua củi. Hồi ấy, tranh thủ giờ hành chính là bình thường, mua cám heo, phân đạm, các loại tiêu chuẩn theo phiếu... đều đi mua trong giờ hành chính. Cũng không dễ dàng đi. Nhà neo người thì mang xe đạp, sau khi được đo đủ tiêu chuẩn (chả biết đo có đúng không?) thì xếp riêng ra, rồi xếp lên xe đạp, lần lượt chở nhiều chuyến về. Chủ yếu là dắt chứ không đạp được. Nhà đông người hơn thì mượn cái xe kéo, không thì thuê xe lam. Cũng có khi tranh thủ được chuyến xe Zeep của cơ quan.
Chủ nhật là ngày bổ củi. Lại cũng có mấy cách, đơn giản nhất là thuê. Thị xã Pleiku hồi ấy có mấy người chuyên bổ củi thuê, rất chuyên nghiệp, một buổi là xong. Họ có búa, rìu, có nêm (bổ củi to phải có cái nêm bằng sắt hoặc gỗ ấy), có cưa, có kinh nghiệm. Phức tạp mà vui là kêu bạn bè tới giúp, chủ yếu là kiếm cớ để buổi trưa... nhậu. Chồng lăng xăng chỉ huy và làm, vợ đi chợ chuẩn bị bữa trưa. Cách này vừa tốn kém, vừa có khi phải mấy chủ nhật mới xong đống củi, nhưng lại vui. Tôi thường chọn cách thứ hai.
Những ngày nhà tôi tổ chức bổ củi, anh em viết lách ở Pleiku lại có dịp tụ họp. Mấy ông trẻ tuổi thì tới từ sáng để làm, sau khi tôi mời đủ lệ bộ “tô ly điếu” ở cửa hàng ăn uống Hoa Lư, là mức ăn sáng thời thượng hồi ấy gồm 1 tô phở, 1 ly cà phê và thuốc lá, đa phần là Capstan. Khề khà gần 9 giờ thì vào việc. 11 giờ trưa, vợ tôi chuẩn bị xong bữa trưa, thêm vài bạn nữa được tôi hẹn trước ghé vào, thế là có khi ngồi tới... chiều tối, mặc đống củi ngổn ngang. Những người thường có mặt ở những cuộc ấy có Hương Đình, Phạm Đức Long, Chử Anh Đào, Bạch Ngọc, Ngọc Toán...
Bây giờ cũng ít người hình dung được cái bếp củi trong nhà tập thể thời ấy. Một miếng ván được bắc ngang bụng, chiều ngang khoảng 60 cm, dài 1,2 m. Trên ấy là bếp, tùy từng nhà, có khi là cái kiềng bằng sắt, có khi là ông đầu rau nặn bằng đất bán ngoài chợ, có khi là 3 cục táp lô hoặc gạch, xịn hơn thì là cái lò, có loại lò mẹ bồng con do một họa sĩ người Huế phát minh bán khắp nước, nấu 1 lúc được 2 nồi mà củi chỉ một cửa vào. Dưới tấm ván ấy là... củi. Cũng đều chằn chặn, cũng ngăn nắp như củi hứa hôn. Chỉ khác, củi hứa hôn đa phần muốn nấu phải chẻ lại nếu dùng cho các bếp của căn hộ tập thể cán bộ thời ấy, còn ở đây, chẻ vừa đun, không phải chẻ lại. Buổi trưa đi làm về, vợ chồng mỗi người một tay lo nấu nướng. Bao giờ cái bếp cũng được nhóm lên đầu tiên. Góc bếp luôn có sẵn bó ngo (nhựa thông) dành để nhóm lửa.
Tôi có vài kỷ niệm về củi. Một là, ba tôi từ Huế lên thăm vợ chồng tôi. Được mấy ngày thì ông nằng nặc đòi về vì ở đây... buồn quá. Vợ chồng tôi đi làm, mỗi ông thơ thẩn trong khu tập thể vắng lặng, vì ai cũng đi làm, quán xá không như bây giờ, mà thế hệ ông cũng ít la cà quán xá. Tôi bèn nghĩ cách giữ ông, ấy là mỗi buổi đi làm “giao” cho ông mấy khúc củi, nói ông ở nhà chẻ cho con. Nhẩm tính phải cả tháng ông mới xong. Nhưng được đúng 3 ngày, ông bảo củi xong rồi, con mua vé ba về.
Hai là, ông bạn tôi dạy Trường Đại học Tổng hợp Huế dẫn sinh viên đi thực tế, lấy nhà tôi làm đại bản doanh. Hồi ấy, vợ tôi đi làm về còn nhận nước ngọt từ một cơ sở sản xuất thủ công bỏ cho các quán nước. Cái xe đạp mà chở được cả trăm chai, lên cái dốc ngã tư Đài Phát thanh-Truyền hình vời vợi, toàn dắt bộ nên về muộn. Mỗi ngày, tôi giao cho ông ấy chẻ một ít củi để tôi về là có cái nấu cơm ngay, vợ về chỉ việc ăn. Ông này tuy dạy đại học nhưng chẻ củi cũng rất nghề, cái sàn bếp lúc nào cùng đầy củi đã chẻ.
Tất nhiên, thời gian ba tôi và ông bạn ở nhà tôi chẻ củi thì nhà tôi không phải tổ chức “lễ hội bổ củi” nữa, dù chủ nhật bạn bè vẫn tụ bạ.
Sau thời củi thì đến thời bếp mùn cưa, rẻ hơn củi nhiều dù nhóm lâu hơn, đòi hỏi sự khéo tay hơn. Sau mùn cưa thì tới bếp điện nếu nhà không nuôi heo. Sau đấy nữa thì bếp ga và giờ đa phần đã bếp từ.
Thế nên giờ mới có chuyện, 23 tháng Chạp, nhà ai cũng cúng ông Táo, tiễn Táo lên trời mà trong nhà không có ông đầu rau (Táo) nào và cũng chả có chỗ để bàn thờ ông Táo. Năm nào đấy, đúng ngày ông Công ông Táo, tôi làm bài thơ “Tiễn Táo” có câu: “Bật bếp ga lên tiễn Táo/thấy mình run tay cời bếp nhà mình…”.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ảnh: Đ.M.P

Sró một thời...

(GLO)- Từ trung tâm huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đi chừng 30 km là đến xã Sró. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần trong các chuyến công tác, tôi đã qua lại nơi đây. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là hồi chú Trần Quốc Bảo làm Bí thư Huyện ủy.

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).