Công chức tư pháp cấp xã: Thêm công việc, tăng trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp trước đây thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện đã được chuyển giao cho UBND cấp xã. Khối lượng công việc tăng lên đòi hỏi công chức tư pháp tại cấp xã phải nỗ lực nhiều hơn, góp phần xây dựng nền hành chính cơ sở gần dân, vì dân phục vụ.

Tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Võ Anh Tuấn, ngày 11-6-2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Theo nghị định này, nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện giải quyết thì từ ngày 1-7 được chuyển giao cho UBND cấp xã thực hiện. Trong đó, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài như: thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc…

Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, lĩnh vực tư pháp ở cấp xã có sự thay đổi lớn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, Văn phòng HĐND và UBND cấp xã có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hòa giải ở cơ sở; trợ giúp pháp lý; nuôi con nuôi; hộ tịch; chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các công tác tư pháp khác theo quy định.

Bà Tạ Thị Quỳnh Nga-Phó Chủ tịch UBND phường kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Quy Nhơn Nam-cho biết: Để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ, địa phương đã sắp xếp, bố trí 3 cán bộ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực tư pháp. Khối lượng, áp lực công việc tăng nhưng cán bộ, công chức đã thích ứng, bám sát nhiệm vụ, yêu cầu đề ra.

Đảm bảo giải quyết TTHC thông suốt

Theo ghi nhận tại các địa phương, từ ngày 1-7 đến nay, các TTHC lĩnh vực tư pháp là 1 trong 2 nhóm thủ tục được người dân thực hiện nhiều nhất. Từ ngày 1 đến 15-7, Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Quy Nhơn Nam đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ lĩnh vực tư pháp. Chị Phương Thị Cẩm Nhung-Chuyên viên phụ trách quầy Tư pháp - Hộ tịch tại Trung tâm-cho biết: Thủ tục người dân thực hiện chủ yếu là xác nhận tình trạng hôn nhân, tiếp đến là đăng ký khai sinh.

1-1457.jpg
Chị Phương Thị Cẩm Nhung-Chuyên viên phụ trách quầy Tư pháp - Hộ tịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Quy Nhơn Nam hướng dẫn người dân về hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: N.C

Đặc biệt, Trung tâm đã giải quyết cho 2 trường hợp có yếu tố nước ngoài. Trong đó, 1 trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ có mẹ là người Việt Nam, bố là người nước ngoài; 1 trường hợp đăng ký khai tử cho người nước ngoài qua đời tại phường Quy Nhơn Bắc. “Các thủ tục có yếu tố nước ngoài khá mới mẻ, quy định chặt chẽ, yêu cầu chuyên viên kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng, cố gắng nhiều hơn để phục vụ tốt cho người dân”-chị Nhung chia sẻ.

Còn chị Trần Thị Bích Hồng-Chuyên viên phụ trách quầy Tư pháp - Hộ tịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Quy Nhơn Tây thì cho hay: Lượng hồ sơ tiếp nhận tăng lên trong khi thời hạn giải quyết rút ngắn hơn so với trước đây. Vì vậy, công chức phải giải quyết nhanh chóng, đúng tiến độ cho bà con. Bên cạnh đó, công chức phải nắm rõ các thủ tục có yếu tố nước ngoài để sẵn sàng giải quyết khi phát sinh.

Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Quy Nhơn Tây để thực hiện TTHC, bà Hoàng Thị Hội (phường Quy Nhơn Tây) phấn khởi nói: “Tôi làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Được các cháu đoàn viên và cán bộ tư pháp tận tình chỉ dẫn, tôi đã điền xong tờ khai và nộp hồ sơ. So với trước đây thì tôi thấy thuận lợi hơn nhiều”.

Theo anh Lê Văn Hòa-Chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND xã Ia Nan, từ ngày 1 đến 15-7, xã đã tiếp nhận, giải quyết 116 hồ sơ TTHC lĩnh vực tư pháp. Trong đó có 1 trường hợp thực hiện thủ tục được chuyển giao từ cấp huyện là thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc. “Khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong khi bà con đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ công nghệ hạn chế, hệ thống lại hay bị trục trặc. Do vậy, cán bộ tư pháp phải linh hoạt tìm cách khắc phục khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người dân”-anh Hòa chia sẻ.

Thời gian qua, Sở Tư pháp chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Trong quá trình hoạt động, các phòng chuyên môn kịp thời hướng dẫn đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo việc giải quyết TTHC luôn thông suốt.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch công ty trồng rừng hầu tòa vì... phá rừng

Chủ tịch công ty trồng rừng hầu tòa vì... phá rừng

(GLO)- Ngày 14-7, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Sông Ba. Trong số các bị cáo có chủ tịch hội đồng thành viên của một công ty chuyên về trồng rừng.

Cảnh giác với “cạm bẫy” trên không gian mạng sau sáp nhập đơn vị hành chính

Cảnh giác với “cạm bẫy” trên không gian mạng sau sáp nhập đơn vị hành chính

(GLO)- Tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng liên tục biến tướng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã, các đối tượng đã lợi dụng điều này để tạo ra những “cạm bẫy” lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

null