Cơm từ thiện gắn kết những tấm lòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng quán cơm “Cơm từ thiện-Bếp kết thiện duyên” (số 1/32 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã nhanh chóng trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người lao động nghèo.

Trưa một ngày tháng 5, trời Pleiku bỗng đổ cơn mưa nặng hạt. Tôi theo chân những người lao động nghèo rảo bước đến quán cơm “Cơm từ thiện-Bếp kết thiện duyên”. Quán rộng hơn 50 m2, khô ráo, sạch sẽ, bầu không khí ấm áp như một gia đình. Anh Lê Văn Mạnh (SN 1993, phường Ia Kring, TP. Pleiku)-một trong những người sáng lập quán cơm-cho hay: Trước đây, anh cùng nhóm bạn thường xuyên tổ chức tặng quà cho các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa vào những dịp lễ, Tết. Thấy ở nhiều tỉnh, thành có mô hình quán cơm 0 đồng hỗ trợ người nghèo, nhóm ấp ủ dự định mở quán; song phải đến đầu tháng 5-2023 mới thực hiện được.

Người nghèo đến ăn cơm ở quán được phục vụ tận tình và tặng 3 gói mì tôm mang về. Ảnh: L.G

Người nghèo đến ăn cơm ở quán được phục vụ tận tình và tặng 3 gói mì tôm mang về. Ảnh: L.G

“Khi chia sẻ ý tưởng mở quán, chúng tôi nhận được sự tán thành, hưởng ứng của nhiều Mạnh Thường Quân nên anh em quyết tâm làm. Chi phí ban đầu từ việc thuê mặt bằng, mua vật dụng, bàn ghế… khá lớn, chưa kể tìm đầu bếp, bởi dù là bếp từ thiện nhưng cũng phải nấu ăn ngon, sạch sẽ để phục vụ bà con. Lo nhất là khi mở ra mà quán không có người đến ăn nên chúng tôi phải nhờ bạn bè chia sẻ trên Facebook và đi đến một số nơi có người lao động nghèo làm việc để mời họ đến ăn thử. Và, thật vui khi ngay từ buổi đầu tiên đã có hàng chục người đến ủng hộ với phản hồi tích cực. Nhìn các cô chú, anh chị ăn cơm ngon lành trong tiếng nói cười vui vẻ, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng”-anh Mạnh bày tỏ.

Cũng theo anh Mạnh, trên địa bàn TP. Pleiku cũng có một quán cơm từ thiện phục vụ các ngày thứ hai, tư, sáu nên quán cơm “Cơm từ thiện-Bếp kết thiện duyên” mở cửa vào thứ ba, năm, bảy để bà con được ăn cơm trưa miễn phí cả tuần. Để có đủ nhu yếu phẩm phục vụ các bữa ăn, quán nhận sự ủng hộ bằng hiện vật như: gạo, dầu, mắm, rau củ, trái cây... Mỗi buổi trưa, quán phục vụ khoảng 50 suất ăn và có thể tăng nếu nhiều người tới quán. Quán thay đổi thực đơn liên tục nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ thịt, cá, rau, canh… Không những vậy, mỗi khách đến ăn cơm tại quán còn được nhận 3 gói mì tôm mang về.

Anh Mạnh chia sẻ: “Chúng tôi thường nhận hỗ trợ bằng hiện vật. Với rau củ, trái cây dư, chúng tôi mang đến các chùa ủng hộ. Những hôm lượng khách ít, quán đóng cơm hộp rồi mang đến các bếp ăn của bệnh viện để phát cho người nhà bệnh nhân nghèo. Chúng tôi có đặt một thùng thiện tâm để ai đến quán cũng có thể đóng góp, nhưng không bắt buộc. Số tiền này sẽ dùng vào các hoạt động từ thiện, có thể là hỗ trợ hàng tháng cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh em trong nhóm có nhiều người làm bên mảng kính thuốc. Sắp tới, quán sẽ tận dụng mặt bằng ở phía đường Trần Phú để mở một tiệm kính, khám và cắt kính miễn phí cho người nghèo”.

Những khay cơm sạch sẽ, đầy đủ chất dinh dưỡng được phục vụ miễn phí cho người nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Những khay cơm sạch sẽ, đầy đủ chất dinh dưỡng được phục vụ miễn phí cho người nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Ngay từ những buổi đầu, quán cơm đã có khoảng trên 30 người đến ăn. Một số người còn mang cơm về cho người nhà già yếu không thể đến tận nơi. Hầu hết họ đều là những người lao động nghèo như bán vé số, đánh giày, mua ve chai, bốc vác… và cả học sinh nghèo. Bà Nguyễn Hoàng Ái Nhi (tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tâm sự: “Vợ chồng tôi cũng lớn tuổi, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn phải làm nghề bốc vác để nuôi 2 con nhỏ và mẹ già, nhà vẫn phải đi ở nhờ. Chúng tôi rất cảm động khi được ăn những bữa cơm trưa miễn phí thế này, tôi còn được lấy cơm mang về cho mẹ già ở nhà. Cơm rất ngon, sạch sẽ, các em ở quán vui vẻ, nhiệt tình khiến tôi rất cảm động. Mỗi tháng được ăn cơm ở các quán từ thiện giúp vợ chồng tôi đỡ được một khoản tiền hơn 2 triệu đồng”.

Để có thêm nhân sự hỗ trợ lau dọn bàn ghế, đón tiếp khách, bưng bê phục vụ, quán kêu gọi các tình nguyện viên. Nhiều bạn trẻ liên hệ để được hỗ trợ. Tuy nhiên, mỗi buổi, quán chỉ nhận khoảng 3 người. Em Đào Thị Thanh Thảo (học sinh lớp 12A6, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) sau khi đọc được bản tin tuyển tình nguyện viên của quán đã rủ bạn bè đăng ký. Đặc biệt, khi ngỏ ý với cha mẹ, gia đình em còn gửi một số rau củ để ủng hộ quán. Thảo bộc bạch: “Em rất vui vì được góp một chút công sức để giúp đỡ người nghèo. Dù sắp bước vào kỳ thi nhưng em và các bạn cố gắng hoàn thành bài tập để bố trí, sắp xếp thời gian qua phụ các cô chú, anh chị ở quán”.

Có thể bạn quan tâm

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.