Từ thiện phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không dừng ở việc cứu trợ lúc ngặt nghèo, một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh còn hướng đến mục tiêu “đường dài” với người cần hỗ trợ. Cách làm thiện nguyện này ngày càng được đề cập đến nhiều hơn với tên gọi “từ thiện phát triển”.
Cách đây 1 tuần, Ban Giám hiệu và Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Pleiku) đã có một nghĩa cử khiến nhiều người xúc động: trao tặng sổ tiết kiệm trị giá 88,4 triệu đồng cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đó là cháu Ngô Khánh Phát (lớp lá 3) vừa mất mẹ và bản thân đang bị nhiễm Covid-19. Trước đó, cháu Phát còn phải chịu nhiều thiệt thòi khi cha mẹ ly hôn. Với sự quyên góp và vận động của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, nhiều phụ huynh đã chung tay hỗ trợ, trao tặng cháu Phát sổ tiết kiệm để gia đình lo việc học hành về lâu dài cho cháu. 
Mới đây, một câu chuyện khác cũng làm lay động lòng người: Em Đức (SN 2009, ở làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) may mắn được ông Trần Văn Quỳnh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vị Trí Vàng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần tiếp thị thể thao Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ 20 triệu đồng/năm giúp em tiếp tục theo đuổi đam mê con chữ và trái bóng tròn dù em bị khuyết tật bẩm sinh (chỉ có 1 chân và xương tay chỉ dài đến khuỷu). Trước đó, năm 2021, Chi Đoàn Báo Gia Lai cũng đã phối hợp với Đoàn xã Tân Sơn thăm, tặng quà, kèm dạy chữ miễn phí và phụ cấp 200 ngàn đồng/tháng cho Đức. 
Được Mạnh Thường Quân hỗ trợ 20 triệu đồng năm, em Đức (làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) có cơ hội tiếp tục theo đuổi con chữ và niềm đam mê với bóng đá. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Được Mạnh Thường Quân hỗ trợ 20 triệu đồng/năm, em Đức (làng Tiêng, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) có cơ hội tiếp tục theo đuổi con chữ và niềm đam mê với bóng đá. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Đặc biệt, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra những đảo lộn, mất mát lớn đối với nhiều gia đình, cùng sự cứu trợ tạm thời, không ít nhóm/tổ chức thiện nguyện đã nghĩ đến phương án “đường dài” cùng các trường hợp yếu thế. Điển hình, quỹ thiện nguyện “Kết nối yêu thương” (TP. Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ học tập lâu dài cho tất cả 10 em nhỏ mồ côi cha, mẹ do Covid-19 trên địa bàn tỉnh với chi phí 500 ngàn đồng/tháng trong 9 tháng của mỗi năm học. Đây là nghĩa cử cao quý khi đa số các trường hợp đều có hoàn cảnh khó khăn như: thuộc hộ nghèo, cha mẹ đi làm ăn xa, cha mẹ ly hôn… Từ sức mạnh của lòng nhân ái, các em có cơ hội vượt qua những thử thách đầu đời để vươn lên học tập, chèo lái cuộc sống của mình theo hướng tích cực. 
Những năm gần đây, bên cạnh hoạt động từ thiện nhân đạo, mô hình “từ thiện phát triển” được nhắc đến khá nhiều. Không đơn thuần là cho-nhận, mà đây là sự hỗ trợ dài hơi giúp cải thiện đời sống và nâng cao khả năng tự lực của đối tượng thụ hưởng là cá nhân/cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương. Thay vì dừng lại ở việc phát quà từ thiện, nhiều tổ chức hướng đến các hoạt động đi vào chiều sâu như: giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn học tập lâu dài, hỗ trợ xây cầu dân sinh, hỗ trợ bò sinh sản, xây nhà vệ sinh cho trường học vùng khó… Đáng chú ý, tại chương trình “Xuân tình nguyện 2022”, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Câu lạc bộ “Vòng tay yêu thương” TP. Pleiku tặng 2.200 cuốn sách về pháp luật và kỹ năng sống cho Trại giam Gia Trung với tổng trị giá 150 triệu đồng. Đây đều là những tựa sách hay, đáng đọc và ngẫm ngợi như: “Sức mạnh của sự tử tế”, “Muôn kiếp nhân sinh”, “100 gương hiếu”, “Tranh nhân-quả”, “Chuyển họa thành phúc”… Các phạm nhân đã được trao gửi những thông điệp hết sức ý nghĩa: “Nếu nhìn về phía mặt trời thì bóng tối sẽ ở lại phía sau”.
Phát biểu tại một hội thảo về từ thiện phát triển ở Hà Nội hồi cuối năm 2020, bà Tôn Nữ Thị Ninh-Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. Hồ Chí Minh-nhận định rất xác đáng: “Nếu chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp về lương thực, áo quần thôi thì chúng ta khó là một xã hội phát triển. Cùng với từ thiện nhân đạo, cứu trợ thì dần dần phải có từ thiện phát triển-tức là từ thiện mang tính chủ động, có tầm nhìn, đích đến rõ ràng, hướng tới sự bền vững bằng minh bạch giải trình và chuyên nghiệp. Từ thiện phát triển phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình”. 
Phải thừa nhận rằng, để theo đuổi từ thiện “đường dài” là không dễ, bởi việc tổ chức thực hiện công phu, nỗ lực và nhiệt tâm, luôn dõi theo sự tiến bộ cũng như những khó khăn gặp phải của đối tượng được hỗ trợ để có kế hoạch phù hợp. Trong khi đó, kết quả lại không đến một sớm một chiều. Phải kiên nhẫn như chờ đợi một cái cây lớn lên, năm này qua tháng nọ. 
Nhưng còn gì ý nghĩa hơn khi mà sự chung tay của cộng đồng giúp đổi thay số phận một con người, giúp họ đi từ chỗ tuyệt vọng đến một tương lai tươi sáng? Thêm một người có ích cho xã hội là thêm một mầm xanh, thêm bóng mát, thêm điểm tựa vững chãi. Và cứ thế niềm lạc quan và tin yêu vào cuộc sống sẽ lan tỏa những giá trị sống tích cực, đẹp đẽ, thiện lành. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.
Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.