“Cơm treo” nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Cho đi yêu thương-nhận lại hạnh phúc” là thông điệp mà chị Trần Thị Giáng Sinh-Chủ quán cơm tô Chị Đẹp (vỉa hè đường Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) muốn gửi gắm khi triển khai mô hình “cơm treo”.

11 giờ, quán cơm tô Chị Đẹp đông người đến ăn trưa; trong đó có nhiều người làm nghề bán vé số, bán hàng rong, xe ôm. Đã quen thuộc với địa chỉ này, bà Trần Thị Thu Hương (người bán vé số, trọ ở hẻm 23 đường Thống Nhất, phường Ia Kring) lấy tấm phiếu “cơm treo” đặt ở quầy thức ăn để trao cho chủ quán. Nhận tấm phiếu, chị Sinh nhanh nhẹn lấy cơm và các món ăn theo yêu cầu.

Chị Trần Thị Giáng Sinh (bìa phải) trao các suất “cơm treo” cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: M.N

Chị Trần Thị Giáng Sinh (bìa phải) trao các suất “cơm treo” cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: M.N

Bà Hương chia sẻ: “Đây là lần thứ 5 tôi đến ăn “cơm treo” ở quán. Tôi biết đến mô hình này trong một lần đi ngang và được chủ quán mời vào ăn. Suất cơm này giúp tôi tiết kiệm một phần chi tiêu. Tôi cũng báo cho những người cùng hoàn cảnh biết về cơ sở này”.

Bà Hồ Thị Thắng (bán vé số) cũng là khách quen của quán “cơm treo”. Bà Thắng bày tỏ: “Quán giúp người nghèo giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Ở đây sạch sẽ, các món ăn đều hợp khẩu vị. Tôi mong việc làm ý nghĩa này tiếp tục được duy trì để những người khó khăn có thêm suất ăn miễn phí”.

Mô hình “cơm treo” được chị Sinh khởi động vào ngày 23-5 vừa qua. Cách vận hành của mô hình “cơm treo” khá đơn giản. Thực khách bất kỳ khi đến ăn cơm có thể trả thêm tiền cho 1 hoặc nhiều suất cơm khác rồi gửi lại quán. Quán sẽ trao tặng suất cơm đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Quán cơm tô Chị Đẹp mở cửa từ 11 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Mỗi suất cơm bình thường giá bán 30 ngàn đồng, còn mỗi suất “cơm treo” có giá 25 ngàn đồng. Phần cơm đa dạng gồm: thịt luộc, cá kho, đậu hũ nhồi thịt, sườn rim, canh chua... Ngoài cơm, quán cũng có các món bún, mì quảng, khách có thể đổi món.

Nói về mô hình nhân văn này, chủ quán cơm tô Chị Đẹp cho hay: “Gia đình kinh doanh quán cơm tô được hơn 1 năm. Hàng ngày, tôi chứng kiến rất nhiều người khó khăn đi ngang qua đây. Tình cờ biết đến mô hình “cơm treo” ý nghĩa đã triển khai hiệu quả ở TP. Hồ Chí Minh, tôi quyết định áp dụng tại quán của mình. Một bữa cơm không có giá trị lớn về vật chất nhưng lại giúp những mảnh đời khó khăn có thêm bữa ăn no bụng”.

Những ngày đầu, mọi người rất ngạc nhiên và chưa hiểu rõ về mô hình này. Chị Sinh đã cùng bạn bè đăng tải lên trang Facebook cá nhân về cách thức thực hiện và giới thiệu đến những người bán vé số để lan tỏa thông tin. Dần dần, nhiều người biết và tìm đến ủng hộ suất “cơm treo”, những người khó khăn cũng dần quen và nhận sự hỗ trợ này.

Đến nay, quán đã nhận được hơn 100 suất “cơm treo”. Đa phần khách đến ủng hộ tại quán đều không để lại tên hay địa chỉ; nhiều người không ăn nhưng vẫn ghé quán gửi tiền. Đằng sau mỗi phiếu “cơm treo”, người gửi ghi lại những lời nhắn nhủ: “Chúc mọi người may mắn”, “Chúc cô, chú ăn cơm ngon miệng”… Khách đến lấy cơm đa phần là người già neo đơn, người bán vé số, xe ôm, bán hàng rong. Khi quán hết “cơm treo”, chị Sinh trích lợi nhuận của quán để hỗ trợ 5-7 suất ăn miễn phí/ngày.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang ủng hộ các phiếu cơm treo cho những người còn khó khăn. Ảnh: MN

Chị Nguyễn Thị Thu Trang ủng hộ các phiếu cơm treo cho những người còn khó khăn. Ảnh: MN

Là người thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho mô hình “cơm treo”, chị Nguyễn Thị Thu Trang (tổ 2, phường Diên Hồng) tâm sự: “Tôi biết đến mô hình này qua bài viết trên mạng xã hội của chị Sinh. Mỗi lần tôi treo 1-3 suất cơm để hỗ trợ những người khó khăn hơn mình. Dù không biết người nhận suất cơm treo là ai nhưng tôi thấy hạnh phúc khi có thể giúp được cho ai đó”.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của mô hình, chị Sinh lập danh sách và thống kê số liệu nhận-trao cơm mỗi ngày, rồi đăng tải lên trang Facebook để mọi người tiện theo dõi.

“Khi triển khai mô hình này, tôi đã nhận được một số ý kiến trái chiều. Nhiều người nghĩ tôi làm vậy để bán được nhiều hơn hoặc nghi ngờ tôi nhận tiền và không hỗ trợ lại suất ăn cho người khó khăn. Tôi không để bụng, bởi việc làm này xuất phát từ cái tâm của mình. Nhìn các cô, chú ăn cơm ngon miệng, tinh thần vui vẻ, tôi có thêm động lực để làm.

Mô hình này cũng là cầu nối những nhà hảo tâm với những người dân đang khó khăn. Hy vọng cách làm này ngày càng lan tỏa để có thêm nhiều người được nhận những suất cơm miễn phí”-chị Sinh tâm sự.

Quán cơm tô Chị Đẹp là địa chỉ đầu tiên ở TP. Pleiku triển khai mô hình “cơm treo”. Mô hình giúp nhiều người có thêm niềm tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tết ấm cho người nghèo

Tết ấm cho người nghèo

(GLO)- Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ nhà ở, tặng quà giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện đón một cái Tết ấm áp.