Cổ vật kỳ sự: Bức hoành phi có thủ bút chúa Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở Huế có hai ngôi chùa ở hai làng gần nhau cùng tên Quang Đức (Quang Đức tự). Sự trùng hợp này xuất phát từ một bức hoành phi có bút tích của chúa Nguyễn Phúc Khoát từ cách đây 269 năm.

Một chùa Quang Đức xưa thuộc làng An Vân, H.Hương Trà, hiện nay thuộc P.An Hòa, TP. Huế (Thừa Thiên-Huế). Theo tài liệu dư địa chí Thừa Thiên-Huế, chùa do hai bà Hà Thị Thanh và Hà Thị Thái, phi tần của chúa Nguyễn Phúc Thụ lập ra để tu hành sau khi chúa qua đời. Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên nối nghiệp, vào năm Đinh Mão (1747) ông đã ban sắc tứ cho ngôi chùa và đích thân viết biển Quang Đức tự bằng chữ Hán để đặt ở chùa này. Tấm biển khắc 5 chữ “Sắc Tứ Quang Đức Tự”, phía trái khắc 8 chữ “Quốc vương Từ Tế đạo nhân ngự đề”, bên phải khắc ngày tháng năm tạo lập.

 

Tấm hoành phi có thủ bút của chúa Nguyễn Phúc Khoát tại chùa Quang Đức làng Đức Bưu.
Tấm hoành phi có thủ bút của chúa Nguyễn Phúc Khoát tại chùa Quang Đức làng Đức Bưu.

Cũng theo tài liệu dư địa chí Thừa Thiên-Huế, đích thân chúa Nguyễn Phúc Khoát còn tặng bức hoành phi sơn son và ngự đề bốn chữ “Thế Tôn Bảo Điện”, nguyên để thờ ở điện Phật. Trên tấm hoành này có dòng lạc khoản niên hiệu và khắc dấu ấn, ngày tháng và câu "Quốc vương Từ Tế đạo nhân ngự đề" cùng các mô típ rồng xung quanh giống tấm biển “Sắc Tứ Quang Đức Tự”.

Theo nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm (Huế), trong kháng chiến chống Pháp, nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra ở vùng An Hòa, Đốc Sơ, An Vân, nên chùa Quang Đức rơi vào tình trạng hoang phế. Hiện nay ngôi chùa xuống cấp, mối mọt xâm hại đến mức nghiêm trọng.

Ông Tống Phước Nghé, người chăm lo hương khói tại ngôi chùa này, cho biết gia đình ông đã trải qua 4 đời ở ngôi chùa này. Ngoài những hiện vật quý có từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, hiện chùa còn giữ chuông đồng đúc năm 1907 cùng nhiều tượng Phật, pháp khí cổ. Tuy nhiên tấm hoành phi "Thế Tôn Bảo Điện" do chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự đề thì không còn nữa.

Hoành phi quý về đâu ?

Ngôi chùa Quang Đức thứ hai nằm ở làng Đức Bưu (nay thuộc P.Hương Sơ, TP.Huế), cách làng An Vân không xa. Ngay trước chánh điện của ngôi chùa treo một bức hoành phi “Thế Tôn Bảo Điện” với các dòng lạc khoản, niên hiệu cho thấy đây là bút tích của chúa Nguyễn Phúc Khoát.

 

Ông Tống Phước Nghé giới thiệu tấm biển Sắc Tứ Quang Đức Tự tại chùa Quang Đức làng An Vân.
Ông Tống Phước Nghé giới thiệu tấm biển Sắc Tứ Quang Đức Tự tại chùa Quang Đức làng An Vân.

Khi chúng tôi đến chùa, đại đức trụ trì chùa Thích Thiện Bảo đã có phật sự đi nước ngoài, nên giao lại chùa cho đại đức Thích Thiện Tịnh trông coi. Đại đức Thích Thiện Tịnh xác nhận chùa cũ là Niệm phật đường Đức Bưu, sau khi xây dựng lại mới có tên chùa Quang Đức. Về bức hoành phi có bút tích của chúa Nguyễn Phúc Khoát ở chùa, đại đức Thích Thiện Tịnh cho biết nghe dân làng nói “lượm được do lụt trôi đến”. Theo nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm, chính các bô lão của làng Đức Bưu từng thừa nhận đã nhặt được tấm hoành phi có thủ bút của chúa Nguyễn Phúc Khoát nói trên và đưa vào chùa làng cất giữ.

Hỏi chuyện các bô lão trong làng An Vân, chúng tôi được nghe kể lại rằng, trong trận lụt lịch sử tại Huế năm 1953, chùa Quang Đức (làng An Vân) bị nước lũ tràn vào làm hư hại và trôi mất nhiều hiện vật, trong đó có bức hoành phi "Thế Tôn Bảo Điện" nêu trên. Bức hoành phi trôi sang làng Đức Bưu bên cạnh, dân làng Đức Bưu nhặt được đã đưa vào chùa làng treo lên chánh điện phụng thờ. Năm 2007, chùa được trùng tu lại khang trang và mang tên Quang Đức Tự.

Nhà nghiên cứu - bác sĩ Nguyễn Anh Huy tại buổi thuyết trình công trình khảo cứu Theo dấu các chúa Nguyễn qua các bức ngự đề, diễn ra tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) năm 2014, đã cho rằng chính duyên lành nhờ bức hoành phi có bút tích của chúa Nguyễn Phúc Khoát trôi sang làng Đức Bưu mới có chùa Quang Đức ra đời. Do đó hiện tại giữa ngôi chùa cổ Quang Đức (làng An Vân) và ngôi chùa mới Quang Đức (làng Đức Bưu) có sự giống nhau về tên gọi.

Theo ông Huy, những hiện vật có bút tích của chúa Nguyễn Phúc Khoát từ năm 1747 còn được lưu giữ là một tài sản văn hóa vô giá của Huế. “Bỏ qua việc tranh cãi hiện vật thuộc về ai, trước mắt Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế cần phối hợp với các ngành chức năng liên quan sớm có kế hoạch đưa vào danh mục quản lý, bảo tồn, gìn giữ hiện vật để phát huy giá trị, tránh việc mất mát và hư hỏng”, ông Huy đề nghị.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.