(GLO)- Trước khi bàn luận vấn đề này, xin dẫn ra một câu chuyện thực tế mà tôi từng chứng kiến. Cách đây vài năm, anh bạn ở cơ quan tôi có đứa con trai út vào lớp 1. Vợ anh vốn là nhà giáo và chính anh cũng xuất thân từ trường sư phạm nên “chấp hành” rất tốt chủ trương của ngành Giáo dục -Đào tạo là không cho con học trước chương trình lớp đầu cấp phổ thông, cụ thể là cháu cứ học hết mẫu giáo lớn rồi chuyển thẳng vào lớp 1 rất “đúng quy trình”.
Những ngày đầu phấn khởi đưa con vào lớp 1, anh bạn tôi tin tưởng giao cho cô giáo dạy dỗ. Thời gian sau, kiểm tra lại việc học tập của con, anh mới tá hỏa là cháu không theo kịp các bạn cùng lớp, vì hầu hết các thành viên của lớp 1 đều đã đọc thông viết thạo, biết làm các phép tính đơn giản. Tất nhiên, cô giáo cũng dạy theo chương trình, sách giáo khoa bình thường, nhưng các cháu quá “thông minh”, học một biết mười, lật sách ra là đọc vanh vách khiến giáo viên không mấy vất vả khi phải tập đánh vần từng chữ và cầm tay nắn nón từng nét bút cho các cháu. Ngoại trừ một vài cháu (như con của bạn tôi) không được học trước nên ngồi ngơ ngác, thán phục nhìn bạn mình học như chơi mà phát thèm… Biết “cái lỗi” ngu ngơ này của mình, anh bạn tôi, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, còn lại là dành cho đứa con tội nghiệp để dạy cho cháu ghép vần và làm toán. Phải mất vài tháng sau, cháu mới tập tành nối gót theo kịp bè bạn một cách khá vất vả.
Ảnh minh họa |
Theo tìm hiểu của tôi thì hầu như đa số phụ huynh ở vùng đô thị hiện nay đều cho con học đọc, học viết trước khi vào lớp 1. Thông thường thì các cháu vừa học xong mẫu giáo lớn (vừa biết mặt chữ cái), cha mẹ tranh thủ 3 tháng hè gửi con cho các cô giáo tiểu học để học trước chương trình nên đến khi vào lớp 1, các cháu đã cơ bản đã biết đọc và làm các phép tính giản đơn. Nếu có cháu nào còn tập tò đánh vần theo sách giáo khoa thì rất khó khăn để theo kịp chúng bạn. Những trường hợp này thường làm cho các cháu mang tâm lý tự ti mặc cảm hoặc cao hơn là khủng hoảng tinh thần vì thấy mình kém xa bạn bè cùng lứa nếu như không được cô giáo chăm sóc, động viên kịp thời.
Về mặt tâm lý, giáo dục học thì các nhà sư phạm không đồng tình với việc cho trẻ học chữ trước 6 tuổi. Vì các cháu ở lứa tuổi mầm non, tâm-sinh lý còn rất non nớt, dễ tổn thương nếu như không biết chăm sóc, giáo dục đúng cách . Chúng ta không nên tìm cách áp đặt, bắt buộc con cháu học tập, nhồi nhét kiến thức ở lứa tuổi này mà để các cháu vui chơi hồn nhiên. Nếu phụ huynh cố ép các cháu học trước chương trình lớp 1 thì sẽ làm cho trẻ mất đi hứng thú học tập khi vào thực học vì đã biết rồi. Đồng thời sẽ làm mất đi tính sáng tạo, tư duy độc lập của các cháu khi quan sát sự vật, hiện tượng.
Đề cập vấn đề này, tôi thiển nghĩ, đối với các cháu ở độ tuổi mầm non (3-5 tuổi) thì để các cháu phát triển bình thường. Nếu ở ngưỡng 5-6 tuổi, cháu nào có nhu cầu muốn học chữ thì vẫn dạy cho các em biết đọc, biết viết nhưng phải đúng phương pháp, rèn cả tư thế ngồi, cầm bút… Cha mẹ không có thời gian dạy cho con thì nên nhờ đến cô giáo có kinh nghiệm, không được dạy theo cảm tính và không nên dạy trước chương trình lớp 1 như một số người vẫn làm.
Đối với phụ huynh, trước khi cho con vào lớp 1, cần chuẩn bị cho trẻ một tâm thế mới, cả về sức khỏe và tâm lý phấn khởi khi bước vào môi trường mới của học đường với tính tự chủ, tính đồng đội trong học tập. Luôn kiểm tra, giúp đỡ, động viên các cháu ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường; nếu thấy các cháu gặp khó khăn ở điểm nào thì phối hợp ngay với cô giáo để có phương pháp tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng để các cháu mất tinh thần, niềm tin trong học tập.
Việt Linh