Chuyện về Minh “mê Tin”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ẩn sau dáng người nhỏ bé là cả một khối ý chí, nghị lực và tinh thần quyết tâm cao trong học tập của em Lê Quang Minh (lớp 12A3, Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Hơn 10 năm qua, Minh đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật từ các “sân chơi tri thức” và biến chúng thành động lực cho bản thân trên hành trình chinh phục giấc mơ công nghệ bằng ngôn ngữ lập trình.

Tôi hẹn gặp Lê Quang Minh ngay khi em vừa trở về từ Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIX tại Quảng Ninh. Là 1 trong 3 thí sinh của tỉnh xuất sắc góp mặt ở vòng chung kết, Minh đã nỗ lực thi đấu và mang về giải khuyến khích ở bảng C2 (lập trình khối THPT không chuyên). Đáng chú ý, em cũng là đại diện đầu tiên ở Gia Lai giành được tấm vé vào chung kết hội thi toàn quốc với nội dung lập trình.

Vượt khó học giỏi

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Minh là dáng người khá nhỏ bé so với độ tuổi 17 của em. Giống như chia sẻ của Minh: “Mặc dù đã lên lớp 12 nhưng nhiều người bảo rằng trông em chẳng khác học sinh THCS là mấy”. Ba mẹ Minh từng là giáo viên “cắm làng” tại xã Krong, huyện Kbang. Minh được sinh ra tại vùng căn cứ cách mạng và trải qua 5 năm tuổi thơ đầu đời bên ba mẹ cùng chị gái ở nơi này. Đến khi Minh vào mẫu giáo, với mong muốn các con có điều kiện học tập tốt hơn, gia đình em đã chuyển về thị trấn Kbang sinh sống. Đổi lại, mỗi ngày, chị em Minh đều phải thức dậy từ khá sớm đi đến trường để ba mẹ kịp giờ vào Krong lên lớp.

Em Lê Quang Minh (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng các học sinh Trường THPT Chi Lăng tham gia tranh tài tại giải đấu Vex Senior Robotics Competition 2023 ở Thái Lan (ảnh đơn vị cung cấp).

Em Lê Quang Minh (hàng ngồi, thứ 2 từ phải sang) cùng các học sinh Trường THPT Chi Lăng tham gia tranh tài tại giải đấu Vex Senior Robotics Competition 2023 ở Thái Lan (ảnh đơn vị cung cấp).

Bà Phạm Thị Mận (mẹ Minh) nhắc nhớ: “Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ 30 phút, 2 mẹ con đã ra khỏi nhà để đến trường mầm non. Tôi gửi Minh cho chú bảo vệ và nhờ cô giáo đón con vào lớp. Con học tập, sinh hoạt bán trú tại trường cho đến chiều muộn mới được mẹ đón về. Lên lớp 1, vì nhà gần trường nên Minh chủ động đi học cùng chị. Dù ba mẹ không thường xuyên bên cạnh nhưng 2 chị em đều có tinh thần học tập rất tự giác và nghiêm túc. Vợ chồng tôi cũng thấy yên tâm hơn khi công tác xa nhà”.

Từ nhỏ, Minh đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt về khả năng tính toán. 5 tuổi, dù chưa hề biết về các phép tính, song qua một số câu đố đơn giản của mẹ, Minh đều nhẩm ra kết quả rất nhanh và chính xác. Năm học lớp 1, Minh hào hứng thử sức ở cuộc thi Violympic Toán (giải Toán qua mạng) cấp huyện và đạt giải nhất. Kết quả này đã giúp Minh thêm tự tin tham gia nhiều cuộc thi về Toán học vào những năm sau đó với mục tiêu trải nghiệm và nâng cao năng lực bản thân. Một số thành tích nổi bật mà em đạt được có thể kể đến như: giải nhất cuộc thi Violympic cấp tỉnh, huy chương bạc Violympic cấp quốc gia năm lớp 5; huy chương đồng và huy chương bạc kỳ thi Olympic Toán Singapore và châu Á (SASMO) lần lượt vào năm lớp 6 và lớp 7; giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán lớp 9… Những thành quả này đã minh chứng cho nỗ lực không ngừng của cậu học trò trường huyện.

Có duyên với các cuộc thi Toán học là vậy, song điều hấp dẫn Minh nhất lại là chiếc máy tính để bàn của ba mẹ và những thuật toán lập trình. Kể từ khi được tiếp cận với máy tính qua các cuộc thi giải Toán online, Minh đã muốn khám phá và chinh phục nó. Không ít lần, ba mẹ em phải mang máy tính ra tiệm sửa chữa vì chính sự tò mò của con trai. “Lúc còn nhỏ, em chỉ nghĩ đơn giản rằng máy tính là một công cụ hữu ích. Song đến năm lớp 8, khi được làm quen với môn Tin học, em mới cảm nhận hết được sự phức tạp đầy thú vị của nó. Vậy là, em quyết tâm theo đuổi môn học mới mẻ này”-Minh chia sẻ.

“Nghiện” lập trình

Lê Quang Minh có niềm đam mê đặc biệt với ngôn ngữ lập trình. Niềm đam mê ấy được “truyền lửa” mạnh mẽ khi em theo học lớp 10 và tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Tin học IterS tại Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang). Không chỉ tích lũy thêm nhiều kiến thức liên quan đến công nghệ, thông qua CLB, Minh đã rèn luyện được kỹ năng thực hành lắp ráp, sửa chữa máy tính cũng như tìm hiểu sâu hơn về các ngôn ngữ lập trình như: C++, Python, Java… Đáng chú ý, em đã tham gia lập trình và cùng các bạn tạo ra một số sản phẩm công nghệ như: camera chống trộm, sử dụng Deep-learning trong việc chẩn đoán bệnh phổi.

Cũng trong năm học này, Minh lần đầu tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học của trường và dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh bảng B nhưng chưa đạt giải. “Kết quả khiến em có chút chạnh lòng nhưng em nghĩ rằng vạn sự khởi đầu nan. Vậy nên, bản thân cứ tiếp tục cố gắng và chưa bao giờ nản chí hay có ý định từ bỏ”-Minh bộc bạch.

Em Lê Quang Minh tận dụng mọi lúc mọi nơi để rèn luyện kỹ năng lập trình. Ảnh: M.T

Em Lê Quang Minh tận dụng mọi lúc mọi nơi để rèn luyện kỹ năng lập trình. Ảnh: M.T

Năm 2022, Minh nhận được học bổng toàn phần của Trường THPT Chi Lăng cho 2 năm học còn lại. Quyết định cho bản thân cơ hội để đến gần hơn với ước mơ, em chấp nhận xa gia đình, một mình lên Pleiku học tập. Dĩ nhiên, môi trường mới cũng khiến Minh gặp đôi chút khó khăn, song đổi lại, em được tạo điều kiện tốt nhất để “sống” với đam mê. Việc học nội trú giúp Minh có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho lập trình cũng như làm quen với các thiết bị công nghệ, từ đó tìm ra được phương pháp học tập tối ưu và hiệu quả hơn.

Ngoài đầu quân cho đội tuyển học sinh giỏi Tin học, Minh còn đăng ký tham gia CLB STEM-Robotics của trường ngay từ những ngày đầu mới ra mắt. Từ sân chơi này, Minh cùng các bạn thỏa sức tìm hiểu, lắp ghép, lập trình và sáng tạo robot, để rồi dần vươn ra khỏi “ao làng” để thử sức ở đấu trường quốc gia lẫn quốc tế. Tại giải đấu Vex Senior Robotics Competition 2023 tại Thái Lan diễn ra vào tháng 3-2023, với vai trò lập trình, Minh đã cùng một số thành viên trong CLB STEM-Robotics của trường đạt top 3 chung cuộc ở thử thách liên minh. Trước đó, đội của Minh cũng giành được thứ hạng cao tại những cuộc thi Robotics trong nước.

Minh chia sẻ: “Trước đây, em có tìm hiểu và tự học lập trình, tuy nhiên chưa bao giờ tiếp xúc với thuật toán liên quan đến hoạt động của máy móc, thiết bị. Vì vậy, em gần như phải học lại từ đầu để có thể lập trình cho robot. Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Nguyễn Thanh Phụng, em bắt đầu lập trình robot từ những hoạt động đơn giản đến phức tạp. Không ít lần, vì lỗi lập trình mà linh kiện bị hỏng phải thay mới. Thế nhưng, tất cả với em đều là những bài học quý giá trên hành trình theo đuổi đam mê”.

Không dừng lại ở đó, “trái ngọt” tiếp tục đến với nam sinh này khi em giành được huy chương bạc môn Tin học tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 lần thứ 27, Huy chương vàng kỳ thi Olympic Tin học miền Trung-Tây Nguyên lần thứ IV năm 2023; đồng thời, đạt giải khuyến khích môn Tin học tại kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bảng B năm học 2022-2023. Ngoài ra, với thế mạnh về lập trình, Minh đã đăng ký tham gia tranh tài tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2023 ở nội dung này và đạt được giải nhì cấp tỉnh, giải nhất khu vực miền Trung, giải khuyến khích chung cuộc. Minh cũng là học sinh đầu tiên của Gia Lai lọt vào vòng chung kết hội thi ở nội dung lập trình.

“Mức độ đề thi vòng chung kết khá khó nên dù đã cố gắng hết khả năng, em chỉ mang về được giải khuyến khích. Qua cuộc thi, em nhận ra mình còn rất nhiều kiến thức cần bổ khuyết và học hỏi nhiều hơn nữa”-Minh nhìn nhận.

Thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng: Em Lê Quang Minh là học sinh giỏi toàn diện 11 năm liền. Em học đều tất cả các môn và đam mê Tin học. Khi phát hiện tài năng của Minh ở lĩnh vực lập trình, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ mời các giảng viên giỏi trong và ngoài tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng thêm cho em ở những phần mà em còn chưa vững. Mong em phát huy được sở trường và tiến xa hơn trên con đường chinh phục đam mê trong tương lai.

Chia sẻ thêm về bí quyết học tập môn Tin, Minh cho hay: “Để học tốt, em nghĩ trước hết các bạn phải có đam mê. Sau đó, cần vạch ra lộ trình học tập và phấn đấu rõ ràng, đặt ra mốc thời gian cụ thể để hoàn thành. Riêng lập trình, người học phải chịu khó tìm tòi, cập nhật kiến thức liên tục và kiên nhẫn, cẩn trọng khi viết code để tránh những lỗi sai cơ bản”.

Nhận xét về cậu học trò của mình, thầy Nguyễn Thanh Phụng-giáo viên Tin học, Chủ nhiệm CLB STEM-Robotics Trường THPT Chi Lăng không ngại dành những lời “có cánh”: “Minh ngoan hiền và rất thông minh, luôn có nhiều ý tưởng hay và sáng tạo trong lập trình cũng như thiết kế mô hình robot. Khả năng tự học của em khá tốt, chỉ cần nghe giáo viên giới thiệu qua là em có thể nghiên cứu để hoàn thành bài tập đạt yêu cầu. Nhận thấy được khả năng của Minh, tôi luôn tạo điều kiện tối đa về mặt thời gian và trang-thiết bị ngoài giờ học trên lớp để em có thể phát triển đam mê của mình”.

Bước vào năm học cuối cấp, Minh đã chuẩn bị cho mình một hành trang thật tốt để đạt được kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT; đồng thời, tiếp tục rèn luyện kỹ năng Tin học để trở thành sinh viên ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. “Với ngành học này, em có thể thỏa sức nghiên cứu cấu trúc dữ liệu, cơ sở dữ liệu và tiếp cận với đa dạng các thuật toán xử lý dữ liệu, khai phá dữ liệu. Đồng thời, trí tuệ nhân tạo cũng là lĩnh vực mà em mong muốn góp sức trong tương lai nhằm phát triển các ứng dụng hỗ trợ người dùng một cách hữu ích nhất”-Minh kiên định.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.