Chuyển tiền ra nước ngoài có dễ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công ty CP đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) báo cáo tạm ứng cho Chủ tịch HĐQT là bà Maya Danglas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến ) số tiền hơn 1.936 tỉ đồng để tham gia dự án ở Mỹ khiến nhiều người quan tâm đến việc chuyển tiền ra nước ngoài khó hay dễ.

Chỉ được chuyển tiền khi có giấy phép

Từ trước đến nay, việc chuyển tiền của cá nhân hay các doanh nghiệp (DN) ra nước ngoài được quy định khá chặt chẽ. Quy định hiện hành cho phép mỗi cá nhân khi đi du lịch nước ngoài chỉ được mang tiền mặt tối đa là 5.000 USD/người. Riêng cho con đi du học, số tiền được chuyển ra ngoài sẽ phụ thuộc vào học phí của mỗi trường. Gia đình anh Ngọc (Q.3, TP.HCM) có con trai du học ở Mỹ với học phí hơn 20.000 USD/năm (con anh có học bổng 50%). Một năm anh cũng nộp học phí 2 lần ở ngân hàng khi mang đủ giấy tờ gồm giấy xác nhận của trường và visa của con trai. Bản thân anh sẽ nộp tiền mặt và khi đó ngân hàng sẽ tính tỷ giá quy đổi sang tiền USD. Mức phí cũng tùy ngân hàng, dao động khoảng 1 triệu đồng/lần chuyển.

 

Quy định chuyển tiền ra nước ngoài khá chặt nếu thông qua ngân hàng. Ảnh: Ngọc Thắng
Quy định chuyển tiền ra nước ngoài khá chặt nếu thông qua ngân hàng. Ảnh: Ngọc Thắng



Theo TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Rajah & Tann LCT, pháp luật liên quan ngoại hối quy định chung về việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của cá nhân và tổ chức tại VN khá cụ thể. Theo điều 7 của Nghị định 70/2014/NĐ-CP, người VN được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho một số mục đích như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi du lịch nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác... Đối với người cư trú là tổ chức, việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài được cho phép để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đối với nhu cầu của DN VN muốn chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích đầu tư thương mại, việc này phụ thuộc vào hồ sơ đăng ký để có được chấp thuận đầu tư ra nước ngoài từ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (Bộ Kế hoạch - Đầu tư, NHNN). Trong đó, điều kiện tiên quyết phải có bao gồm việc nhà đầu tư phải có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng được phép như quy định của luật Đầu tư.

Ngoài quy định theo pháp luật đầu tư, nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài và phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với NHNN bao gồm các thông tin về nhà đầu tư, vốn đầu tư, tài khoản vốn đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài và tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài…

Chặt nhưng vẫn lỏng?

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng các quy định về ngoại hối của VN khá đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp lại “lỏng” và từ đó ngoại tệ có thể chảy sang nước ngoài. Ví dụ, trong quy định cá nhân được chuyển tiền ra nước ngoài có mục đích trợ cấp cho thân nhân. Có trường hợp một người trong gia đình đi định cư. Sau đó, những người còn lại trong gia đình cứ đều đặn hằng tháng thay phiên chuyển tiền cho người ở nước ngoài và chỉ sau 2 - 3 năm, tài khoản người này cũng đã đủ tiền để mua nhà giùm cho người vẫn đang ở VN. Đáng chú ý, DN muốn chuyển tiền ra nước ngoài phải có dự án đầu tư được cấp giấp phép theo quy định. Nhưng để làm hồ sơ xin thẩm định, cấp phép dự án không đơn giản. Trong khi đó, nhiều DN đã “lách” thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, các DN có thể lập một công ty con ở nước ngoài. Sau đó, công ty con sẽ ký hợp đồng mua hàng của công ty mẹ ở VN. Thế nhưng, giá trị hợp đồng mua hàng đó có thể sẽ không được thanh toán và phía công ty VN vẫn “treo” số tiền này trong khoản nợ phải thu của khách hàng từ năm này sang năm khác.

 

Việc kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài theo từng giao dịch đòi hỏi trách nhiệm chủ yếu và trước tiên thông qua sự xét soát của NHNN cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại để tránh xảy ra các tình huống các cá nhân hay DN lợi dụng để chuyển tiền không đúng mục đích đã kê khai. Tuy nhiên ngoài quy định chung nêu trên hiện nay vẫn chưa có một quy định thống nhất hướng dẫn cụ thể hơn, gây ra một số khó khăn trên thực tế cho việc kiểm soát hoạt động ngoại hối. Do vậy, có thể cân nhắc để hoàn thiện một khung pháp lý chung về hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài.

Luật sư Châu Huy Quang

TS Lê Đạt Chí phân tích: “Việc thành lập một công ty con ở nước ngoài khá đơn giản. Nhiều nước không quy định vốn pháp định đối với các ngành nghề phổ thông, nên chỉ cần khoảng 5.000 USD, nhờ một người ở nước sở tại có đủ điều kiện là thành lập được DN. Thế nhưng, có khi hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài của công ty VN sẽ lên đến trị giá hàng triệu USD và mãi không được thu về. Trong khi công ty con ở nước ngoài sau khi bán hàng thì có ngay cả triệu USD để chi dùng cho việc khác, đầu tư ở nước ngoài mà không cần phải báo cáo qua NHNN như quy định.

“Tôi nghĩ rằng các thương vụ chuyển tiền thông qua hợp đồng xuất nhập khẩu đã diễn ra nhiều năm nay và có thể khá nhiều. Cơ quan thuế thông qua các báo cáo tài chính hằng năm có thể phát hiện các khoản nợ phải thu này. Nếu như khoản nợ treo đã lâu, nhiều năm thì cần có yêu cầu giải trình báo cáo hoặc thậm chí yêu cầu DN hạch toán khoản phải thu này vào kết quả kinh doanh, không được khấu trừ thuế. Đồng thời cơ quan quản lý thuế nên công khai các đơn vị này để cổ đông, nhà đầu tư biết và có sự giám sát. Song song đó, cần xem xét bổ sung quy định trong các luật liên quan như kiểm toán, kế toán để yêu cầu các đơn vị hằng năm có tham gia vào báo cáo tài chính của DN như kiểm toán phải yêu cầu DN đưa các chứng từ liên quan các khoản phải thu từ nước ngoài”, TS Lê Đạt Chí nói.

Theo MAI PHƯƠNG (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.