Thống kê sơ bộ cho thấy, trong tháng 6, có gần 90 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ); trong đó, có gần 50 doanh nghiệp niêm yết, còn lại là các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh những cái tên nổi bật như bộ đôi Hoàng Anh Gia Lai – Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Lộc Trời hay Đạm Cà Mau…, ĐHCĐ của một số doanh nghiệp có câu chuyện riêng dự báo sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của cổ đông, nhà đầu tư.
SVC: Ẩn số kế hoạch kinh doanh 2018
Ngày 15/6 tới, Hội đồng quản trị CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2018 với chỉ tiêu doanh thu 14.200 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2017. Kế hoạch này của SVC có vẻ khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng của ngành ô tô là 20%/năm, cũng như tốc độ mở thêm đại lý của Công ty.
Theo SVC, trong 5 tháng đầu năm 2018, Công ty đã đưa vào hoạt động 3 đại lý ô tô 2S - 3S, nâng tổng số đại lý lên con số 42, vượt so với kế hoạch 35 - 40 đại lý đã được cổ đông thông qua trong mùa đại hội trước. SVC cũng có kế hoạch tăng thêm 3 đại lý trong năm nay.
Đáng chú ý, năm 2017, thị phần của SVC được nâng từ 8,6% năm 2016 lên 9,9% toàn thị trường ô tô Việt Nam (các nhà sản xuất lắp ráp thuộc VAMA), nhưng sang năm nay, SVC lại không đề cập đến mục tiêu gia tăng thị phần trong các tài liệu trình Đại hội tới.
Năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành ô tô khi Chính phủ siết chặt quản lý nhập khẩu ô tô, trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và áp lực cạnh tranh của SVC cũng lớn hơn.
Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh 2018 của SVC chưa bao gồm lợi nhuận từ việc hạch toán dự án 104 Phổ Quang (TP.HCM). Công ty cho biết đang thực hiện các thủ tục để hoàn tất chuyển nhượng và hạch toán lợi nhuận. Tổng lợi nhuận dự kiến từ dự án này gần 57 tỷ đồng. Đây dự báo sẽ là nội dung cổ đông trông đợi lãnh đạo Công ty làm rõ hơn.
TV1: Kinh doanh bết bát, báo cáo tài chính bị kiểm toán từ chối
Tại ĐHCĐ của CTCP Tư vấn xây lắp điện 1 (TV1) vào ngày 29/6 tới, Hội đồng quản trị TV1 có thể sẽ phải nhận nhiều chất vấn cổ đông. Bởi ngày 13/6, cổ phiếu TV1 sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của TV1.
Bên cạnh các vấn đề pháp lý, hoạt động kinh doanh của TV1 dự báo kém khả quan trong năm 2018 khi Công ty dự kiến doanh thu 575 tỷ đồng, nhưng đặt kế hoạch không lợi nhuận. Quý I/2018, TV1 lỗ 6,3 tỷ đồng, mặc dù doanh thu vẫn tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 138 tỷ đồng.
Theo TV1, nguyên nhân thua lỗ trong quý I/2018 là do Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 43,5 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu kỳ.
Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh và các số liệu tài chính không được xác thực đã và đang phản ánh vào giá cổ phiếu TV1. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 8/6, cổ phiếu TV1 dừng ở mức 13.000 đồng/cổ phiếu, giảm 27% so với thời điểm đầu năm, 38% trong vòng 1 năm trở lại đây. Mức giá này tương đương với mức P/E không tưởng hơn 50 lần, nhưng thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách của TV1 tính đến hết 31/3/2018, khoảng hơn 30.000 đồng/cổ phiếu.
KHA: Thanh khoản vẫn tắc khi xuống UPCoM
Sau khoảng 1 năm chuẩn bị, ngày 11/5 vừa qua, CTCP Đầu tư và dịch vụ Khánh Hội (KHA) đã hoàn thành hủy niêm yết trên HOSE và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Lý do chuyển sàn là để… cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu. Tuy nhiên, đến nay, cổ phiếu KHA vẫn giao dịch rất “nhỏ giọt”, nếu không muốn nói là cô đặc hơn. Khối lượng giao dịch trung bình đạt 1.100 cổ phiếu/phiên, mặc dù giá cổ phiếu đã tăng 50% từ thời điểm đó đến nay, hiện đạt trên 40.000 đồng/cổ phiếu.
Tại ĐHCĐ thường năm nay, KHA sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu 88 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2017, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 46 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ Công ty Đầu tư và dịch vụ Khánh Hội, công ty con của KHA. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp quản lý chung cư cho hơn 17 chung cư, cao ốc tại TP.HCM, bao gồm dự án 360D Vân Đồn, quận 4, TP.HCM.
Đáng chú ý, KHA đang có khoản đầu tư tài chính lớn vào 6 công ty với tổng giá trị đầu tư hơn 41 tỷ đồng. Đến 31/12/2017, KHA đã trích lập dự phòng 51% khoản đầu tư tương đương 21,2 tỷ đồng.
Trong khi các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành kém hiệu quả, một số quan điểm cho rằng, việc KHA cần làm hiện nay là tập trung vào mảng kinh doanh bất động sản với việc phát triển quỹ đất. Bởi quỹ đất đang là vấn đề lớn với KHA, nếu muốn hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp mạnh và uy tín trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, như tuyên bố của Công ty trong báo cáo thường niên năm 2017.
Ngọc Nhi (tinnhanhchungkhoan)