Chuyển khoản nhầm, có lấy lại được tiền?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chuyển khoản nhầm, biết thông tin tài khoản nhận nhưng trong nhiều trường hợp người gửi phải chấp nhận mất tiền. Đó là tình cảnh trớ trêu mà nhiều người gặp phải khi thực hiện các giao dịch thanh toán hiện nay.

Chuyển nhầm tiền khó đòi lại

Là cô giáo, tranh thủ thời gian rảnh buôn bán thêm thực phẩm tươi sống qua mạng xã hội, chị Thu Hà (Quảng Ninh) trong lúc thanh toán tiền cho đầu mối cung cấp hàng thì chẳng may bấm sai một con số nên chuyển nhầm số tiền 23 triệu đồng cho tài khoản khác. "Mất hồn mất vía", chị Hà liền gọi điện cho tổng đài ngân hàng (NH) để xin số chủ tài khoản chuyển nhầm để xin lại số tiền này. Phía NH cho biết số điện thoại của khách là thông tin bảo mật nên từ chối cung cấp mà sẽ liên lạc với tài khoản nhận và phản hồi sau. Sốt ruột, khi được người khác hướng dẫn cách "chuyển thêm 1.000 đồng cho tài khoản nhận kèm theo lời nhắn xin lại số tiền đã chuyển và để lại số điện thoại của mình", chị Hà liền làm ngay. Thế nhưng người nhận vẫn bặt vô âm tín.

Theo hướng dẫn của nhân viên NH, chị Hà báo công an tình trạng chị bị chuyển nhầm tiền. Sau nhiều ngày, chị Hà nhận được thông tin chủ tài khoản kia không giao dịch từ lâu, không liên lạc được qua số điện thoại người nhận và số tiền vẫn còn trong tài khoản. Biết chủ tài khoản ở Ninh Thuận, chị Hà mệt mỏi than trời: "Từ Quảng Ninh vào đến Ninh Thuận để nhờ can thiệp hỗ trợ lấy lại 23 triệu đồng. Tiền thì không biết lấy được không mà lại mất thêm một khoản chi phí đi lại, ăn ở, đó là chưa kể tiền cảm ơn. Nên tôi coi như bị xui, chịu mất số tiền đó".

Nên kiểm tra kỹ mọi trường thông tin trước khi bấm lệnh chuyển tiền qua app
Nên kiểm tra kỹ mọi trường thông tin trước khi bấm lệnh chuyển tiền qua app

Chị N.T.H (Sơn Tây, Hà Nội) cũng ấm ức khi kể chuyện chuyển nhầm tài khoản 5 triệu đồng. Nhân viên NH hỗ trợ liên lạc với tài khoản nhận, người này chỉ nghe máy lần đầu rồi tắt đi, không trả lời. Những lần sau đó đều không liên lạc được. "Muốn nhận lại tiền, phải báo công an xử lý, số tiền không lớn nên tôi đành bỏ", chị H. nói, vẫn chưa hết khó chịu.

Tình trạng mất tiền khi chuyển nhầm như chị Hà, chị H. không phải hiếm. Nhiều người chuyển nhầm vài triệu đến vài chục triệu, nếu không may gặp phải chủ tài khoản không chịu trả thì đa số đều có tâm lý "bỏ cho xong chuyện" chứ đeo đuổi mà không biết có đòi được không. Trưởng phòng Khách hàng của một NH tại TP.HCM cho biết mỗi ngày nhận được nhiều phản ánh của các chủ tài khoản chuyển nhầm từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Thường thì người chuyển yêu cầu NH cung cấp thông tin, số điện thoại cũng như phong tỏa số tiền của người nhận. Nhưng quy định nhà nước hiện không cho phép NH tự ý phong tỏa tài khoản của khách. NH chỉ được phép làm khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc được sự đồng ý của khách hàng. Hơn nữa, NH cũng không xác định được đó là chuyển nhầm hay giao dịch giữa 2 cá nhân với nhau để thực hiện phong tỏa tài khoản của khách. Vì thế, với các trường hợp này dù muốn NH cũng không thể hỗ trợ mà chỉ khuyên người chuyển nhầm báo công an xử lý tiếp theo.

Không trả, có thể bị truy cứu hình sự

Thực tế, theo quy định, chủ tài khoản nhận phải phối hợp hoàn trả lại khoản tiền chuyển nhầm vào tài khoản của mình. Trong trường hợp người nhận đã sử dụng số tiền chuyển nhầm, có thể thỏa thuận với người chuyển về thời gian để hoàn trả tiền. Nếu quá thời gian quy định mà người nhận vẫn chưa hoàn trả, NH sẽ thông báo đến khách hàng để khởi kiện theo quy định của pháp luật. Nếu người nhận không phối hợp hoàn trả và sử dụng số tiền đó, người chuyển có quyền khiếu nại theo quy định. Hình phạt cho hành vi sử dụng tiền chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng là phạt hành chính 3-5 triệu đồng, nếu số tiền lớn hơn 10 triệu đồng, người sử dụng có thể bị truy cứu hình sự với tội danh "Chiếm giữ trái phép tài sản". Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp người nhận sử dụng tiền của người chuyển nhầm đã phải đi tù.

Tuy nhiên, trên thực tế, qua tham khảo một số NH, thời gian lấy lại tiền tùy thuộc vào chủ tài khoản có đồng ý trả lại tiền hay không. Có người may mắn gặp được chủ tài khoản nhận tốt bụng thì chỉ mất vài giờ là đã có thể nhận lại được tiền, nhưng cũng có người mất mấy tháng, hay phải kiện ra tòa để đòi lại số tiền đã chuyển. Đại diện Vietcombank cho biết trong trường hợp khách hàng chuyển nhầm tiền và người nhận tiền đồng ý trả lại, Vietcombank sẽ thực hiện hoàn trả tiền cho khách hàng.

Thời gian hỗ trợ tối đa là 30 ngày và tối đa 3 lần cho một giao dịch yêu cầu hoàn trả. Chi phí áp dụng theo biểu phí hiện hành của Vietcombank về tra soát giao dịch. Đại diện NH này thừa nhận quá trình đi đòi tiền chuyển nhầm khá phức tạp nên chủ tài khoản cần lưu ý nhập chính xác số tài khoản, xem lại kỹ thông tin trước khi chuyển lệnh đi. Và thực tế, rất nhiều người không lấy lại được số tiền chuyển khoản nhầm dù biết rõ số tài khoản nhận.

Với công nghệ ngày càng phát triển, các hình thức thanh toán ngày càng đa dạng, tiện ích nên nhiều khi cũng xảy ra rủi ro. Ngoài việc khách hàng cần cẩn thận, cơ quan chức năng nên có hướng xử lý trong trường hợp chuyển nhầm để hỗ trợ khách hàng lấy lại được tiền.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia kinh tế-tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Mỹ, quy trình xử lý của NH rất nhanh khi xảy ra trường hợp khách hàng chuyển nhầm tiền, có khi chỉ mất 2 - 3 ngày. Người chuyển nhầm tiền báo cho NH mở tài khoản để họ đi xử lý đòi tiền. Về phía người nhận, nếu bỗng nhiên nhận được số tiền lạ sẽ báo cho NH của mình biết để hoàn trả tiền.

"Ở Mỹ, NH bảo vệ tài sản thân chủ rất cao. Các NH có bộ phận xử lý những trường hợp này thuộc bộ phận thanh toán, không phải trách nhiệm của các chi nhánh, phòng giao dịch của người nhận mở tài khoản. Trường hợp người nhận tiền không trả thì người chuyển nhầm nộp đơn kiện lên tòa án. Chỉ cần cung cấp chứng cứ đầy đủ, rõ ràng là xử nhanh trong vòng vài tiếng. Trường hợp người nhận tiền mà sử dụng thì bị truy tố hình sự", ông Hiếu cho biết.

Còn quy trình xử lý ở VN đầu tiên là báo công an, sau một thời gian thì kiện lên tòa. Chính vì mất thời gian và công sức như vậy nên những người chuyển nhầm khoản tiền nhỏ thường lựa chọn chịu mất chứ không còn cách nào để nhanh chóng lấy lại. Tùy theo từng NH có hướng xử lý hơi khác nhau và thời gian xử lý nhanh chậm khác nhau. Đó là chưa kể tình trạng tài khoản ảo, tài khoản ma… nhiều nên trong trường hợp chuyển nhầm vào những tài khoản này mà không tìm được chủ tài khoản thì cũng khó xử lý.

"Với công nghệ ngày càng phát triển, các hình thức thanh toán ngày càng đa dạng, tiện ích nên nhiều khi cũng xảy ra rủi ro. Ngoài việc khách hàng cần cẩn thận, cơ quan chức năng nên có hướng xử lý trong trường hợp chuyển nhầm để hỗ trợ khách hàng lấy lại được tiền", ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Nhận tiền lạ, hãy chủ động liên hệ ngân hàng

Trong trường hợp nhận được số tiền lạ vào tài khoản NH, sau đó có một cuộc điện thoại gọi đến hoặc một tin nhắn gửi đính kèm nội dung nhận chuyển tiền, hãy bình tĩnh kiểm tra xem người liên hệ có đúng là nhân viên NH hay không. Trong trường hợp hoàn lại tiền cho người chuyển, khách hàng tốt nhất chủ động liên hệ với NH để thực hiện hoàn trả, tránh nhấp vào đường link gửi theo yêu cầu của người lạ. Bởi kẻ gian lợi dụng việc chuyển nhầm tiền, gửi kèm theo đường link và yêu cầu người nhận đăng nhập để chuyển khoản trả lại số tiền nhận nhầm. Thật ra đây là thủ đoạn nhằm lấy thông tin tài khoản và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.