Chuyện học ở Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Ayun là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Chư Sê (Gia Lai), dù chỉ cách trung tâm huyện lỵ chưa đầy 20 km. Nhiều làng vừa mới được tái định cư khi triển khai thi công thủy lợi Ayun Hạ, cuộc sống của bà con chưa ổn định; dân số khi ấy chừng hơn 2.000 người, 100% là đồng bào dân tộc Bahnar và Jrai, sống chủ yếu là nhờ vào nương rẫy, gần như tự cung tự cấp, trên 89% hộ thiếu ăn và đói giáp hạt.
Đội ngũ cán bộ xã đều là các đồng chí nguyên là cán bộ, chiến sĩ người Bahnar, Jrai tại chỗ. Khi ấy, với vai trò Bí thư Huyện ủy, vài ba lần về xã làm việc, tôi nhận định nguyên nhân của sự đói nghèo, lạc hậu một phần là do trình độ dân trí thấp, đội ngũ cán bộ đa số chưa đọc thông viết thạo. Sau khi thống nhất trong Thường trực Huyện ủy, tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng một số phòng ban liên quan tập trung giải quyết vấn đề giáo dục cho xã này. Cùng với việc đầu tư xây dựng trường lớp là việc vận động bà con cho con em đi học. Muốn con em đi học, người lớn phải làm gương, phải đi học trước và cán bộ xã phải là những người gương mẫu trong chuyện học văn hóa này. Thế là một lớp bổ túc văn hóa cấp I vào ban đêm và ngày nghỉ dành cho gần 15 học viên là cán bộ, đảng viên, đoàn viên ra đời. Đảm nhiệm lớp là một cô giáo người Jrai do Phòng GD-ĐT huyện cử về và biên chế vào trường Tiểu học (cấp I) của xã để hưởng lương.
 Một lớp học bổ túc văn hóa ở xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: internet
Một lớp học bổ túc văn hóa ở xã Ayun (huyện Chư Sê). Ảnh: internet
Quan tâm với cách làm có một không hai trong giáo dục này, tôi thường về xã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, có nhiều hôm trực tiếp tham gia đứng lớp, cùng học, cùng dạy với cô trò của lớp. Thấy các học viên đông đủ và chăm chỉ trong chuyện học, chúng tôi rất mừng. Cô giáo cho biết, hiện thì đã ổn, chứ mới đầu tiếp cận với bảng chữ cái, tập đánh vần và tập viết, các “trò” rất nản, nhiều người bảo không thể học được. “Thà không làm cán bộ nữa, chứ làm cán bộ mà phải học khó như thế này thì thôi”-một số người bảo thế. Thế là họ bỏ học thật, cô phải vào làng tiếp tục vận động, giải thích về lợi ích của việc theo đuổi những con chữ so với chuyện hàng đêm chỉ bám vào những ghè rượu cần, say mềm, ảnh hưởng đến sức khỏe, không lao động sản xuất được và nghèo đói quanh năm là điều không thể tránh khỏi.
Mặt khác, từ thực tế chuyện... rượu và chuyện học, cô giáo đã nảy ra “sáng kiến” cũng chỉ có một không hai trong nghề giáo của mình: Cô mua rượu đem đến lớp, ai đến học, học xong sẽ được... uống rượu. “Sáng kiến” ấy bất ngờ thu hút được nhiều học viên đến lớp. Biết chuyện “phi giáo dục” mà đem lại hiệu quả này, tôi yêu cầu lãnh đạo Phòng GD-ĐT không được phổ biến, nhân rộng “mô hình”, cứ lặng lẽ để cô giáo áp dụng cho lớp của cô ấy. Tôi và anh Măng Lanh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện rất vui khi biết được lớp học ngày càng tiến bộ, nhiều học viên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông.
Một hôm tôi về Ayun, sau công việc chung cùng với lãnh đạo xã, tôi ghé sang trường thăm thầy-cô giáo và cũng để lắng nghe, tìm hiểu về chuyện học hành của các cháu nhỏ trong xã. Ngay trong giờ học mà nhiều lớp chỉ có 5-7 học sinh, nhìn góc bảng đen, có lớp thấy thầy-cô giáo ghi sĩ số có vài chục, mà số vắng lên đến 2/3. Ngày đứng lớp, ban đêm, các thầy-cô giáo phân công nhau đến các làng, đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích, kể cả... dọa, “thế mà các cháu có chịu ra lớp đâu anh”-một cô giáo trẻ với gương mặt buồn rười rượi nói với tôi như thế. Đó là một thực tế đáng buồn cho giáo dục ở Ayun lúc bấy giờ. Đến thăm cô giáo dạy bổ túc, thấy cô cũng không vui. Khi tôi bảo, xã báo cáo với tôi là lớp cô dạy rất tốt, học viên siêng đi học và tiến bộ lắm, vậy sao cô buồn? Bí thư Đảng ủy xã Đinh Brớ thật thà bộc bạch ngay: “Mấy tháng nay, cô phải mượn tiền mua rượu đem đến lớp đấy!”.
Thì ra sáng kiến của cô đã giúp lớp giữ được sĩ số, học viên ngày càng tiến bộ, nhưng túi tiền của cô cũng ngày càng cạn đi. Hồi đó, giáo viên dạy ở đâu cũng vậy, chưa có một chế độ, chính sách ưu đãi nào cho những người ở những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh. Lương giáo viên lại nằm trong tốp... thấp đáng kể so với ngành nghề khác. Không chỉ có cô giáo dạy “lớp học đặc biệt” như vừa nói, mà tất cả các thầy-cô giáo ở Ayun bấy giờ đều thuộc diện... đói. Cách thị trấn Chư Sê không xa, nhưng chuyện đi lại không hề dễ dàng, nắng bụi, mưa lầy, chủ yếu là đi bộ, cho nên mọi thứ cho sinh hoạt hàng ngày đều phải chịu mua với mức giá của... “thương nghiệp cấp 4, cấp 5” quy định.
Và, lại một lần nữa, “cái khó không bó cái khôn”, ngành GD-ĐT huyện chính thức đề nghị lãnh đạo huyện lúc bấy giờ cho chủ trương “Vì giáo dục Ayun”, để ngành được phép huy động mỗi giáo viên (trừ giáo viên ở xã Ayun) mỗi tháng vài ngàn đồng ủng hộ thầy trò xã Ayun. Biết điều đó có thể là không đúng, nhưng khi chủ trương này đưa ra, tất cả giáo viên các cấp học trong toàn huyện đều đồng tình hưởng ứng. Cách đây mấy hôm, tôi có dịp nói chuyện này với nguyên Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê Tạ Chí Tào, anh bảo không nhớ rõ lắm, nhưng chủ trương “Vì giáo dục Ayun” kéo dài mãi cho đến gần đây mới thôi. Và hiệu quả đem lại của việc làm ấy thật rõ rệt, dù cho tới giờ giáo dục ở Ayun vẫn chưa tiến triển nhiều, nhưng “đã qua “cái eo” rồi”-anh Tạ Chí Tào khẳng định. Mà đúng vậy, tôi biết giờ ở đấy đã có những em tốt nghiệp đại học, trung cấp, đa số các cháu trong độ tuổi đi học đã được đến trường.
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.