Pleiku: Hướng đến thương hiệu chợ phiên nông sản an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, chợ phiên nông sản an toàn TP. Pleiku đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một thương hiệu, hoạt động này cần được mở rộng hơn về quy mô và nâng cao chất lượng tổ chức. 
Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức không chỉ nhằm quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp-ngành kinh tế chủ lực của tỉnh-mà còn là hoạt động đầy ý nghĩa hướng người tiêu dùng đến thói quen sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
  Các sản phẩm bán tại phiên chợ nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm.   Ảnh: L.L
Các sản phẩm bán tại phiên chợ nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: L.L
Với ý nghĩa đó, trong tháng 10-2018, TP. Pleiku đã 2 lần tổ chức chợ phiên nông sản an toàn tại đường Lê Lai với gần 20 gian hàng bày bán nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao như: rau củ mang thương hiệu Hương Đất An Phú, thịt heo CP Linh Nhi, nem chả Thúy, thực phẩm chế biến Nguyên Vũ, thịt gà Giai Lợi, cà phê Bé Thơm, giá đỗ LD… Bên cạnh đó còn có nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, xuất khẩu đi nước ngoài và được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng như: măng ép Năm Đô, hạt điều Hải Bình…  
Chợ phiên nông sản an toàn đã thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm. Mua một túi cà chua với giá 15.000 đồng tại chợ phiên, anh Đặng Hoàng Bảo Huy (đường Lê Lai, TP. Pleiku) phấn khởi: “Hàng chất lượng, giá bán hợp lý nên đàn ông chúng tôi đi mua sắm khỏi phải trả giá”. Còn chị Trần Thị Ngọc Lan (đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) hào hứng: “Chợ phiên tổ chức gần nhà nên tôi đi mua sắm rất tiện. Đặc biệt, sản phẩm bán ở đây đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn nên tôi yên tâm hơn”.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng kỳ vọng chợ phiên nông sản an toàn sẽ là cơ hội để họ giới thiệu các mặt hàng đến người tiêu dùng. Chị Phùng Thị Anh Quỳnh-cơ sở nem chả Thúy (TP. Pleiku) cho rằng: “Chúng tôi tham gia chợ phiên không chỉ với mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm mà quan trọng hơn là mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm sức khỏe”. Còn bà Hoàng Thị Thủy-chủ cơ sở Năm Đô-cho biết: “Các sản phẩm cam đường Canh, cam Vinh, măng ép… của cơ sở được khách mua rất nhanh. Lần sau, chúng tôi sẽ chuẩn bị nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi sẽ đầu tư in băng rôn, trang trí gian hàng bắt mắt để thu hút nhiều khách hàng hơn”.
Mặc dù vậy, chợ phiên nông sản an toàn vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng. “Quy mô chợ phiên quá nhỏ, hàng hóa trưng bày quá đơn điệu so với tiềm lực nông sản của địa phương, thậm chí nhiều gian hàng không có kệ trưng bày, không biển hiệu...”-chị Lê Ngọc Hường (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ. Bên cạnh đó, theo một số khách tham quan, việc tổ chức chợ phiên trên đường Lê Lai là không phù hợp vì tuyến đường này chật hẹp, có lưu lượng xe qua lại đông; thời gian diễn ra chợ phiên cũng quá ngắn, nhiều khách hàng khi biết tin đến nơi thì chợ đã vãn.
Theo ông Võ Đăng Yên-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thành phố chỉ hỗ trợ hoàn toàn chi phí trong chợ phiên lần đầu. Các phiên chợ sau, thành phố chỉ có thể hỗ trợ một phần chi phí điện, mặt bằng, còn lại là xã hội hóa. Hiện thành phố đã giao cho một đơn vị chuyên về tổ chức sự kiện thực hiện việc lắp dựng gian hàng, thu dọn vệ sinh... Chi phí cho việc này được xã hội hóa từ các đơn vị tham gia chợ phiên. “Thành phố mong muốn các doanh nghiệp cùng chung tay cộng đồng trách nhiệm để chợ phiên được duy trì và ngày càng phát triển, trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng và là điểm nhấn thu hút khách du lịch”.
An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Sự xuất hiện của chợ phiên nông sản an toàn vì thế thực sự là “điểm sáng” đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người dân; đồng thời là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra của các cơ sở sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc duy trì, hướng đến thương hiệu chợ phiên nông sản an toàn là cả một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.