Chung tay giúp người khiếm thị thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp hội viên từng bước vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng, Hội Người mù tỉnh Gia Lai đã có nhiều việc làm thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: Toàn tỉnh có hơn 1.900 người khiếm thị, trong đó có 976 người mù cả 2 mắt. Những năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên luôn được Hội quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Khi hội viên đã có nghề trong tay thì tự nuôi sống bản thân, góp phần chăm lo cho gia đình.
Với mong muốn giúp hội viên từng bước vươn lên thoát nghèo, Hội Người mù tỉnh đã rà soát, nắm rõ từng hoàn cảnh, đồng thời căn cứ vào tình trạng sức khỏe, nguyện vọng của hội viên để định hướng chọn nghề phù hợp. Đối với người trẻ, Hội định hướng học văn hóa và học nghề xoa bóp bấm huyệt. Những hội viên khó khăn trong đi lại thì được tạo điều kiện tham gia các lớp học nghề thủ công như: chẻ tăm, làm chổi. Ngoài ra, Hội duy trì hoạt động 2 cơ sở mát xa, xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền; tạo việc làm thường xuyên cho 12 hội viên, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ sự quan tâm của Hội Người mù tỉnh mà nhiều hội viên vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hà Phương
Nhờ sự quan tâm của Hội Người mù tỉnh mà nhiều hội viên vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Hà Phương
Sau khi học nghề, hầu hết học viên từng bước cải thiện cuộc sống, nhiều trường hợp nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương tiêu biểu cho các hội viên noi theo. Điển hình như chị Mai Thị Kim Yến (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Chị Yến kể: Khi đang học lớp 12 thì chị bị tai nạn giao thông khiến 2 mắt bị mù. Từ đó, chị sống nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình nên luôn mặc cảm, tự ti. Đến khi lập gia đình, sinh con, chị luôn suy nghĩ đến việc làm gì để phụ giúp chồng nuôi con. Năm 2015, chị đăng ký theo học nghề xoa bóp bấm huyệt. “Dù mất đi đôi mắt nhưng tôi còn đôi bàn tay. Nhờ chịu khó học hỏi nên chỉ sau thời gian ngắn, tôi đã là thợ lành nghề. Sau đó, tôi mạnh dạn vay vốn từ người thân để mở tiệm xoa bóp bấm huyệt tại nhà. Hàng tháng, tôi cũng kiếm được 3-4 triệu đồng từ nghề xoa bóp bấm huyệt”-chị Yến chia sẻ.
Một trường hợp khác là anh Trần Văn Tư (thôn Thái Hà, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cũng từng bước vươn lên thoát nghèo bằng nghề chăn nuôi. Anh cho biết: Khi anh chị sinh 2 đứa con, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Vì vậy, năm 2019, anh được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi với số tiền 12 triệu đồng. Mượn thêm vốn của gia đình, anh mua cặp bò để nuôi. Hàng ngày, ngoài đi chăn bò, vợ anh còn tranh thủ hái rau về nuôi heo, gà. Hiện gia đình anh có đàn bò 5 con. Anh thổ lộ: “Được sự quan tâm của Hội, giờ đây, gia đình tôi có thu nhập ổn định”.
Những tấm gương vượt khó như chị Yến, anh Tư hay những cách làm sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo được Hội chọn là chủ đề chính cho những buổi sinh hoạt tập thể. Tại những buổi sinh hoạt này, hội viên có cơ hội chia sẻ, học hỏi cách làm ăn, từ đó vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của mình. Nhiều hội viên đã tự tạo việc làm cho bản thân như các anh: Đoàn Trần Vũ Thạch (TP. Pleiku); Nguyễn Văn Hiền (huyện Mang Yang); Nguyễn Công Thiện (thị xã Ayun Pa); Ngô Văn Đàm (huyện Chư Prông); Vũ Văn Ninh (thị xã An Khê).    
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh thông tin thêm: Thời gian tới, Hội khắc phục khó khăn, tổ chức các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Qua đó giúp người mù xóa đi những mặc cảm, tự ti, vượt qua khó khăn, sống và làm việc có ích cho gia đình, xã hội.
HÀ PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.