(GLO)- Ngày 16-7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã có kết luận nguồn nước từ các giếng nước làm cây héo lá rồi chết không bị nhiễm độc.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Thương bên vạt mì bị héo lá sau khi tưới nước khoảng 30 phút. Ảnh: Nam Hoàng |
Theo đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã lấy 5 mẫu nước tại 5 giếng làm cây héo lá rồi chết đi kiểm tra, phân tích và kết luận: Chưa có cơ sở khoa học để khẳng định các giếng nước tại Xóm Mới, xã Tân Cảnh, huyện Đak Tô bị nhiễm độc. Kết quả kiểm tra phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum về 5 mẫu nước trên cho thấy hầu hết các thông số phân tích (đặc biệt là kim loại nặng) đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng thông số pH của 5 nước giếng này thì có độ pH thấp hơn giới hạn cho phép được quy định. Cụ thể, mẫu phân tích của giếng nước nhà anh Hoàng Văn Thượng có độ pH chỉ đạt ở mức 3,85 (mức thấp nhất trong 5 mẫu mang đi phân tích) và mẫu nước giếng của hộ gia đình anh Trần Văn Cửu có độ pH chỉ đạt 4,32 (mức cao nhất). Nguyên nhân gây pH thấp trong nước giếng là do yếu tố cơ lý đất. Việc nước có độ pH thấp làm cho nước có môi trường axit và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum cũng đã kiến nghị tỉnh yêu cầu Ngành Nông nghiệp tiếp tục kiểm tra, theo dõi diễn biến dịch bệnh, giống cây trồng, tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với diện tích cây trồng tại khu vực này để xác định nguyên nhân gây héo lá, quăn đọt, giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường hướng dẫn người dân xử lý nước giếng trước khi sử dụng cho mục đích ăn, uống.
Nam Hoàng