Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Khắc phục những tồn tại, tăng tốc ngay từ đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Trong chuyến thăm, chúc Tết tại tỉnh Gia Lai, chiều 26-1, đoàn công tác Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Làm việc với đoàn công tác Trung ương, phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Trung ương, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai trong năm 2023 đã đạt được những kết quả rất khả quan. Theo đó, tỉnh đã có 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra. Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản, diện tích gieo trồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu... Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khởi sắc.

Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoàn thành tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh đã nỗ lực hoàn thành Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023…

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2023, tỉnh có 7/24 chỉ tiêu không đạt. Cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP rất thấp, thu ngân sách tuy đạt dự toán Trung ương giao nhưng so với dự toán HĐND tỉnh giao thì chưa đạt. Trong đó, đáng chú ý là khoản thu tiền sử dụng đất đạt rất thấp, dẫn đến các dự án đầu tư sử dụng nguồn ngân sách tỉnh phải dừng lại vì không có vốn đối ứng... Cùng với đó, công tác trồng rừng cũng không đạt kế hoạch đề ra do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính còn nhiều bất cập.

Nói về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu quyết tâm: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo…

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh Đức Thụy

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh Đức Thụy

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục quan tâm đến công tác an sinh xã hội, trong đó, chú trọng phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, trong đó, xác định xây dựng nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng đề nghị Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác quan tâm sớm triển khai đầu tư xây dựng đường Cao tốc Pleiku-Quy Nhơn (đã được Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư trước năm 2030). Tuyến cao tốc nếu được đầu tư sẽ góp phần kết nối vùng, kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn Chính phủ, Quốc hội tính toán đến các yếu tố đặc thù trong việc triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã (theo quy hoạch, đến năm 2025, Gia Lai sẽ tiến hành sắp xếp lại 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 2 đơn vị hành chính cấp xã).

Tham gia phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội-cho rằng: Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có địa hình khá phức tạp nên mức đầu tư phát triển hạ tầng nhiều hơn các địa phương khác. Chính vì đường sá đi lại cách trở, chỉ có 2 loại hình giao thông là đường bộ và hàng không dẫn đến chi phí vận chuyển chiếm gần một nửa giá trị hàng hóa. Điều này dẫn đến việc thu hút nhà đầu tư vào xây dựng các nhà máy chế biến nông sản gặp nhiều khó khăn, dù tỉnh Gia Lai là tỉnh nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

“Tôi cũng đồng tình với đề nghị của tỉnh Gia Lai về xây dựng đường Cao tốc Pleiku-Quy Nhơn. Tuyến cao tốc này nếu được đầu tư sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề như kết nối vùng, thúc đẩy giao thương, thúc đẩy phát triển du lịch... Tôi cũng đánh giá cao Gia Lai trong việc quan tâm đến công tác giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ cho sự phát triển của tỉnh”- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu ý kiến.

Còn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng hiện tại phát triển chưa tương xứng. Do đó, đề nghị tỉnh Gia Lai cần quan tâm xây dựng đề án phát triển du lịch, từ đó đề ra các giải pháp như phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực... Đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến mà địa phương có lợi thế. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh cũng như thu hút các nhà đầu tư.

Qua nghe báo cáo và ý kiến của các đồng chí thành viên đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã đạt được trong năm 2023. Đối với 1 tỉnh thuần nông, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, diện tích lớn song là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người đứng ở mức giữa so với 63 tỉnh, thành trong cả nước là điều đáng khích lệ.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đức Thụy

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Kết quả đạt được trên cho thấy Gia Lai đang đi đúng hướng và cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng tiếp tục duy trì đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, dựa trên Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Gia Lai cần tập trung, chủ động triển khai để đạt được mục tiêu đề ra là hướng đến xây dựng tỉnh trở thành “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”. Đồng thời, cần tập trung, nỗ lực và quyết tâm chính trị cao để đảm bảo tốc độ tăng trưởng đã đề ra. Trong đó, cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp vào địa bàn và gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sản nông nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Đức Thụy

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: Gia Lai là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm chạy nước rút nên Gia Lai cần quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế, triển khai có hiệu quả các giải pháp để tăng tốc ngay từ đầu năm nhằm hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, chú trọng xây dựng các thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao đời sống cho người dân, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số; tỉnh cũng cần phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.

Đồng tình, chia sẻ với kiến nghị của tỉnh Gia Lai trong đầu tư tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Gia Lai chủ động, phối hợp với bộ, ngành liên quan để hoàn thiện kế hoạch đầu tư. Quốc hội sẽ đồng hành, hỗ trợ Gia Lai trong thực hiện dự án.
Đối với công tác sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Địa phương không phải cứng nhắc, nóng vội, tỉnh cần xây dựng đề án (trong đó, cần tính đến các yếu tố như: điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, phong tục tập quán, văn hóa, lịch sử, điều kiện địa lý…) báo cáo Bộ Nội vụ, Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội.

Gia Lai được tài trợ 10 tỷ đồng để xây dựng các Trụ sở Công an xã. Ảnh: Đức Thụy

Gia Lai được tài trợ 10 tỷ đồng để xây dựng các Trụ sở Công an xã. Ảnh: Đức Thụy

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã chứng kiến lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ cho tỉnh Gia Lai 10 tỷ đồng để xây dựng các trụ sở Công an xã trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.